Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi:
Những nét độc đáo, sáng tạo trong 90 năm xây dựng và phát triển

10:02, 03/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2020) và 90 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (1930 - 2020), báo Quảng Ngãi trân trọng giới thiệu bài viết: “Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi: Những nét độc đáo, sáng tạo trong 90 năm xây dựng và phát triển” của Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Văn Hào.
Cũng như các địa phương trong cả nước, ở Quảng Ngãi, trước khi Đảng bộ được thành lập, phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp được thực hiện  trong sự “thử nghiệm” lịch sử, khi thì theo chủ nghĩa phong kiến, lúc thì theo những quan điểm dân chủ tư sản. Mỗi phong trào trong từng giai đoạn tuy có khác nhau về màu sắc, quan điểm tư tưởng, đường lối và chủ trương chính trị, phương pháp đấu tranh, nhưng đều thể hiện cùng một ý chí, tinh thần yêu nước, quyết tâm giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, khi bắt gặp những tư tưởng cứu nước tiến bộ của Nguyễn Ái Quốc, người thanh niên yêu nước Trần Kỳ Phong đã truyền bá, thức tỉnh các tầng lớp thanh niên yêu nước ở Quảng Ngãi.
 
Chớp thời cơ và vận dụng sáng tạo
 
Năm 1925, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập ở Quảng Châu (Trung Quốc), thì không lâu sau đó tổ chức này cũng ra đời ở tỉnh Quảng Ngãi. Sự ra đời của Tỉnh hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi đã đánh dấu sự chuyển hướng hoàn toàn con đường cách mạng dân tộc, dân chủ theo chủ nghĩa Mác - Lênin của tầng lớp thanh niên trí thức yêu nước, dưới sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản, mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ (giữa) thăm Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thanh Biền.          Ảnh: TL
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ (giữa) thăm Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thanh Biền. Ảnh: TL
Sau Đại hội lần thứ nhất của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ Quảng Châu trở về, đồng chí Trương Quang Trọng, Bí thư Tỉnh hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quảng Ngãi báo cáo tình hình và bày tỏ chính kiến của mình về việc thành lập các tổ chức cộng sản trong nước và cho rằng: Tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và đặt ra yêu cầu bức thiết phải có một tổ chức mới.
 
Sau đó, các đồng chí Trương Quang Trọng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Sĩ Sách, Nguyễn Thiệu họp bàn nhiều lần, thống nhất nhận định phải giải tán tổ chức Hội và thành lập tổ chức "Dự bị cộng sản". Tháng 7.1929, tại núi Xương Rồng (Đức Phổ) dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Quang Trọng, hội nghị Tỉnh bộ đã nhất trí tuyên bố tất cả cán bộ và hội viên của Tỉnh bộ phải hoạt động theo tinh thần của một tổ chức cộng sản, đồng thời tuyên bố thành lập tổ chức “Dự bị cộng sản”.
 
 Các đồng chí Nguyễn Nghiêm và Phạm Viết My được giao nhiệm vụ chuẩn bị mọi điều kiện để xúc tiến xây dựng Đảng bộ Cộng sản ở Quảng Ngãi. Sau đó, các chi bộ “Dự bị cộng sản” đã được thành lập ở các phủ, huyện... Đây là sự sáng tạo, tỏ rõ lập trường, quan điểm của những người cộng sản chân chính ở Quảng Ngãi từ thời kỳ đầu dựng Đảng, mà không nơi nào có.
 
Sau khi thành lập vào tháng 3.1930, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã phát động, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh trong toàn tỉnh, gây tiếng vang và đem lại niềm tin to lớn cho quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Tỉnh ủy. Trong cuộc biểu tình đánh chiếm huyện đường Đức Phổ vào tối ngày 7, rạng sáng ngày 8.10.1930, trên cơ sở phân tích tình hình, so sánh lực lượng giữa ta và địch, Tỉnh ủy chủ trương phải vô hiệu hóa lực lượng quân sự của địch bằng cách làm chậm thời điểm chúng có mặt tại huyện và tranh thủ kết thúc cuộc đấu tranh trước khi chúng từ thị xã vào đến huyện Đức Phổ.
 
Theo đó, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Huyện ủy Mộ Đức và Ba Tơ đã tập hợp và phát động quần chúng đấu tranh để “chia lửa” với huyện Đức Phổ; nhiều cây cối dọc tuyến Quốc lộ 1 và tuyến Thạch Trụ - Ba Tơ đã bị triệt hạ làm chướng ngại vật chặn quân tiếp viện từ Quảng Ngãi và các nơi khác về Đức Phổ đàn áp phong trào cách mạng. Đến 7 giờ sáng thì đoàn biểu tình đã giải tán, nhưng đến tận 10 giờ địch mới đến được Huyện đường. Thành công của cuộc biểu tình cho thấy sự sáng suốt trong nhận định tình hình, sự mưu lược trong chủ trương, biện pháp và sự khéo léo trong công tác tổ chức và chỉ đạo của một Đảng bộ tỉnh vừa mới ra đời.
 
