Xây dựng Đảng vững mạnh, giảm nghèo bền vững

10:03, 06/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Minh Long tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khai thác tiềm năng, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo vệ môi trường bền vững. 
[links()]
 
Tăng cường xây dựng Đảng
 
Huyện ủy Minh Long xác định, Đảng có vững mạnh về tổ chức thì mới đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Do đó, bên cạnh việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng, Huyện ủy còn triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
 
Huyện ủy Minh Long đã ban hành 2 chương trình, 18 kế hoạch cụ thể hóa 7 nghị quyết, 4 chỉ thị, 9 kết luận của Trung ương và Tỉnh ủy để triển khai thực hiện theo tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, giúp các tổ chức đảng, đảng viên khắc phục những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm.
 
Người dân huyện Minh Long thu hoạch chè.
Người dân huyện Minh Long thu hoạch chè.
Năm 2021, Đảng bộ huyện Minh Long đã kết nạp 51 đảng viên mới, vượt chỉ tiêu  so với nghị quyết đề ra. Song song với công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên, huyện Minh Long còn triển khai thực hiện tốt công tác luân chuyển, bố trí cán bộ; trong đó chú trọng những cán bộ trẻ có năng lực, phù hợp với chuyên môn và có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Huyện ủy Minh Long đã bố trí chức danh lãnh đạo của 4/5 xã không phải là người địa phương.
 
Trưởng ban Tổ chức, kiêm Trưởng phòng Nội vụ huyện Minh Long Nguyễn Anh Tuấn cho hay, việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Huyện đã cắt giảm nhiều đầu mối trung gian, giảm số lượng lãnh đạo, quản lý tại một số cơ quan, đơn vị và giảm biên chế; từng bước khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo nhiệm vụ. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả làm việc của những chức danh kiêm nhiệm được nâng lên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hoạt động của chính quyền ở địa phương.
 
Tập trung giảm nghèo bền vững
 
Nhằm sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Huyện ủy Minh Long đã lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng. Các chương trình hỗ trợ vay vốn, mô hình phát triển kinh tế được áp dụng trong sản xuất mang lại hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
 
Năm 2021, tổng giá trị sản xuất của Minh Long đạt gần 675 tỷ đồng, tăng gần 6,7% so với năm 2020. Huyện đã tích cực vận động, hỗ trợ người dân phát huy thế mạnh của địa phương vào phát triển vùng chè và đã trồng mới 16ha chè, nâng tổng diện tích chè của huyện hiện nay lên hơn 180ha. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung phát triển lâm nghiệp, duy trì độ che phủ của rừng đạt 65%; phát triển các mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi và định hướng  đầu tư phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế, mà đời sống của người dân trong huyện nói chung, của đồng bào Hrê nói riêng đã từng bước cải thiện. Số hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 8%.
 
Ông Đinh Văn Tiến ở xã Long Sơn cho biết, nhờ sự quan tâm hỗ trợ giống, kỹ thuật của Nhà nước, tôi đầu tư thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng, trong đó trồng bưởi da xanh, chôm chôm trên đất gò đồi. Nhờ đó mà gia đình tôi đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện phấn đấu đưa giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng trưởng bình quân từ 6,5 - 7%/năm và mỗi năm giảm 2 - 3% hộ nghèo. Để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; ứng dụng KHCN trong sản xuất; nhân rộng các mô hình hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, chú trọng phát triển trồng trọt đảm bảo theo quy hoạch và nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như mít Thái, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm...
 
Bài, ảnh: KIM NGÂN
 
 
 

.