Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc (kỳ cuối)

06:07, 26/07/2022
.
 
[links(right)]
 
 
Kỳ cuối: Những năm tháng không quên 
 
(Báo Quảng Ngãi)- Thiêng liêng 2 tiếng đồng đội, họ đã cùng vào sinh ra tử, chia nhau từng nắm cơm, hạt muối, thậm chí là dành cái chết về phần mình để cho đồng đội được sống. Mỗi lần nhớ đến đồng đội nằm lại trên chiến trường, những người lính Cụ Hồ năm xưa lại chực trào nước mắt...
 
Nhớ những tháng ngày kề vai bên nhau
 
Về thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn ở tỉnh Quảng Trị, ông Vương Đình Bường (71 tuổi), hiện là Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ngãi, thắp hương khắp các phần mộ. Nước mắt người lính già chảy ròng. Ông đi một vòng quanh nghĩa trang, như để tìm kiếm một ai đó. Chợt, ông khựng lại trước ngôi mộ của liệt sĩ tên Thìn, quê xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Đó là bạn thuở nhỏ của ông, cả 2 nhập ngũ cùng đợt, vào năm 1971, nhưng khác đơn vị. Ngày ấy, ông Bường 20 tuổi, là lính trinh sát thuộc Đoàn 559. Liệt sĩ Thìn hy sinh năm 1972. Người nhà chỉ biết mỗi thông tin anh hy sinh ở mặt trận phía nam, cứ nghĩ anh nằm đâu đó giữa núi rừng. Có ngờ đâu anh đã về bên đồng chí, đồng đội ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
 
Ông Vương Đình Bường (bên phải) vui mừng khi gặp lại đồng đội Nguyễn Minh Phước, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ).                                                                                   ẢNH: Đăng SƯƠNG
Ông Vương Đình Bường (bên phải) vui mừng khi gặp lại đồng đội Nguyễn Minh Phước, ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ). ẢNH: Đăng SƯƠNG
Chiến tranh ác liệt, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc, nhưng những người lính Cụ Hồ nào có sờn lòng, quyết chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông Bường xúc động cho biết, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của hơn 10 nghìn liệt sĩ. Còn rất nhiều liệt sĩ nằm rải rác khắp Trường Sơn. Anh em hầu hết từ miền Bắc vào, tuổi đời còn rất trẻ.
 
“Các thương binh, liệt sĩ đã viết nên trang sử hào hùng của dân tộc, thấm đẫm máu và nước mắt, để cho thế hệ hôm nay và mai sau được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Dẫu biết rằng không thể bù đắp được những hy sinh, mất mát của các gia đình liệt sĩ, thương binh, nhưng với trách nhiệm và mệnh lệnh của trái tim, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh bằng những việc làm thiết thực, tiếp tục chăm lo chu đáo cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
TRẦN HOÀNG TUẤN

Đạn bom của giặc Mỹ dày đặc, rừng thiêng nước độc, sốt rét... Thế nhưng, tất cả đều không thể ngăn bước chân của những người lính Cụ Hồ. Người này hy sinh, người khác tiếp bước chiến đấu. “Tại ngã ba Lùm Bùm (Lào), có 7 đồng chí hy sinh ngay trong hầm. Xương thịt của anh em được chúng tôi cho vào tấm vải dù mang đi chôn mà không biết của người nào, rất đau lòng!", ông Bường nghẹn ngào.

 
Sắp đến dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), ông Bường bảo vợ lấy lá chuối gói cho một ít cơm nắm mang theo giống như ngày xưa, rồi một mình đi trên chiếc xe ba bánh lên xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) thăm mộ liệt sĩ Nguyễn Tiến Bộ. Ông Bường kể, tôi và anh Bộ cùng quê Nghệ An, nhập ngũ cùng ngày. Năm 1974, chúng tôi được điều về Cục Hậu cần, Quân khu 5. Anh Bộ vẫn thường nhắc đến người con gái tên Hiên. Họ yêu nhau và chờ ngày đất nước toàn thắng sẽ kết tơ hồng. Nhưng rồi, anh Bộ đã hy sinh trong trận đánh trên núi Đình Cương (Nghĩa Hành) năm 1974.
 
