Khi ông Chủ tịch huyện trở thành già làng

04:04, 26/04/2010
.
(QNg) - Gần 10 năm về hưu, ông Hồ Minh Sơn- nguyên Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng về quê sinh sống ở thôn Trà Ót, xã Trà Tân (Trà Bồng) và trở thành người có uy tín đối với bà con đồng bào dân  tộc Cor ở đây.
 
(QNg) - Gần 10 năm về hưu, ông Hồ Minh Sơn- nguyên Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng về quê sinh sống ở thôn Trà Ót, xã Trà Tân (Trà Bồng) và trở thành người có uy tín đối với bà con đồng bào dân  tộc Cor ở đây.  Không phải bà con nể ông Sơn vì trước đây ông làm cán bộ, mà họ quý tấm lòng của ông đã giúp cho buôn làng biết cách làm ăn, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ cho buôn làng yên vui.


Mặc dù bây giờ ông Hồ Minh Sơn đã nghỉ hưu gần 10 năm, nhưng ông vẫn sôi nổi, nhiệt tình và hiếu khách như ngày còn đương chức. Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, trên tường treo hàng chục Huân, Huy chương các loại, bằng khen, giấy khen đây là những thành tích đóng góp của ông Sơn trong suốt cuộc đời theo Đảng, Bác Hồ tham gia cách mạng. Ông Hồ Minh Sơn là một trong những người Cor ở huyện Trà Bồng sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1959 ông Sơn là Đội trưởng Đội khởi nghĩa vũ trang phụ trách quận lỵ Trà Bồng, xã Trà Sơn và Trà Thủy.

Năm đó dưới sự lãnh đạo của Đảng, ông đã cùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trà Bồng làm nên cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đi vào lịch sử. Sau này ông Hồ Minh Sơn giữ nhiều chức vụ và trước khi về hưu ông là Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng. Khi về hưu ông Sơn lại về quê ở thôn Trà Ót, xã Trà Tân- cách huyện lỵ hơn 30 cây số. Thấy tôi thắc mắc, ông Sơn cười hiền: "Về quê nơi mình sinh ra có thể thiếu thốn một vài thứ, nhưng bù lại tình cảm của bà con đối với mình cao như núi vậy". Ông Sơn kể: "Ngày tôi trở về quê bà con ở làng vui lắm như đón đứa con đi lâu ngày mới về". Cũng từ đó bà con thôn Trà Ót phong cho ông Sơn  trở thành "già làng".

Đối với ông Hồ Minh Sơn thì già làng, người có uy tín phải trở thành "đầu tàu, gương mẫu" để bà con noi theo, tham gia giải quyết tốt những vấn đề  ở trong làng. Thấy bà con trong làng còn thiếu thốn trăm bề  cũng là điều trăn trở của ông Sơn. Ông Sơn bảo: "Không có gì có thể nói cho đồng bào nghe bằng việc giúp cho họ có cái ăn, cái mặc". Miệng nói tay làm, ông Hồ Minh Sơn trực tiếp tham gia lao động, trồng mì, khai hoang trồng lúa, trồng cây nguyên liệu giấy...

Thấy được hiệu quả kinh tế, nên mọi người làm theo. Chính vì vậy từ chỗ để đất trống đồi núi trọc, nay ở trong làng ai cũng có rừng, người nhiều nhất vài ba chục hecta, người ít nhất cũng có được 1 ha. Ngoài ra, già làng Hồ Minh Sơn còn vận động bà con nuôi bò, góp phần thu nhập cho gia đình. Điều đáng nói là đồng bào ở đây nuôi bò biết cách làm chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn cho bò vào mùa mưa, nên bò nhanh lớn, không bị chết vào mùa đông, trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình. Nếu trước đây thôn Trà Ót có gần 150 hộ mà có hơn 2/3 là hộ nghèo đói, thì nay còn hơn một nửa hộ nghèo.

Có được kết quả này không thể không kể đến vai trò của già làng Hồ Minh Sơn. Ngoài ra,  già làng Sơn còn phát huy vai trò tích cực trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.  Trong điều kiện dân trí thấp, lối sống của người dân còn lạc hậu, nhiều hủ tục còn hằn sâu trong nếp nghĩ nếu không được phát hiện và hoà giải kịp thời thì sẽ phát sinh thành những vụ việc lớn, phức tạp. Già làng Hồ Minh Sơn là người đã hoà giải thành công những vụ tranh chấp, mâu thuẫn tại buôn làng. Còn nhớ năm 2003, một số bà con trong làng có mâu thuẫn với cán bộ Lâm trường Trà Tân, dẫn đến xô xát và chết người. Nếu như không có ông Sơn đứng ra hòa giải thì sự việc trở nên nghiêm trọng và phức tạp. Ông Sơn cho rằng, đây là bài học trong công tác hòa giải, nhất là đối với các hội đoàn thể ở địa phương.

 Già làng Hồ Minh Sơn không chỉ có uy tín đối với đồng bào dân tộc Cor ở làng Trà Ót, mà kể cả bà con làng bên cạnh. Những vấn đề gì chưa hiểu biết, bà con đều nhờ vào già làng Sơn. Ông Hồ Văn Non - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Trà Tân nói: Ông Hồ Minh Sơn về làng giúp bà con xóa đói giảm nghèo, phát rẫy trồng mì, trồng cây.

Già làng Sơn tâm sự: "Bây giờ thấy bà con có cái ăn, cái mặc là vui rồi, nhưng thanh niên trong làng thiếu việc làm là điều trăn trở". Ông Sơn cho rằng: Thanh niên không thể bám vào cây lúa, cây keo, con bò mà sống mà cần phải có nghề thì mới phát triển kinh tế bền vững. Ông  bảo: Năm rồi cơn bão số 9 làm ngã hàng chục hec-ta keo làm nhiều người trắng tay. Do thiếu việc làm, nên có nhiều thanh niên ở làng rời quê đi làm ăn xa. Ông Sơn bộc bạch: "Tôi đang nghĩ phải tạo việc làm cho con em có ngành nghề, chứ trồng cây keo không bền vững. Nghe huyện chuẩn bị xây dựng Trung tâm dạy nghề thì thanh niên có chỗ đi học nghề tôi mừng lắm. Có nghề mới có thu nhập bền vững được".

     Bài, ảnh: Anh Vinh

.