Người thiết kế đường băng cho mình

09:05, 13/05/2020
.
Thanh Thảo
 
(Baoquangngai.vn)- Dù chỉ ở Quy Nhơn và Bình Định có 1 năm 3 tháng, nhưng đó là thời gian vô cùng quan trọng đối với người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, là thời gian chuẩn bị điều kiện cho Nguyễn Tất Thành “cất cánh” khi Người vào Sài Gòn và xuống tàu “Đô đốc Latouche Treville” vào ngày 5 tháng 6 năm 1911 với tên Văn Ba.
Ngay từ xưa, những người yêu nước, những người có lý tưởng cứu nước đã như dễ dàng gặp nhau. Cứ như giữa họ có một sức hút nào đó, người Việt yêu nước dù từ xa xôi đến một nơi còn xa lạ, nhưng gần như lập tức gặp được người đồng chí hướng. Họ nhận ra nhau ngay. Điều đó thật kỳ lạ. 
 
Tàu L'amiral Latouche Tresville nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời bến cảng Nhà Rồng - Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước
Tàu L'amiral Latouche Tresville nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời bến cảng Nhà Rồng - Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước
 
Tháng 5 năm 1909, khi đi cùng cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc vào Quy Nhơn, Nguyễn Tất Thành được cụ Sắc gửi lại nhà người bạn thân là cụ Phạm Ngọc Thọ, lúc ấy đang là giáo viên của trường Pháp- Việt Quy Nhơn để trau dồi tiếng Pháp.
 
Như thế, việc đầu tiên của Bác Hồ khi từ Huế vào Quy Nhơn là để học tiếng Pháp. Con đường xuất dương đã hiện lên, nhưng nếu muốn khi sang được Pháp là có thể bắt tay ngay vào công việc, thì phải trau dồi tiếng Pháp. 
 
Cụ Phạm Ngọc Thọ, thân sinh của Bộ trưởng Y tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Ngọc Thạch sau này, đã đảm nhiệm việc dạy tiếng Pháp cho Bác Hồ. Gia đình cụ Thọ là gia đình trí thức yêu nước, và chắc chắn là cụ Thọ biết ý định sang Pháp của Nguyễn Tất Thành nên hết lòng bồi dưỡng tiếng Pháp, để tạo một đường băng đầu tiên bằng ngoại ngữ cho con đường còn rất dài của chàng trai yêu nước, lại là con trai bạn mình. Thời gian không có nhiều, nên Bác Hồ đã hết sức cố gắng vừa học với cụ Thọ, vừa tự học tiếng Pháp. 
 
Nếu bây giờ người ta nói ngoại ngữ là cánh cửa mở cho người trẻ tuổi con đường tiếp cận với thế giới một cách chủ động, thì vào thời Bác Hồ cũng vậy. Nhưng ngoại ngữ, ở đây là tiếng Pháp, còn quan trọng hơn một cánh cửa, nó là đường băng đưa người thanh niên yêu nước đến với một đất nước vừa là cha đẻ của ngọn cờ Tự Do-Bình Đẳng-Bác Ái, lại vừa là cha đẻ của chủ nghĩa thực dân Pháp đang đô hộ, dày xéo quê hương Việt Nam. Học tiếng Pháp, với Nguyễn Tất Thành, là để tiếp thu những gì cao đẹp nhất của nước Pháp-Ánh Sáng, của Cách mạng dân chủ tư sản Pháp, nhưng đồng thời cũng là để tìm ra những yếu huyệt của chủ nghĩa thực dân Pháp, đặng đấu tranh chống lại nó một cách hiệu quả nhất.
 
Con đường tự học là con đường suốt đời của Bác Hồ. Học tiếng Pháp ở Quy Nhơn, tự học tiếng Pháp ở trường Dục Thanh (Phan Thiết), tự học tiếng Pháp trên đất Pháp, rồi tự học tiếng Anh bên Anh, bên Mỹ, tiếng Nga bên Liên Xô, và một số ngoại ngữ khác Bác cũng tiếp cận chủ yếu bằng con đường tự học. Chỉ bấy nhiêu thôi, Bác Hồ đã là tấm gương tự học ngoại ngữ thành công mà tuổi trẻ bây giờ có thể học tập.
 
Học Bác Hồ là học những gì cụ thể nhất của Bác, như chuyện tự học ngoại ngữ. Như chuyện tự trang bị cho mình những kỹ năng lao động khi làm việc phụ bếp trên tàu viễn dương, và bao nhiêu công việc lao động nhọc nhằn khác trên đất Pháp, đất Anh, đất Mỹ. Hãy học Bác Hồ cách… làm bánh, cách học làm bánh rất chuyên nghiệp để Bác có thể trụ vững ở một khách sạn 5 sao tại Boston (Mỹ), và sau bao nhiêu năm, kỹ thuật làm bánh của Bác Hồ vẫn được mọi người trong và ngoài khách sạn nhớ tới với lòng cảm phục.
 
