Vinh danh những người nằm lại

05:10, 28/10/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng huyện Ba Tơ (30/10/1972 - 30/10/2022), lật giở từng trang sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của Đảng bộ, quân và dân Quảng Ngãi nói chung và huyện Ba Tơ nói riêng, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống anh hùng, bất khuất của quê hương, tự hào và biết ơn các chiến sĩ cách mạng thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. 
 
[links()]
 
Kiên cường đánh giặc  
 
Bước sang năm 1972, trước những thắng lợi liên tiếp của quân và dân ta trên toàn miền Nam, quân ngụy mất khả năng tiến công, chúng buộc phải phòng ngự chiến lược. Trong lúc này, lực lượng ta ngày càng lớn mạnh về nhiều mặt. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị ra Nghị quyết nêu rõ: “…Cục diện chiến trường thay đổi. So sánh lực lượng có lợi cho ta để mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn vào năm 1972, nhằm đánh bại một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy, tạo nên so sánh lực lượng mới, dẫn đến một bước ngoặt trong chiến tranh, đưa cách mạng tiến lên những bước phát triển mới cao hơn”.
 
Các cựu chiến binh Trung đoàn 21, Sư đoàn 2 thăm chiến trường xưa tại Quảng Ngãi.
Các cựu chiến binh Trung đoàn 21, Sư đoàn 2 thăm chiến trường xưa tại Quảng Ngãi.
Chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành nghị quyết chỉ đạo “phát động nhân dân vùng dậy giành chính quyền làm chủ, kiên quyết đánh bại về cơ bản kế hoạch "bình định nông thôn” của địch ở địa phương”. Theo tinh thần đó, quân và dân toàn tỉnh huy động nhân tài, vật lực đóng góp cho cách mạng, động viên thanh niên xung phong vào quân giải phóng. Các đơn vị bộ đội của tỉnh phát động phong trào thi đua giết giặc lập công, xây dựng chi bộ “bốn tốt” làm hạt nhân lãnh đạo đơn vị, tổ chức từng phân đội lót sâu đánh những đòn bất ngờ vào sở chỉ huy, khu điện đài, đồn bót của địch, sẵn sàng phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công quy mô lớn.
 
Về phía địch, phát hiện ta chuẩn bị chiến trường, từ đầu năm 1972, chúng điều Trung đoàn 4 và Trung đoàn 6, Sư đoàn 2 ngụy trở lại Quảng Ngãi, đồng thời tăng cường hai Tiểu đoàn Pháo binh 21 và 22, hai chi đoàn xe tăng, một tiểu đoàn thông tin cùng các tiểu đoàn bảo an cơ động phòng thủ phía tây các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức và Đức Phổ. Đến tháng 3/1972, địch đã hình thành các hệ thống phòng ngự vòng ngoài, ráo riết tập trung bình định Quảng Ngãi.
 
Sau khi phân tích thế trận giữa ta và địch, Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định mở chiến dịch Xuân - Hè, từ ngày 13/4 - 30/6/1972. Trong chiến dịch này, nhờ sự phối hợp tác chiến có hiệu quả của Trung đoàn 21, Sư đoàn 2, Quân khu 5, ta đã giành được thắng lợi giòn giã. Tuyến phòng thủ của địch từ Bình Sơn đến Đức Phổ bị phá vỡ. Quân và dân Quảng Ngãi đã giành thắng lợi trên các địa bàn quan trọng, tạo ra thế mới, lực mới, có đủ điều kiện phát triển giải phóng một số huyện mới ở miền núi của tỉnh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh tạo thế ở Ba Tơ, Trung đoàn 21, Sư đoàn 2, được Quân khu 5 điều vào Bình Định, bàn giao chiến trường lại cho Lữ đoàn 52.
 
Trước những thắng lợi của quân và dân Quảng Ngãi, tháng 9/1972, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết tâm giải phóng huyện Ba Tơ, lấy Lữ đoàn 52 quân chủ lực làm nòng cốt, phối hợp với Tiểu đoàn đặc công của Quân khu và Tiểu đoàn 20 địa phương Quảng Ngãi, mở đợt tấn công vào huyện lỵ Ba Tơ.
 
Từ ngày 15/9/1972, sau những ngày chiến đấu quyết liệt, Lữ đoàn 52 bộ binh chủ lực và Tiểu đoàn 406 đặc công Quân khu 5 đã tiêu diệt phần lớn quân địch ở quận lỵ Ba Tơ và các vị trí xung quanh quận lỵ. Tàn binh địch tháo chạy về co cụm ở căn cứ Đá Bàn. Hơn một tháng, quân ta vây lấn Đá Bàn và liên tục đánh bại 7 đợt phản kích của Sư đoàn 2 ngụy. Ngày 30/10/1972, quân ta tiến công Tiểu đoàn 69 biệt động ở trung tâm căn cứ Đá Bàn. Toàn bộ quân địch bị tiêu diệt, bị bắt và đầu hàng, ta làm chủ căn cứ. Quân lỵ Ba Tơ được hoàn toàn giải phóng.
 
Ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ  
 
Giành được chiến thắng, giải phóng toàn huyện Ba Tơ, đây là tiền đề cho quân ta tiến lên giải phóng tỉnh nhà, tuy nhiên xương máu của bộ đội và nhân dân đổ xuống trong chiến dịch này cũng khá nhiều. 
 
Nhiều người con ưu tú ở mọi miền Tổ quốc yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ba Tơ.
Nhiều người con ưu tú ở mọi miền Tổ quốc yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ba Tơ.
Năm 2017, nhân Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng huyện Ba Tơ, đoàn cựu chiến binh Lữ đoàn 52, Quân đoàn 3 đã về tham dự lễ và thăm lại chiến trường xưa. Sau khi viếng Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ba Tơ với hàng nghìn ngôi mộ chưa xác định được danh tính, các cựu chiến binh bùi ngùi xúc động tưởng nhớ đến đồng đội đã nằm lại Ba Tơ.
 
Năm 2018, Ban Liên lạc Lữ đoàn 52 đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị được khắc tên liệt sĩ của lữ đoàn vào bia tưởng niệm. Tiếp đó, Sư đoàn 2, Quân khu 5 cũng có công văn đề nghị với nội dung tương tự. Ngày 23/7/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký Công văn số 4338/UBND thống nhất việc khắc tên liệt sĩ trên bia tưởng niệm đặt tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ huyện Ba Tơ, giao cho Sở LĐ-TB&XH chủ trì xây dựng.
 
Theo văn bản của Ban Liên lạc Lữ đoàn 52 do Thiếu tướng Nguyễn Nhật Kỷ ký, số lượng liệt sĩ của Lữ đoàn 52 khoảng 660 người. Tuy nhiên, đến nay, Ban Liên lạc Lữ đoàn 52 mới cung cấp được họ tên, quê quán của 392 liệt sĩ. Ban Chỉ huy Sư đoàn 2, Quân khu 5 cũng cung cấp được tên 162 liệt sĩ của đơn vị đã chiến đấu, hy sinh trên chiến trường Ba Tơ. Hiện nay, tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ huyện Ba Tơ đã hoàn thành xong việc dựng bia và khắc tên cho 554 liệt sĩ của hai đơn vị, còn lại đang chờ các sưu tra cung cấp thêm.
 
Như vậy, đến nay đã xác định được 554 người con ưu tú ở mọi miền Tổ quốc đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Ba Tơ anh hùng. Chúng ta mãi mãi không quên những anh hùng liệt sĩ đã “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” 50 năm về trước.
 
Bài, ảnh: VŨ QUANG  
 
 
 

.