(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những yêu cầu từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đã thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.
[links()]
Tiên phong chuyển đổi số
Từ khi cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, chuyển đổi số đã trở thành công cụ trong vận hành và cũng là mục tiêu phát triển trong chiến lược của DN. Từ năm 2006, Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) đã ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh. Vinasoy xác định ứng dụng công nghệ thông tin là trụ cột không thể thiếu trong chiến lược cạnh tranh và tăng trưởng, đồng thời cũng là tài nguyên quan trọng để tạo ra giá trị cho DN.
Đại diện Viettel giới thiệu về phần mềm do đơn vị thực hiện. |
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số đã góp phần đưa Vinasoy ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu thị trường, khẳng định vị trí là một trong những thương hiệu hàng đầu trên thị trường. Trong 2 năm (2020 - 2021) dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự chủ động ứng dụng nền tảng công nghệ, Vinasoy vẫn duy trì làm việc và tương tác trực tuyến, phát huy được tính chủ động thích ứng, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất. Nhờ đó, Vinasoy đạt mức độ tăng trưởng sản lượng, doanh thu gần 10% và chiếm trên 90% thị phần sữa đậu nành hộp giấy trong nước.
Không ngừng đổi mới
Chuyển đổi số đặt ra nhiều cơ hội, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các DN phải quyết tâm thực hiện. Sau 16 năm nỗ lực ứng dụng công nghệ số, Vinasoy đạt khoảng 60% mục tiêu chuyển đổi số của DN. Giám đốc Khối Hành chính và Công nghệ thông tin Vinasoy Nguyễn Phúc Đức cho rằng, chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn đắn đo, mà là yêu cầu cấp bách để DN tăng năng lực và lợi thế cạnh tranh nhằm tạo ra giá trị mới, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững, thực hiện chiến lược công nghệ thông tin giai đoạn 2022 - 2030, Vinasoy tập trung vào 3 mảng chính gồm: Kiện toàn hệ thống ứng dụng, tối ưu vận hành nhằm tiết giảm chi phí, nguồn lực và nâng cao hiệu suất vận hành; hệ thống ứng dụng lên tầng quản trị chiến lược, kế hoạch kinh doanh; xây dựng trung tâm dữ liệu và báo cáo Vinasoy Data Warehouse.
Đối với lĩnh vực viễn thông, các DN viễn thông chịu sự tác động và thay đổi mạnh mẽ từ chuyển đổi số, đồng thời cũng là DN có nhiều lợi thế thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, vai trò của các DN viễn thông được xem là đơn vị tiên phong tham gia xây dựng nền tảng công nghệ, thúc đẩy lộ trình chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, DN.
Thời gian qua, Viettel Quảng Ngãi đã triển khai nhiều giải pháp góp phần hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, đơn cử như tổ chức hệ thống hội nghị truyền hình, hệ thống sức khỏe điện tử, khám chữa bệnh từ xa, chữ ký số, hóa đơn điện tử, thu phí không dừng; hệ thống liên thông trong ngành giáo dục, thi và kiểm tra trực tuyến...
Viettel Quảng Ngãi đã thực hiện mô hình Chợ 4.0 (chợ không dùng tiền mặt) tại Chợ Quảng Ngãi, giúp tiểu thương và người dân tiếp cận với công nghệ thanh toán nhanh chóng, tiện lợi. Tháng 5/2022, Viettel Quảng Ngãi đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện về chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 với UBND huyện Tư Nghĩa. Theo đó, hai bên hợp tác, hỗ trợ, huy động sự tham gia của các bên nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn huyện Tư Nghĩa. Trong đó, ưu tiên ứng dụng trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công mức độ cao, hiệu quả, nhanh chóng, thân thiện trên diện rộng, trước hết là trong các lĩnh vực liên quan tới DN, người dân như giáo dục đào tạo, y tế, giao thông, văn hóa du lịch, an toàn thông tin...
Bài, ảnh:
BẢO HÒA