Sắt son một niềm tin

02:03, 13/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi, đánh dấu một bước ngoặt, thể hiện tài trí của quân và dân huyện Ba Tơ dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã đi vào lịch sử, góp phần to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trải qua 77 năm (11/3/1945 - 11/3/2022), Đảng bộ, quân và dân huyện Ba Tơ sắt son một lòng dưới ngọn cờ của Đảng, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
[links()]
 
Tháng 3! Con đường về huyện Ba Tơ anh hùng rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Tại quảng trường Ba Tơ, tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ sừng sững như một minh chứng oai hùng của đồng bào nơi đây. Người dân Ba Tơ tự hào kể nhau nghe về cuộc khởi nghĩa năm xưa. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, tạo thời cơ lớn cho nhân dân ta khởi nghĩa giành chính quyền. 
 
Cán bộ, chiến sĩ và thế hệ trẻ tìm hiểu về Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ.                      Ảnh: A. Nguyệt
Cán bộ, chiến sĩ và thế hệ trẻ tìm hiểu về Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: A. Nguyệt
Ngày 11/3/1945, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi, những chiến sĩ cách mạng trung kiên đã chớp thời cơ, vận động đồng bào các dân tộc ở châu lỵ tiến hành khởi nghĩa vũ trang và kết thúc thắng lợi, chính quyền thực dân phong kiến sụp đổ, chính quyền cách mạng được thành lập. Đây là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân đầu tiên trong cả nước. Đội du kích Ba Tơ được thành lập, trở thành lực lượng nòng cốt góp phần giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
 
Phát huy truyền thống hào hùng, 77 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng, Đảng bộ, quân và dân huyện Ba Tơ đã một lòng đoàn kết, chung tay xây dựng cuộc sống mới. Theo Quốc lộ 24 nối với đường liên huyện Ba Tơ - Minh Long, chúng tôi đến xã Ba Vinh, là căn cứ cách mạng của Đội du kích Ba Tơ năm xưa. Tháng 3, nắng xuân ấm áp như tiếp thêm cho lúa trổ bông, chắc hạt, đem lại cuộc sống no ấm cho người dân trên vùng cao này. Con đường về  căn cứ Cao Muôn không còn bị chia cắt bởi con suối Nước Gia, vì đã có chiếc cầu treo kiên cố dài khoảng 200m. 
 
Chủ tịch UBND xã Ba Vinh Phạm Văn Rạch cho hay, không chỉ con đường, cầu cống, mà trên địa bàn xã đã được xây trường, trạm khang trang, điện thắp sáng kéo về đến tận các xóm làng. Toàn xã có hơn 7.000ha đất tự nhiên giáp với các xã trên địa bàn huyện và huyện Nghĩa Hành, Minh Long. Tận dụng địa thế thung lũng nằm giữa bốn bề núi, những năm qua, người dân đã đưa nước từ các con sông, con suối về các cánh đồng, vườn đồi để trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất lúa nước 2 vụ ăn chắc. Xã Ba Vinh trở thành nơi có vựa lúa lớn nhất nhì của huyện Ba Tơ. Nhờ vậy, đời sống người dân ngày càng khấm khá, no đủ, số hộ nghèo chỉ còn 173/1.327 hộ.
 
Ở các xã Ba Động, Ba Chùa, Ba Giang, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ cũng đã và đang đón dòng nguồn vốn đầu tư cho vùng An toàn khu, chính sách miền núi, tạo nên một diện mạo mới khang trang. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của Chính phủ, Bộ GTVT đã hoàn thiện tuyến Quốc lộ 24 qua địa phận huyện Ba Tơ, góp phần rất lớn cho huyện phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Ở phía đông huyện, Ba Động - xã nông thôn mới đầu tiên của các huyện miền núi trong tỉnh được đầu tư hoàn thiện 100% đường bê tông giao thông nông thôn; đã hình thành cụm công nghiệp và đi vào hoạt động. Dòng sông Liêng, nơi từng là huyết mạch để vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm tiếp tế cho vùng căn cứ cách mạng, nay đã được xây dựng 3 cầu bê tông và cầu treo kiên cố bắc qua sông, tạo đà cho vùng đất này phát triển bền vững.
 
