Chuyển đổi số nông nghiệp

08:08, 29/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, Bộ NN&PTNT và Bộ TT&TT đã phối hợp tổ chức Lễ phát động “Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn; công bố triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng”. Chuyển đổi số hướng đến sự chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; để xây dựng thương hiệu cho nông sản; để xóa đi sự mù mờ về cơ quan quản lý, xuất xứ nguồn gốc, chất lượng nông sản chứ không chỉ là... phát động phong trào, mang tính thời điểm rồi đâu lại vào đấy.
 
[links(right)]
 
Từ nhiều năm qua, ngành nông nghiệp nước ta luôn loay hoay trước câu hỏi: Làm thế nào để đầu ra của nông sản được ổn định, người nông dân không phải bận tâm với thành quả lao động của mình mỗi khi được mùa nhưng mất giá, không phải “giải cứu” mỗi khi nông sản không tiêu thụ được. Ngoài những nguyên nhân khách quan như sự biến động của thị trường tiêu thụ do cung lớn hơn cầu, còn một nguyên nhân cơ bản nữa là, sự tù mù về xuất xứ, sự minh bạch trong quy trình sản xuất của loại nông sản đó. Một khi tất cả những câu hỏi của người tiêu dùng về một loại nông sản nào đó không được giải đáp một cách thấu đáo, thì khó để “thượng đế” tiêu thụ dễ dàng, nhất là xuất khẩu nông sản thì mọi thông tin về xuất xứ càng cần phải được minh bạch hóa.
 
Chuyển đổi số nông nghiệp mà chúng ta đang thực hiện, sẽ giúp cho mọi sản phẩm về nông nghiệp không còn tù mù về xuất xứ nữa. Điều này sẽ giúp cho việc xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước “khó tính” được thuận lợi hơn, vì người tiêu dùng ở những quốc gia ấy sẽ “yên tâm” một khi chọn loại nông sản này để tiêu thụ.
 
Vài năm trở lại đây, một số doanh nghiệp kinh doanh nông sản nước ta đã bắt đầu ý thức đến việc minh bạch hóa mọi thông tin về những sản phẩm của họ, nên chúng ta không phải ngạc nhiên vì sao các loại nông sản của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai như chuối, sầu riêng... lại tiêu thụ rất thuận lợi ở thị trường các nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi cũng chính loại nông sản như vậy thì lại kêu gọi “giải cứu”. Vì doanh nghiệp tuân thủ đúng quy trình sản xuất, từ khi “xuống hạt”, đến chăm sóc rồi thu hoạch... 
 
Mỗi loại nông sản đều được ghi rõ địa chỉ xuất xứ, hàm lượng hóa chất sử dụng (nếu có), nghĩa là, tất cả những thông tin liên quan đến loại nông sản đó đều được doanh nghiệp công khai và được sự giám sát và kiểm định của các cơ quan chuyên môn trước khi xuất khẩu. Người tiêu dùng không còn bận tâm đến câu hỏi, rằng sản phẩm này có bị người trồng bỏ phân hóa học, có phun thuốc trừ sâu không mà chỉ quan tâm đến một việc là loại sản phẩm ấy có ngon không, hợp khẩu vị với mình không...
 
Trong chăn nuôi cũng sẽ được công khai mọi thông tin đến người tiêu dùng như trong các loại cây trồng.
 
Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang tích cực triển khai xây dựng hệ thống nền tảng số của ngành. Cụ thể là hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; hệ thống cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng... Chuyển đổi số trong nông nghiệp là nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”. Với sự chuyển đổi số mạnh mẽ mà ngành nông nghiệp đang thực hiện, chắc chắn sẽ thúc đẩy sự thay đổi căn bản không chỉ riêng trên lĩnh vực nông nghiệp, mà còn làm cho nông thôn Việt Nam mang một diện mạo mới.
 
TRẦN ĐĂNG
 

.