Những cột mốc sống nơi Biển Đông

07:04, 29/04/2013
.

(QNg)- Thời gian qua, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn kiên trì vươn ra khơi bám biển làm ăn. Họ là những cột mốc sống,  khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN


Thời gian qua, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn kiên trì vươn ra khơi bám biển làm ăn. Họ là những cột mốc sống,  khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.

 

Ngư dân trẻ Bùi Văn Phải (trái) được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi động viên trong đợt Chủ tịch nước về thăm và làm việc với huyện đảo Lý Sơn (chiều 15/4/2013).                                        Ảnh: X.THIÊN
Ngư dân trẻ Bùi Văn Phải (trái) được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi động viên trong đợt Chủ tịch nước về thăm và làm việc với huyện đảo Lý Sơn (chiều 15/4/2013). Ảnh: X.THIÊN



Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 15, xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh mạnh về biển, giàu lên từ biển góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Kinh tế biển là mũi nhọn...

Thực hiện chương trình đó, ngư dân Quảng Ngãi đã vượt qua khó khăn, phát triển đội tàu đánh bắt công suất lớn, bám biển khơi xa khai thác hải sản, góp phần làm giàu cho gia đình, quê hương; đồng thời khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Toàn tỉnh hiện có trên 5.700 tàu cá, với tổng công suất 745.000CV (tàu  90CV trở lên có 2.287 chiếc). Trong đó có 820 phương tiện đánh bắt xa bờ, tăng 102 chiếc so với năm 2011. Các tàu cá được trang bị đầy đủ các phương tiện cứu hộ cứu nạn, phương tiện thông tin liên lạc, cùng với ngư lưới cụ hiện đại, giúp ngư dân bám biển khai thác dài ngày tại các ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa... Khai thác hải sản là nghề truyền thống của ngư dân các huyện ven biển và đảo Lý Sơn, với thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/ngư dân/năm. Sản phẩm đánh bắt được không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn được chế biến để xuất khẩu. Riêng năm 2012, sản lượng khai thác đạt 126.962 tấn (120% KH).


Để khai thác ngày càng hiệu quả, ngư dân đã đóng mới, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn, mua trang thiết bị và ngư lưới cụ hiện đại để vươn khơi. Việc thành lập các nghiệp đoàn nghề cá; hình thành mạng lưới tổ hợp tác và tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển đã giúp ngư dân tương trợ, hỗ trợ nhau về mọi mặt trong quá trình đánh bắt.

Mỗi ngư dân là một cột mốc chủ quyền

Sau chuyến hành trình cuối tháng 3 gặp rủi ro khi đang đánh bắt hợp pháp trong khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chủ tàu, kiêm thuyền trưởng Bùi Văn Phải cùng 8 anh em đi bạn quyết định ở nhà xả hơi và sửa lại tàu để tiếp tục ra khơi sau Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ngư dân Bùi Văn Phải (25 tuổi) và Phạm Quang Thạnh (33 tuổi) chia sẻ: Ra khơi thì thôi chứ năm nào ở nhà chúng tôi cũng tham gia với dân làng chuẩn bị các lễ vật để cúng tế những bậc tiền hiền. “Đây là lễ tri ân các đội hùng binh năm xưa có công cắm cột mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Và cột mốc này sẽ không bao giờ mất được, bởi tôi ý thức rằng, mỗi một ngư dân ra khơi là một cột mốc chủ quyền”- anh Phải nói.

Năm 2012, anh Phải dành dụm mua được chiếc tàu cá và vận động  8 anh em thanh niên cùng trang lứa ra Hoàng Sa làm ăn. Ngày 20/3/2013, khi đang đánh bắt ở khu vực biển Hoàng Sa thì tàu tuần tra Trung Quốc đuổi theo và bắn cháy cabin tàu. Bất chấp ngọn lửa đang bùng cháy, anh Phải động viên anh em bình tĩnh dập lửa cứu tàu và chạy vào bờ an toàn. “Không có lý gì mình lại sợ khi ra ra Hoàng Sa đánh bắt, vì đây là vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam” – anh Thạnh quả quyết. Anh Thạnh chính là con cháu thuộc phái Phạm Quang với ông tổ là Phạm Quang Ảnh – Cai đội được triều Nguyễn cử ra cắm mốc tại Hoàng Sa từ năm 1815.

Quảng Ngãi là tỉnh có đội tàu cá lớn nhất, nhì của cả nước và hành nghề ở hai ngư trường chính là Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là ngư trường mà ngư dân tỉnh ta luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 400 tàu thuyền “bị nạn”, nhưng các thế hệ ngư dân vẫn nối tiếp nhau ra khơi. Họ coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của những người đi biển.

Ngư dân Nguyễn Ngữ, chủ tàu QNg 96569, xã An Hải (Lý Sơn) cho biết: Sau mỗi chuyến vươn khơi, thuyền viên nào cũng háo hức ra lại Hoàng Sa, Trường Sa - ngư trường truyền thống của cha ông để hành nghề. Anh em trên tàu cá chúng tôi một lòng quyết tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Còn ngư dân Dương Thanh Sơn, xã Bình Châu (Bình Sơn) chuyên hành nghề lặn ở Hoàng Sa thì khẳng định: “Nhiều ngư dân từng gặp nạn ở Hoàng Sa, nhưng không có nghĩa là mọi người không đi Hoàng Sa nữa”.

Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (Lý Sơn), khẳng định: “Những con tàu của ngư dân Lý Sơn nói chung, của Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải nói riêng mang theo những lá cờ Tổ quốc trên nóc tàu sẽ là những cột mốc sống để khẳng định chủ quyền biển đảo đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”. Ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT khẳng định: Vai trò của bà con ngư dân Quảng Ngãi đối với chủ quyền biển đảo là vô cùng quan trọng. Bởi ngư dân là những người ngày đêm trực tiếp tham gia các hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Thông qua hoạt động khai thác thủy sản trên biển đã góp phần khẳng định chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông.

Hàng trăm năm nay, ngư dân Quảng Ngãi luôn coi sự có mặt của mình trên vùng biển Hoàng Sa, Trường sa là họ góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo này. Nhiều ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ trái phép, lấy tài sản nhiều lần, nhưng với họ vùng biển Hoàng Sa đã trở thành nơi đi về hằng ngày. Nơi đó, từng con lạch, từng rạn san hô, bãi đá ngầm đã trở nên quen thuộc và ngấm sâu vào máu thịt của họ. “Họ coi Hoàng Sa là gốc cội, là máu thịt của Tổ quốc, của tổ tiên ông bà, nên các thế hệ con cháu của ngư dân Quảng Ngãi cho dù sau này khó khăn đến mấy, vẫn quyết tâm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa”- ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, khẳng định.


    BÁ SƠN - X.THIÊN
 


.