Lại như chuyện Bác Hồ rất am hiểu nghệ thuật tuồng, là nhờ gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc và gia đình cụ Đào Tấn có mối thân tình từ hồi cụ Đào Tấn làm tổng đốc Nghệ An. Hồi ấy Bác Hồ đã nhiều lần đến chơi nhà cụ Đào, và đã làm quen thật sâu sắc với nghệ thuật Tuồng mà cụ Đào là bậc thiên tài của nghệ thuật này. Khi vào Bình Định, Bác Hồ đã đến thắp hương ở nhà cụ Đào Tấn, và đã xem dân làng Vinh Thạnh quê cụ Đào diễn tuồng.
 
“Theo lời kể của cụ Nguyễn Sinh Khiêm, anh ruột Bác Hồ, thì thời trẻ, Bác Hồ xem tuồng nhiều và thích tuồng tới mức sau này, thời ở chiến khu Việt Bắc mỗi lần họp Chính phủ, lúc giải lao, Bác đều bảo ông Lê Văn Hiến (Bộ trưởng Tài chính, nguyên là kép hát tuồng) lên hát tuồng cho mọi người nghe, thậm chí có lúc Bác còn nhắc tuồng khi ông Hiến quên… Và cũng theo ông Lê Văn Hiến thì, những chuyến đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa, Bác Hồ phân công cho ông Hiến diễn tuồng khi giao lưu với những nước sở tại”. (dẫn theo nhà văn Sơn Tùng và GS Hoàng Chương).
 
Tuồng là nghệ thuật dân tộc, là văn hóa dân tộc. Bác Hồ am hiểu sâu sắc văn hóa tuồng chính là để qua đó hiểu thêm về dân tộc mình, về người dân miền Trung, người dân và mảnh đất Bình Định, nơi được coi là “cái nôi của nghệ thuật tuồng”. Những hiểu biết ấy đều phải qua tự học, tự trải nghiệm và cảm thấu.
 
Bình Định, Quy Nhơn có may mắn là nơi cưu mang Bác Hồ hơn một năm, và ở đó, Người đã bắt đầu con đường tự học-thực học của  mình, trước khi vào Sài Gòn và xuống tàu sang Pháp. Khi gửi Bác Hồ ở nhà cụ Phạm Ngọc Thọ, cụ Nguyễn Sinh Sắc cha Bác Hồ đã nhắm đến việc học tiếng Pháp của Bác, là nhắm tới con đường còn xa lắc của con mình. Với một nhà nho, sự uẩn súc là vô cùng cần thiết. Còn với một thanh niên tây học như Nguyễn Tất Thành, sự tự học, tự trang bị kiến thức và kỹ năng sống kỹ năng làm việc cho mình là vô cùng thiết cốt. Là người giao lưu giữa hai nền Nho học và Tây học, Bác Hồ tiếp thu tinh hoa của cả hai nền giáo dục, nhưng Bác biết, lý tưởng là tự mình tìm thấy, con đường là tự mình lựa chọn. 
 
Bác Hồ tại Đại hội Tours năm 1920.
Bác Hồ tại Đại hội Tours năm 1920.
 
Những điều mà lớp thanh niên trẻ bây giờ có thể học được từ Bác Hồ, đầu tiên, phải là sống có lý tưởng, sống vì đất nước, vì nhân dân, phục vụ cộng đồng. Có được “ngọn lửa đầu tiên” ấy rồi, thì phải học ở Bác tinh thần tự học, tự chủ đời mình. Nghệ thuật tuồng là nghệ thuật của lý tưởng. Những nhân vật tuồng là những nhân vật sống có lý tưởng, và sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng. Bác Hồ yêu thích tuồng bắt đầu từ đó. Nhiều nhân vật (chính diện) của tuồng là những người phấn đấu suốt đời, vượt qua bao gian nguy để thực hành lý tưởng.
 
Bác Hồ, giữa gian nguy, trong cảnh tù tội, vẫn ung dung tự tại, vẫn làm thơ, vì Bác luôn tự chủ được đời mình. Niềm tin sắt đá vào con đường mình đã chọn khiến con người luôn thanh thản như vậy.
 
Ngày Bác Hồ vào Bình Định, ở Quy Nhơn, Bác mới 19 tuổi. Nhưng Người đã trưởng thành sớm, nhờ gia đình, nhưng cũng chính nhờ Người bắt đầu sống có lý tưởng. Điều đó cũng rất bình thường ở con người, không có gì phải thần thánh hóa lên cả.
 
Càng sống có lý tưởng, cuộc sống sẽ càng bình dị. Cũng như càng tự học, càng sở đắc nhiều kỹ năng, sẽ càng tự tin. Tôi nghĩ, học Bác Hồ là học những điều cụ thể như vậy. Nhất là học đức chịu khó chịu khổ, tự học và tự học, như Lênin đã khuyên: “Học, học nữa, học mãi”. Bởi ở đời có bao điều bao cái đáng học.
 
Theo tôi, đường băng học và tự học ấy, Bác Hồ đã tự thiết kế cho mình, và nó đã giúp Người cất cánh./. 
  

.