Về phần người con gái tên Hiên, chị vẫn giữ hình bóng anh Bộ trong trái tim mình. Bà Nguyễn Thị Hiên hiện sống ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp 27/7, bà lại về Quảng Ngãi thắp hương cho anh Bộ. “Tôi chờ đợi anh trở về nhưng anh đã ra đi mãi mãi. Tôi rất yêu anh, giờ đây anh không còn, nhưng với tôi anh vẫn là tri kỷ”, bà Hiên tâm sự.
 
Nhường sự sống cho đồng đội
 
Ngôi nhà nhỏ nằm lặng lẽ bên dòng kênh của vợ chồng thương binh Nguyễn Năm (80 tuổi) và bà Ngô Thị Thọ (76 tuổi), ở thôn Thiệp Sơn, xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ), trở nên rộn rã. Vợ chồng ông đón chúng tôi như những người con trở về nhà. Trong kháng chiến, ông Năm là chiến sĩ thông tin thuộc Tiểu đoàn 2, Quân khu 5, còn bà Thọ là bộ đội Trường Sơn. Cả 2 ngang dọc khắp các chiến trường, mặc cho vết thương do đạn bom hằn trên cơ thể. Bà Thọ quê tỉnh Thanh Hóa, ngày hòa bình theo chồng về Quảng Ngãi sinh sống. Ông bà mong lắm trong nhà có tiếng trẻ con bi bô, vậy mà qua 3 lần sinh nở, họ vẫn không thể có con, vì nhiễm chất độc hóa học. Ở tuổi xế chiều, 2 người lính già bầu bạn cùng nhau, ngoài nghĩa vợ chồng, còn đậm sâu tình đồng chí.
 
Vợ chồng thương binh Nguyễn Năm, Ngô Thị Thọ chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống thường ngày. (ẢNH: Đ.SƯƠNG)
Vợ chồng thương binh Nguyễn Năm, Ngô Thị Thọ chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống thường ngày. (ẢNH: Đ.SƯƠNG)
Ông Năm kể, năm 1972 trong một trận đánh ở huyện Ba Tơ, tôi bị trúng mảnh bom B52, cả 2 cánh tay và bên mắt phải bị thương nặng. Cánh tay phải giờ vẫn còn găm mảnh đạn. “Bộ đội bị thương là chuyện thường. Anh em chúng tôi bị thương, chữa trị rồi lại tiếp tục cầm súng ra chiến trường”, ông Năm bảo. Bà Thọ ngồi bên nghe chồng kể chuyện đánh trận cũng bồi hồi nhớ về đồng đội từng nhường chỗ an toàn để bà được sống. “Nhiều đồng chí lúc máy bay địch tập kích liền đẩy tôi vào hầm trú ẩn, còn mình đứng ở miệng hầm. Các anh bảo, tôi là nữ quân y duy nhất ở Tiểu đoàn vận tải (thuộc Đoàn 559) nên phải sống để chữa trị cho đồng đội bị thương...”, bà Thọ nhớ lại.
 
Những người lính Cụ Hồ là thế, họ xem nhau như anh em ruột thịt, nhường nhau từng nắm cơm, hạt muối và nhường cả cho nhau sự sống. Bà Thọ ngậm ngùi kể, ngày đêm chiến đấu dưới mưa bom bão đạn, chất độc hóa học quân đội Mỹ rải ướt trên đầu, vậy mà có ai sợ đâu, vẫn chiến đấu quên mình vì Tổ quốc. Khi đồng chí, đồng đội hy sinh, nhiều anh em đã khóc nức nở. Có lần, trong lúc nghỉ ngơi giữa rừng, đồng chí chính ủy nói đùa với một chiến sĩ: “Đố mày hôn được con Thọ!”. Anh chiến sĩ trẻ quê Thái Bình bất ngờ hôn vào má nữ chiến sĩ quân y. Đó là lần cuối anh được hôn lên má người con gái, ngày hôm sau anh hy sinh do trúng bom. Bà Thọ cùng đồng đội chôn cất anh bên bờ suối giữa rừng già.
 
Đưa các anh về
 
Gần nửa thế kỷ sau ngày hòa bình, nhiều liệt sĩ vẫn chưa được trở về quê hương, vẫn còn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ. Hành trình đi tìm đồng đội của những người còn sống là những tháng ngày dãi dầu mưa nắng, là những bước chân băng rừng, vượt suối, là những giọt nước mắt nhớ thương đồng đội...
 