Ở phía tây huyện Ba Tơ, tại thị tứ Ba Vì, hàng quán mọc lên với đầy đủ các vật dụng cần thiết để phục vụ người dân địa phương và các vùng lân cận. Còn ở thị trấn Ba Tơ, những tuyến đường nhựa đã được gắn tên; từ đây, nhiều tuyến đường nhựa, bê tông tỏa đến tận các xã, thôn. Diện mạo Ba Tơ hôm nay phản ánh rõ nét các chính sách dành cho miền núi, vùng An toàn khu, Chương trình 30a được triển khai đã giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Năm 2021, huyện Ba Tơ đã được đầu tư nguồn vốn hơn 146 tỷ đồng, để hoàn thiện và xây mới các dự án trọng điểm trên địa bàn.
 
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện Ba Tơ tập trung triển khai các mô hình kinh tế hộ gia đình, đưa cây, con giống mới vào sản xuất nâng cao hiệu quả. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 29,4 nghìn tấn, trong đó, sản lượng lúa đạt gần 29 nghìn tấn. Trên các sườn đồi, người dân đã phủ kín cây nguyên liệu keo. Nói như Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lữ Đình Tích, huyện Ba Tơ có diện tích tự nhiên chiếm 1/5 diện tích trên địa bàn tỉnh, nhưng chủ yếu là đồi núi. Để phát huy hiệu quả diện tích đất này, những năm qua, huyện tập trung phát triển trồng rừng kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. 
 
Đến nay, toàn huyện có hơn 9.077ha rừng trồng tập trung, sản lượng gỗ khai thác ước đạt hơn 1,1 triệu mét khối. Huyện đã ban hành  kế hoạch trồng một tỷ cây xanh, giai đoạn 2021 - 2025, nâng độ che phủ của rừng lên 67,47%. Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng trùng tu, tôn tạo những di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Trong các địa điểm liên quan đến Khởi nghĩa Ba Tơ, đã có 9 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt... Nhờ đó, vừa tạo thêm nguồn thu ngân sách cho huyện, vừa giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, con người Ba Tơ đến du khách và góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước...
 
Những năm qua, tổng giá trị GDP trên địa bàn huyện luôn tăng qua từng năm. Năm 2021, giá trị sản xuất đạt gần 1.705 tỷ đồng, tăng 11,01% so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dần theo hướng nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ và xây dựng. Giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt trên 38 triệu đồng/người/năm.
 
Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho rằng, những thành tích đạt được của huyện là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn. Đội ngũ cán bộ từng ngành, lĩnh vực đều được đào tạo vững về chuyên môn, có ý thức kế thừa những giá trị của thế hệ cha ông và mạnh dạn, sáng tạo trong điều hành; đồng thời tập trung kêu gọi đầu tư các dự án thủy điện, công nghiệp, áp dụng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu ngân sách cho huyện khá lớn. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, địa thế của vùng đất anh hùng. 
 
Thị trấn Ba Tơ nhìn từ trên cao.  Ảnh: B.T.TRUNG
Thị trấn Ba Tơ nhìn từ trên cao. Ảnh: B.T.TRUNG
Trong thời gian đến, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các giá trị và ý nghĩa của Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, nhằm tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết trong nhân dân. Gắn truyền thống lịch sử với việc xây dựng nếp sống văn hóa, làm nền tảng để phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Huyện đã Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu vực phía tây thị trấn Ba Tơ (khu Đá Bàn),  hồ Tôn Dung; phê duyệt quy hoạch chung thị trấn Ba Tơ và đô thị mới Ba Vì; kiểm tra, khảo sát vị trí quy hoạch nghĩa trang nhân dân huyện và nghĩa trang đô thị mới Ba Vì, khu xử lý rác thải. Đồng thời phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, nhiệm vụ quy hoạch và dự toán kinh phí lập Quy hoạch chung xây dựng các xã đăng ký về đích nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025; ban hành đề án phát triển giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025.
 
Với tiềm năng sẵn có, địa thế nằm trên trục Quốc lộ 24 kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, Đảng bộ, quân và dân Ba Tơ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng năm xưa, đoàn kết, sắt son một lòng xây dựng cuộc sống mới theo hướng hội nhập và phát triển.
 
Ghi chép của Ánh Nguyệt
 
 
 
 

.