Việc Đảng bộ tỉnh đề nghị hoãn thi hành Nghị quyết của Hội nghị mở rộng của Xứ ủy Trung Kỳ (ban hành cuối năm 1930), trong đó có nội dung thanh lọc các đảng viên xuất thân từ thành phần giai cấp bóc lột theo phương châm: "Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ" cũng thể hiện sự sáng tạo, nhạy bén, quyết đoán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, không rập khuôn, máy móc. Bởi lẽ, nghị quyết này sau đó đã được Trung ương uốn nắn và đình chỉ thi hành.
 
Trong cao trào cách mạng 1939 - 1945, Đảng bộ tỉnh đã tích cực nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng. Chỉ 2 ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp, mặc dù chưa nhận được Chỉ thị của Trung ương, nhưng các đồng chí ở căng an trí Ba Tơ đã kịp thời phát động cuộc đấu tranh vũ trang chiếm đồn Ba Tơ, tiến hành cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi (ngày 11.3.1945) và xây dựng Đội du kích Ba Tơ làm nòng cốt hỗ trợ cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Đó là một nét độc đáo, riêng có, sáng tạo ở Quảng Ngãi.
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một trong những thắng lợi vẻ vang, có tính chất quyết định đến phong trào cách mạng chung cả nước và của tỉnh nhà, đó chính là cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, một mốc son lịch sử vẻ vang, thể hiện rõ nét sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh. Tỉnh ủy đã tiến hành các bước chuẩn bị cho đấu tranh vũ trang, trong điều kiện Trung ương chủ trương chỉ đấu tranh chính trị đơn thuần, chờ thời cơ, chờ có chủ trương mới... Điều đó được thể hiện qua các hội nghị Tỉnh ủy, đặc biệt là Hội nghị Gò Rô ở Trà Bồng (ngày 7.7.1958).
 
Đây là hội nghị được xem là đại hội đoàn kết các dân tộc miền Tây Quảng Ngãi quyết tâm đánh Mỹ - Diệm; là Hội nghị Diên Hồng của nhân dân Quảng Ngãi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi nổ ra và thắng lợi, trở thành cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên, mở đầu phong trào Đồng Khởi ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tiếp tục chỉ đạo giành nhiều thắng lợi có tính bước ngoặt không chỉ cho phong trào cách mạng trong tỉnh, mà cả miền Nam. Trong các thắng lợi đó, không thể không kể đến các chiến thắng Ba Gia (tháng 5.1965), Vạn Tường (tháng 8.1965) và đỉnh cao là cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Ngãi mùa xuân 1975.
 
Thể hiện sự quyết đoán, linh hoạt
 
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng năm 1975, nhận thức sâu sắc những bất lợi của điều kiện tự nhiên, Đảng bộ tỉnh đã dày công nghiên cứu, tìm tòi hướng phát triển mới của tỉnh. Nông nghiệp, nông thôn, đời sống người nông dân luôn luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi. 
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân và Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Văn Hào xem các bài thi đạt giải của Cuộc thi viết
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân và Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Văn Hào xem các bài thi đạt giải của Cuộc thi viết "Tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 1930 - 2020". Ảnh: T.THUẬN
Công trình thủy lợi Thạch Nham là công trình trọng điểm cấp Nhà nước, được khởi công xây dựng năm 1985, đúng vào thời điểm tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như cả nước gặp khó khăn nhất. Sau 13 năm xây dựng, năm 1997, công trình đã hoàn thành, tạo ra bước phát triển đột phá đối với nông nghiệp và đời sống người dân Quảng Ngãi.
 
Đây là công trình kinh tế - xã hội tiêu biểu, điểm nổi bật của Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi trong thời kỳ đầu xây dựng quê hương; là sự tiếp nối, phát huy đến đỉnh cao truyền thống lao động cần cù, thông minh, sáng tạo của người Quảng Ngãi, góp phần giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm những năm 80 của thế kỷ XX; không những đã tự cân đối được lương thực, giải quyết được nhu cầu lương thực cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh, mà còn chi viện cho các tỉnh bạn và làm nghĩa vụ đối với Nhà nước, cùng đất nước vượt qua nạn thiếu đói lương thực gay gắt.
 
Tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã khai thác tối đa thế mạnh của tỉnh, của khối đoàn kết toàn dân, chủ động lãnh đạo nắm bắt thời cơ, tranh thủ các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, vừa chống tư tưởng trông chờ, thụ động hoặc nôn nóng, chủ quan, duy ý chí. KKT, các KCN, khu đô thị mới được xây dựng, các công trình, các dự án lớn của các nhà đầu tư chiến lược đã và đang là biểu tượng của tư duy kinh tế năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
 
Thực tiễn 90 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh đã chứng minh rằng cách mạng là sáng tạo. Chỉ có sự chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tiễn địa phương, thì Đảng bộ tỉnh mới có thể đưa cách mạng tỉnh nhà đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
 
VÕ VĂN HÀO
 
 

.