Ngư dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến

06:01, 08/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, với sự hướng dẫn, tuyên truyền của cơ quan chức năng và các địa phương, tỷ lệ ngư dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực thủy sản ngày càng tăng cao.
[links()]
 
Thực hiện thủ tục qua... điện thoại
 
Khác với những năm trước, năm 2022, chủ tàu cá QNg 90305 TS Trương Văn Tưởng, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá qua điện thoại, thay vì phải trực tiếp đến Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh.“Không cần tốn công đi lại, tôi chỉ ngồi tại nhà, hoặc đang ở trên biển vẫn có thể hoàn thành thủ tục xin cấp giấy chứng nhận. Chẳng những được giải quyết nhanh chóng thủ tục, tôi còn được trả kết quả ngay tại nhà qua bưu điện”, ngư dân Tưởng chia sẻ.
 
Ngư dân sử dụng điện thoại để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.
Ngư dân sử dụng điện thoại để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.
Nhằm tạo thuận lợi cho ngư dân trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) về cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Sở NN&PTNT đã đưa thủ tục này vào danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Ngoài ra, từ tháng 10/2021 đến nay, Trung tâm Phục vụ - kiểm soát TTHC tỉnh còn thực hiện sáng kiến tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức 4 đối với thủ tục này bằng phương thức điện thoại đến hệ thống tổng đài của trung tâm. Từ đó, giúp ngư dân dễ dàng tiếp cận, tham gia dịch vụ công trực tuyến.
 
Theo Giám đốc Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát TTHC tỉnh Nguyễn Thanh Hoài, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện sáng kiến tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 4 qua điện thoại, đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, cấp và cấp lại giấy phép khai thác thủy sản, trung tâm đã tiếp nhận, giải quyết hơn 3.000 hồ sơ cho ngư dân. Trong đó, năm 2022 có hơn 2.000 hồ sơ được giải quyết, tiết kiệm cho chủ tàu cá hơn 1 tỷ đồng, tiết kiệm chi phí của Văn phòng UBND tỉnh phải thanh toán chi phí luân chuyển hồ sơ giấy từ trung tâm về Chi cục Thủy sản tỉnh hơn 20 triệu đồng.
 
Tăng cường hỗ trợ người dân
 
Theo số liệu của Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát TTHC tỉnh, năm 2020, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến trong lĩnh vực thủy sản so với hồ sơ trực tiếp là 38,8%. Đến năm 2022, tỷ lệ này đạt gần 60%.

Nhằm tạo thuận lợi cho ngư dân trong thực hiện các TTHC trong lĩnh vực thủy sản, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mực độ 3, mức độ 4 trong lĩnh vực thủy sản (Quyết định số 620/QĐ-UBND, ngày 29/4/2021) gồm: Xóa đăng ký tàu cá; cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời tàu cá; cấp lại giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; cấp, cấp lại giấy phép khai thác thủy sản; cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên biển...

 
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, đây đều là những thủ tục có thành phần hồ sơ đơn giản, dễ triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến. Để tăng tỷ lệ ngư dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bên cạnh tuyên truyền cho ngư dân từ cơ sở, các cán bộ phụ trách tiếp nhận hồ sơ của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Sở NN&PTNT) tại Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát TTHC tỉnh đẩy mạnh hướng dẫn trực tiếp cho ngư dân khi họ đến làm thủ tục.
 
“Dịch vụ công trực tuyến tạo nhiều thuận lợi cho ngư dân. Tuy nhiên, nhiều ngư dân lại chưa hiểu, chưa mặn mà thực hiện, đặc biệt là những ngư dân lớn tuổi. Vì vậy, khi ngư dân đến thực hiện thủ tục, chúng tôi luôn hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến. Thậm chí, điện thoại tư vấn, hướng dẫn ngư dân”, anh Lê Văn Khải, nhân viên Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tỉnh cho biết.
 
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
 
        
 
 

.