Chuyển đổi số: Thời cơ và thách thức

02:01, 11/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Quảng Ngãi cũng đã chuyển đổi mạnh mẽ trong việc phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
[links()]
Định vị Quảng Ngãi trên “bản đồ” chuyển đổi số
 
Với khát vọng đến năm 2030 lọt vào tốp 20 cả nước về phát triển chính quyền số, chuyển đổi số, Quảng Ngãi đang có những bước đi nhanh chóng và khẩn trương với nhiều giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số. “Làn gió” chuyển đổi số đã phủ khắp mọi lĩnh vực.
 
Lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi lễ khai trương Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: N.Đức
Lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi lễ khai trương Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: N.Đức
Thời gian qua, việc đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh đã góp phần xây dựng một nền hành chính tập trung, thống nhất, thông suốt, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Tại trung tâm hiện có 18 sở, ngành tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết hơn 1.600 thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực; 100% cơ quan hành chính theo ngành dọc từ cấp tỉnh đến cấp xã đã xây dựng hệ thống mạng nội bộ để chuyển các thông tin cần xử lý kịp thời, đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp trong thời gian nhanh nhất.
 
Giám đốc Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Nguyễn Thanh Hoài cho biết, trung tâm đẩy mạnh tham mưu việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tăng tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến, xử lý hồ sơ trực tuyến. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia, sử dụng các tiện ích về công nghệ thông tin trong việc phục vụ người dân tra cứu, tìm hiểu về tiến độ giải quyết TTHC. Đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và tiến đến hướng dẫn cấp huyện và cấp xã thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh từ cuối năm 2022.
 
Phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) là một trong những đơn vị được chọn số hóa TTHC triển khai từ tháng 10/2019. Đến nay, phường Nguyễn Nghiêm có 13 lĩnh vực với 125 TTHC được thực hiện giao dịch trên nền tảng số. Việc giao dịch trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến không chỉ mang lại tiện ích cho người dân mà ngay cả cán bộ, công chức, viên chức cũng thuận tiện trong công việc. Chuyển đổi số đã từng bước trở thành nhu cầu không thể thiếu của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân. Đặc biệt, người dân đã thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới, bắt đầu thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
 
Hiện nay, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đến hơn 1.330 cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh; hơn 4.380 cá nhân, doanh nghiệp đăng ký chữ ký số. Việc số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ hành chính công giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước được nâng lên. Với 25 dịch vụ công thiết yếu trực tuyến, nhiều người dân đã tiếp cận một số dịch vụ với tỷ lệ cao. Hiện nay, Sở TT&TT đã triển khai thử nghiệm vận hành cụm thiết bị sử dụng IPv6. Thực hiện nâng cấp và hoàn thành việc tích hợp Cổng dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh với các hệ thống thông tin khác. Việc thực hiện chính phủ điện tử cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
 
Từ tháng 4/2022, Quảng Ngãi đã xây dựng hoàn thành và đưa vào thử nghiệm Trung tâm IOC tỉnh Quảng Ngãi. Sự ra đời của IOC đánh dấu mốc quan trọng trong lộ trình hướng đến chính quyền số của Quảng Ngãi. Hệ thống điều hành có khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống; cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước cái nhìn toàn diện về các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.
 
Động lực cho sự phát triển
 
Quảng Ngãi đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội với 100% TTHC đáp ứng yêu cầu triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; có 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác định thông suốt, hợp nhất phát triển trên tất cả các hệ thống từ trung ương đến địa phương; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử.

Quảng Ngãi xác định chuyển đổi số là cơ hội, động lực và công cụ hữu hiệu để hiện thực hóa khát vọng phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; 13/13 huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. 

 
Với sự quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng chính quyền điện tử, bước đầu hình thành chính quyền số, chuyển đổi số, hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh ngày càng được đầu tư và phát huy hiệu quả. Cổng Dịch vụ công của tỉnh được vận hành tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh đã cung cấp hơn 800 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp; hệ thống thư điện tử dùng chung với hơn 11 nghìn tài khoản được triển khai đồng bộ đến cấp cơ sở; hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung thống nhất trong toàn tỉnh đã liên thông 4 cấp trong các cơ quan nhà nước và liên thông với các cơ quan đảng cấp huyện trong toàn tỉnh.
 
Để góp phần tạo sự lan tỏa, đưa công nghệ số đến với doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy chuyển đổi số, toàn tỉnh đã thành lập 1.141 tổ công nghệ số cộng đồng với sự tham gia của hơn 7.512 thành viên. Hiện nay, 13/13 huyện, thị xã, thành phố; 173 xã, phường, thị trấn và ở cấp thôn đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh cho rằng, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và cần có sự quyết tâm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Từng cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân phải luôn sẵn sàng thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số thực sự là thời cơ, vận hội; từ đó ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số đem lại để phục vụ cho chính cơ quan, đơn vị mình, cho cộng đồng và xã hội. “Việc phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số là nhiệm vụ đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, đồng bộ ở các cấp, các ngành, các đơn vị. Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cộng với sự đồng thuận của toàn xã hội sẽ góp phần cho sự phát triển nhanh, bền vững trong việc xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số”, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh.
 
NGỌC ĐỨC
 
 

.