Động lực thúc đẩy chuyển đổi số

02:01, 31/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chuyển đổi số (CĐS) là một trong những nhiệm vụ tất yếu, trọng tâm và là động lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Với quyết tâm, nỗ lực không ngừng, trong năm 2022, Quảng Ngãi đã gặt hái một số kết quả đáng ghi nhận trong công tác CĐS. Đó là nền tảng để Quảng Ngãi quyết tâm đẩy mạnh CĐS trên các lĩnh vực trong năm 2023.
 
Ông Trần Thanh Trường.  Ảnh: PV
Ông Trần Thanh Trường. Ảnh: PV
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi, Giám đốc Sở TT&TT, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Trần Thanh Trường đã chia sẻ về những mục tiêu, quyết tâm thực hiện CĐS của tỉnh trong thời gian đến.
 
PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong công tác CĐS trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
 
Ông Trần Thanh Trường: Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự chung tay của chính quyền các cấp, công tác CĐS của tỉnh trong năm 2022 đạt được một số thành công nhất định. Các cơ chế, chính sách, quy trình hoạt động kết hợp với áp dụng công nghệ số, dữ liệu số trong chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh được xây dựng và hoàn thiện. Một số ứng dụng, tiện ích thiết thực phục vụ hoạt động của người dân được triển khai, góp phần phổ cập CĐS rộng rãi.
 
Năm 2022 cũng là năm đạt được nhiều chỉ tiêu về CĐS. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh làm Trưởng ban; 100% ban chỉ đạo CĐS cấp huyện đã được thành lập để tham mưu, triển khai công tác CĐS; 100% cơ quan nhà nước các cấp đã thực hiện phân công cán bộ phụ trách hoặc kiêm nhiệm về công tác CĐS và đảm bảo an toàn thông tin mạng với hơn 2.300 người.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì một cuộc họp về chuyển đổi số trong năm 2022.                      Ảnh: B.H
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chủ trì một cuộc họp về chuyển đổi số trong năm 2022. Ảnh: B.H
Quảng Ngãi là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai và thành lập 100% tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp thôn, tổ dân phố. Tỉnh đã triển khai nhiều đợt tập huấn về CĐS cho khoảng 60 nghìn lượt người tham gia, là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về công tác phổ cập, tập huấn về CĐS năm 2022. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh phiên bản 2.0 là một trong 6 tỉnh đầu tiên thực hiện kết nối với Cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về dân cư và đồng thời thực hiện tích hợp, kết nối với nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung triển khai thử nghiệm nhiều nền tảng số tập trung, đơn cử là cổng dữ liệu mở tỉnh, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP), nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung cấp tỉnh, nền tảng đánh giá và xếp hạng CĐS các cơ quan nhà nước, nền tảng phòng, chống mã độc tập trung, nền tảng trợ lý ảo lĩnh vực TT&TT, xây dựng kho số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tổng đài ảo (Callbot) theo đầu số điện thoại 1900986876...
 
PV: Những khó khăn trong công tác CĐS trên địa bàn tỉnh là gì, thưa ông?
 
Ông Trần Thanh Trường: Nhận thức về CĐS của các cấp, ngành đã có sự chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa có đủ quyết tâm, nêu gương và hành động cụ thể để thực hiện, phát triển CĐS của các ngành, lĩnh vực và địa phương quản lý, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành. Công chức tham mưu thực hiện, phụ trách công tác ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS tại các cơ quan còn kiêm nhiệm nhiều công việc, thường xuyên thay đổi nên việc tham mưu CĐS còn hạn chế nhất định.
 
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp (DN) sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến còn thấp. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên môi trường số chưa phát triển mạnh. Hiện nay, công tác CĐS có nhiều nhiệm vụ phát sinh, nhiều chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ TT&TT, UBND tỉnh, nhưng nguồn lực phục vụ cho công tác CĐS tại các cơ quan vẫn còn yếu, thiếu cả về chất và lượng.
 
PV: Vậy đâu là giải pháp để khắc phục khó khăn và đẩy mạnh CĐS trong năm 2023?
 
Ông Trần Thanh Trường: Ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 189/KH-UBND về CĐS tỉnh. Các nhiệm vụ CĐS năm 2023 được xác định tập trung vào các nội dung trọng tâm liên quan đến phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
 
Theo đó, tiếp tục truyền thông để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số và CĐS. Đánh giá lại nhiệm vụ, kinh phí đã bố trí để đề xuất, kiến nghị những nhiệm vụ cụ thể cần ưu tiên làm trước trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Chủ động, ưu tiên triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng hạ tầng số, các CSDL chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị...
 
Đối với kinh tế số, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận và hoạt động trong môi trường số. Trong đó, hỗ trợ các DN, hộ gia đình quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử, các DN nhỏ và vừa tiếp cận các nền tảng số và CĐS... Đối với xã hội số, phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về CĐS đến người dân. Trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến, các nền tảng số khác và kỹ năng tương tác trên môi trường số an toàn, tham gia thực hiện CĐS trong từng lĩnh vực của đời sống. Từng bước thay đổi thói quen của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính nghĩ ngay đến dịch vụ công trực tuyến, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt...
 
Cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông kiểm tra, vận hành Trung tâm dữ liệu tỉnh Quảng Ngãi.          Ảnh: PV
Cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông kiểm tra, vận hành Trung tâm dữ liệu tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: PV
PV: Năm 2023 được xem là "Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới". Tại Quảng Ngãi, để thực hiện năm dữ liệu số thì cần triển khai những việc gì?
 
Ông Trần Thanh Trường: Đối với dữ liệu của cơ quan nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số (Nghị định 47/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2020). Năm 2022, Quảng Ngãi là một trong số ít các tỉnh đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung theo Quyết định số 862/QĐ-UBND ngày 4/7/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh, định hình quản lý, quản trị dữ liệu số; kết nối, chia sẻ dữ liệu số; sử dụng, khai thác dữ liệu số của cơ quan nhà nước; cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân.
 
Từ những kết quả đã chuẩn bị, để thực hiện "Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới", Sở TT&TT sẽ tham mưu UBND tỉnh tập trung các nhiệm vụ chủ yếu. Đó là kết nối, khai thác dữ liệu về Quảng Ngãi được lưu trữ tại các CSDL quốc gia, CSDL do các bộ, ngành quản lý. Đồng thời, chủ động công tác số hóa, thu thập dữ liệu, tạo lập dữ liệu hình thành các CSDL theo danh mục đã được ban hành. Dữ liệu từ các nguồn chính thống sẽ được phân tích, xử lý bằng các công cụ, phần mềm có hàm lượng trí tuệ nhân tạo, nhằm cung cấp cho lãnh đạo tỉnh, các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân sử dụng thông qua các nền tảng số.
 
Với phương thức đó, tôi tin rằng năm 2023 sẽ tạo ra dữ liệu số có giá trị trên tinh thần dữ liệu mở và bằng sự sáng tạo của tổ chức và cá nhân sử dụng dữ liệu số có giá trị.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 BẢO HÒA 
(thực hiện)
 

.