Xử lý nghiêm đối tượng gây tai nạn rồi bỏ trốn

02:11, 13/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường không chỉ là hành vi vi phạm về pháp luật mà còn cả về mặt đạo đức. Do đó, cơ quan chức năng cần truy bắt, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi này.

TIN LIÊN QUAN

Cách đây hơn 1 năm, khi chạy trên Quốc lộ 1, thuộc thôn Châu Me, xã Đức Phong (Mộ Đức), một xe khách đã tông vào anh Nguyễn Trung Thi (21 tuổi, ngụ xã Đức Phong) khi anh đang qua đường. Ngay sau đó, tài xế đã dừng xe, xuống lôi xe máy cùng nạn nhân dưới gầm xe ôtô ra bỏ ven đường, rồi điều khiển xe bỏ trốn.

 

  Hiện trường vụ tai nạn giao thông do người nước ngoài gây ra, nhưng đã bỏ trốn ngay sau khi gây tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông do người nước ngoài gây ra, nhưng đã bỏ trốn ngay sau khi gây tai nạn.


Nhận tin báo, Cảnh sát giao thông Công an huyện Mộ Đức phối hợp với Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức truy đuổi, bắt giữ chiếc xe khách nói trên. Với chứng cứ không thể chối cãi, tài xế điều khiển xe khách gây tai nạn rồi bỏ trốn là Nguyễn Văn Hiện (54 tuổi, ngụ quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) đã cúi đầu nhận tội.
 

Tại điểm C,  khoản 2,  điều 202 Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan quy định: Người gây tai nạn nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Hay như vụ tai nạn giao thông (TNGT) giữa xe ôtô và xe gắn máy xảy ra tại ngã tư đường Phan Bội Châu và Hùng Vương (TP.Quảng Ngãi). Tài xế điều khiển xe ôtô sau khi gây tai nạn đã lái xe bỏ trốn khỏi hiện trường, bỏ mặc nạn nhân đang bị thương. Ngay sau đó, các trinh sát của Công an TP.Quảng Ngãi đã vào cuộc điều tra và xác định đối tượng điều khiển xe ôtô gây tai nạn rồi bỏ trốn là Ronny Patrick Vetter, quốc tịch Thụy Sỹ, đang cư trú tại TP.Quảng Ngãi.

Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP.Quảng Ngãi, Đại úy Trương Quang Nghĩa cho biết: Người gây tai nạn nếu ở lại hiện trường gọi cấp cứu, hoặc chí ít là sử dụng biện pháp sơ cứu kịp thời thì có thể đã cứu sống những người bị nạn.

Tại điều 38, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải có các trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu, hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu, hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền. Tại khoản 17, điều 8 của Luật Giao thông đường bộ cũng quy định: Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm là một trong hành vi bị nghiêm cấm.
 

Bài, ảnh: Văn Nam

TIN LIÊN QUAN


.