Chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt

17:22, 26/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 13/1/2023 của UBND tỉnh, các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) tại cộng đồng. Qua đó, góp phần thực hiện chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực trợ giúp xã hội.

Đến nay, huyện Lý Sơn đã triển khai lập tài khoản cho 752/1.150 đối tượng BTXH. Trưởng phòng LĐ-TB&XH - Y tế huyện Lý Sơn Dương Thị Hoàng Dung cho biết, địa phương cố gắng mở tài khoản cho các đối tượng còn lại từ nay đến hết tháng 5/2023. Dự kiến từ tháng 6/2023, huyện sẽ tiến hành chi trả không dùng tiền mặt cho 445 đối tượng BTXH có tài khoản chính chủ.

Chi trả tiền cho các đối tượng chính sách tại phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi).                    Ảnh: V.YẾN
Chi trả tiền cho các đối tượng chính sách tại phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi).                    Ảnh: V.YẾN

“Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị như Agribank, bưu điện để tiến hành rà soát lại các tài khoản đăng ký chính chủ và tài khoản ủy quyền, nhằm đảm bảo việc chi trả được thực hiện đúng đối tượng. Toàn huyện chỉ có 5 đối tượng đăng ký chi trả bằng tiền mặt, do không có người ủy quyền và không có khả năng đi lại”, bà Dung nói.  
                  

Toàn tỉnh hiện có hơn 84 nghìn đối tượng BTXH. Theo thống kê, đến thời điểm này, ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị đã thực hiện rà soát trên 33 nghìn đối tượng. Trong đó, có gần 29 nghìn đối tượng đăng ký nhận trợ cấp trực tiếp, 4.327 đối tượng đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản.

Huyện Bình Sơn hiện có hơn 11,7 nghìn đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh phát động chi trả trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng BTXH. Huyện tuyên truyền trên các cụm loa phát thanh về mục đích, ý nghĩa, những thuận lợi khi nhận trợ cấp xã hội qua tài khoản để người dân biết, hưởng ứng. Các xã, thị trấn phối hợp với bưu điện, nhân viên chi trả chính sách và các ngân hàng thương mại tích cực vận động các đối tượng mở tài khoản mới hoặc đăng ký tài khoản ủy quyền.

“Tôi có con bị khuyết tật. Hằng tháng, tôi đều đến xã để nhận trợ cấp cho con. Giờ được vận động mở tài khoản ngân hàng, tôi đăng ký nhưng cũng hơi băn khoăn vì mỗi lần đi rút tiền phải đến thị trấn Châu Ổ mới rút được”, ông Ngô Tấn Ý, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn), bày tỏ.

Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Sơn Huỳnh Thị Hồng chia sẻ, việc chi trả trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt cho các nhóm đối tượng BTXH mang lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng thuộc nhóm này là người già, người cao tuổi, người khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội nên gặp nhiều khó khăn. Bởi đa số họ có những hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, không đáp ứng được các điều kiện để mở và sử dụng tài khoản thanh toán của ngân hàng. Ngoài ra, hiện nay, các điểm rút tiền (ATM) trên địa bàn huyện chỉ tập trung ở thị trấn Châu Ổ, trong khi đó nhiều xã của huyện có khoảng cách di chuyển xa. Hơn nữa, chi phí sử dụng tài khoản chưa phù hợp và các kỹ năng, thao tác sử dụng điện thoại thông minh... cũng là rào cản đối với các đối tượng khi đăng ký thanh toán nhận trợ cấp không dùng tiền mặt. 

“Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, phối hợp với các đơn vị liên quan để vận động các đối tượng có đủ điều kiện, đăng ký nhận chi trả trợ cấp qua tài khoản. Đến thời điểm này, huyện Bình Sơn có trên 450 đối tượng đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản, phần lớn là các đối tượng có con em làm công nhân nên có sẵn tài khoản ngân hàng và có khả năng đi rút tiền”, bà Hồng cho biết.  

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hữu Dũng, chi trả trợ cấp xã hội cho đối tượng BTXH không dùng tiền mặt là phương thức hiện đại, an toàn, tiện ích, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc chi trả chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh cũng sẽ được thực hiện đa dạng bằng nhiều hình thức để phù hợp với các đối tượng, bởi đây là đối tượng có tính chất đặc thù.

V.YẾN 

 

 


Ý kiến bạn đọc


.