Già làng Đinh Xuân Lương trao đổi cùng cán bộ Ban CHQS huyện Minh Long về công tác quy tập hài cốt liệt sĩ. Ảnh X.Hiếu
Già làng Đinh Xuân Lương trao đổi cùng cán bộ Ban CHQS huyện Minh Long về công tác quy tập hài cốt liệt sĩ. Ảnh X.Hiếu
Theo chân Thượng tá Huỳnh Văn Đạo - Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Minh Long, vòng theo con đường ngoằn ngoèo dưới ngọn núi Mum sừng sững, chúng tôi tìm đến nhà già làng Đinh Xuân Lương, ở thôn Làng Ren, xã Long Môn. Thượng tá Huỳnh Văn Đạo cho biết, núi Mum trước đây là trụ sở của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, xung quanh là căn cứ địa kháng chiến, nơi sản xuất, sửa chữa vũ khí... Có rất nhiều đơn vị bộ đội đóng quân tại đây. Giặc Mỹ đánh phá ác liệt nên nhiều đồng chí hy sinh. Nhiều năm qua, già Lương nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ giữa núi rừng. Trước đây, già Lương là du kích xã. Ngày hòa bình, ông là Xã đội trưởng xã Long Môn. Đến nay, ông đã phát hiện và tham gia cất bốc hơn 60 hài cốt liệt sĩ. “Nhiều liệt sĩ không có thông tin nên không thể đưa các anh về với quê hương. Chúng tôi chỉ có thể đưa các anh về yên nghỉ cùng đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ địa phương, để không lạnh lẽo giữa núi rừng”, già Lương bộc bạch.
 
Suốt mấy mươi năm qua, gia đình liệt sĩ Lý Xểnh, ở xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh), cũng khắc khoải, mong đợi đưa hài cốt ông trở về quê hương. Trung tuần tháng 7/2022, ước nguyện ấy đã thành hiện thực, khi Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đưa hài cốt liệt sĩ Lý Xểnh về với gia đình. Quê mẹ đón liệt sĩ trở về trong nắng vàng, gió nhẹ, trong nỗi niềm xúc động khôn nguôi. “Bác Xểnh thoát ly ra Bắc chiến đấu từ năm 1950, bác đi ròng rã 20 năm, rồi hy sinh. Gia đình mất liên lạc nên không thể đi tìm hài cốt của bác. Nay bác trở về đất mẹ, vậy là đã thỏa ước nguyện”, ông Lý Minh Sang, cháu ruột của liệt sĩ Lý Xểnh, xúc động nói. 
Quê hương xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) đón liệt sĩ Lý Xểnh về trong nỗi niềm xúc động khôn nguôi. (ẢNH: Đ.SƯƠNG)
Quê hương xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) đón liệt sĩ Lý Xểnh về trong nỗi niềm xúc động khôn nguôi. (ẢNH: Đ.SƯƠNG)
Tháng Bảy, những ngọn nến tri ân được thắp sáng ở tất cả các nghĩa trang liệt sĩ. Từng dòng người thắp nén hương lên các phần mộ tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. Từ trong sâu thẳm trái tim của mỗi người dân đất Việt, xuyên suốt qua các thế hệ, mãi mãi ghi nhớ công ơn to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Họ đã gác lại niềm hạnh phúc của riêng mình, cống hiến tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu để đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do, ươm mầm hạnh phúc!
 
Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế, tổng số liệt sĩ quê Quảng Ngãi đã được công nhận là 44,859 nghìn liệt sĩ. Trong đó, tỉnh đã đưa vào nghĩa trang 28,15 nghìn hài cốt liệt sĩ, số liệt sĩ có một phần thông tin là 4.621 liệt sĩ, số liệt sĩ chưa xác định được thông tin là 11,064 nghìn liệt sĩ, hài cốt liệt sĩ chưa tìm kiếm được là 4.425 liệt sĩ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh luôn nỗ lực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, để đưa các anh về với gia đình, quê hương.
 
P.LÝ - X.HIẾU - Đ.SƯƠNG
 
 

.