Thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở miền núi: Còn khó khăn

09:38, 29/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hạ tầng công nghệ thông tin đầu tư chưa đồng bộ, người dân chưa có nhiều điều kiện tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin; cán bộ, công chức bộ phận một cửa cấp xã chưa sử dụng thành thạo các phầm mềm điện tử... Đó là những khó khăn trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn các xã miền núi.

Chưa đồng bộ

Tại bộ phận một cửa của UBND xã Long Môn (Minh Long), số lượng người dân đến nộp hồ sơ làm thủ tục hành chính (TTHC) không quá nhiều, nhưng cán bộ tiếp nhận khá vất vả. Cán bộ vừa phải làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ, vừa hướng dẫn công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Cán bộ xã Long Mai (Minh Long) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. 
Cán bộ xã Long Mai (Minh Long) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. 

Ông Đinh Văn Gít, ở thôn Cà Xen, xã Long Môn phân trần, máy tính không có, điện thoại chẳng kết nối được với Internet. Tôi cũng đâu biết đánh chữ trên máy tính hay điện thoại, nên không thể “ngồi nhà gửi hồ sơ” như cán bộ đã hướng dẫn. Hơn nữa, thủ tục liên quan đất rừng nên tôi phải đến tận xã để nộp hồ sơ, nhận giấy hẹn thì mới yên tâm.

Ông Hồ Văn Truyền, ở thôn Tre, xã Trà Tây (Trà Bồng), cũng chọn làm TTHC bằng cách nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại bộ phận một cửa của UBND xã, chứ không nộp hồ sơ trực tuyến. Ông Truyền bảo, ở thôn Tre sóng điện thoại chập chờn, Internet lúc được lúc mất. Hơn nữa, tôi cũng không có thẻ ngân hàng, cũng chẳng biết thanh toán trực tuyến là gì. Vậy nên cứ phải đến UBND xã thực hiện cho yên tâm...

Chủ tịch UBND xã Trà Tây Hồ Văn Long cho biết, dù đã được tuyên truyền, phổ biến thông tin, cũng như hướng dẫn cách sử dụng, nhưng hầu hết người dân chưa quen, cũng chưa nắm bắt đầy đủ tiện ích của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hầu hết người dân chưa có điện thoại thông minh, việc sử dụng các phần mềm khai báo thông tin cũng như giao dịch qua mạng chưa thuần thục, lại thêm chất lượng mạng kém nên việc khai báo và nhập liệu thường xuyên gặp trục trặc. Đồng thời, tâm lý người dân ở miền núi là “đến tận nơi, nộp tận tay” cán bộ thì mới yên tâm. Đây là nguyên nhân mà trên địa bàn xã không phát sinh hồ sơ được số hóa cũng như hồ sơ được chứng thực bản sao điện tử.

Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ thực hiện dịch vụ trực tuyến tại các xã còn thiếu, phần mềm của các bộ TTHC chưa được tích hợp nên cán bộ tiếp nhận mất thời gian ghi lưu hồ sơ vào sổ bộ. Ngoài ra, cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa cấp xã còn hạn chế về trình độ chuyên môn, thao tác và sử dụng các phần mềm còn lúng túng. Vì vậy, không chỉ xã Long Môn hay xã Trà Tây, mà phần lớn người dân các xã miền núi chọn thực hiện các TTHC bằng hình thức nộp và nhận kết quả trực tiếp tại bộ phận một cửa.

Nỗ lực vượt khó

Tại xã Long Hiệp (Minh Long), khi công dân đến nộp hồ sơ thực hiện TTHC, cán bộ tại bộ phận một cửa trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện thao tác và các bước truy cập máy tính, tra cứu danh mục TTHC trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và lập tài khoản để đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến. Anh Lưu Văn Nhất, công chức Văn phòng - Thống kê xã Long Hiệp cho biết, có nhiều người dân trong xã chưa hiểu về cách thức cũng như tiện ích của dịch vụ công trực tuyến. Vậy nên, khi công dân đến nộp hồ sơ trực tiếp, chúng tôi hướng dẫn họ thao tác và các bước thực hiện trên hệ thống. Qua đó, giúp người dân làm quen và tiếp cận dần, tạo sự tin tưởng cũng như từng bước xóa bỏ tâm lý ngại nộp hồ sơ trực tuyến. Nhờ vậy, đến ngày 27/6, có 152 hồ sơ nộp trực tuyến, trong đó có 19 hồ sơ thực hiện theo mức độ 4.

Tại xã Ba Cung (Ba Tơ), chính quyền xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, giúp người dân nắm bắt đầy đủ tiện ích của việc nộp hồ sơ trực tuyến, kết hợp trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính. Địa phương cũng chú trọng đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng, đổi mới tác phong làm việc cho cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa. Khi công dân đến nộp hồ sơ, cán bộ tiếp nhận sẽ hướng dẫn người dân kê khai đầy đủ thông tin hồ sơ qua giấy, sau đó hướng dẫn và hỗ trợ người dân tự nhập thông tin lên hệ thống qua điện thoại thông minh hoặc máy tính, rồi quét các giấy tờ liên quan.

Theo Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết, ngoài tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu “số hóa”, huyện đã thành lập các tổ công nghệ cộng đồng để hỗ trợ và hướng dẫn người dân làm quen, tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, niêm yết kịp thời các bộ TTHC công để công dân, tổ chức nắm bắt đảm bảo việc giao dịch nhanh chóng và thuận tiện nhất.

Bài, ảnh: THANH PHONG


TIN, BÀI LIÊN QUAN:   


 


Ý kiến bạn đọc


.