Tác giả - Tác phẩm: Hào khí Điện Biên Phủ trong thơ 

18:03, 30/04/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã trở thành đề tài để lại nhiều cảm xúc cho người sáng tác văn học, nghệ thuật.

Bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.                                                   Ảnh: XUÂN TƯ
Bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: XUÂN TƯ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khái quát toàn bộ diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng những lời thơ vô cùng mộc mạc. Mở đầu là ngày 20/11/1953 - ngày thực dân Pháp mở cuộc hành quân đánh chiếm Điện Biên Phủ: "20 tháng 11 năm cũ,/ Giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ./ Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất,/ Xe tăng, súng lớn đầy chồng chất/…/ Phen này Việt Minh phải biết tay". Đến tháng 3/1954 thì gió đã xoay chiều: "13 tháng 3 ta tấn công,/ Giặc còn ở trong giấc mơ nồng:/ “Mình có thầy Mỹ lo cung cấp;/ Máy bay cao cao, xe tăng thấp”; để rồi: “Hơn 50 ngày, ta đánh đồn”/ Giặc kéo từng loạt ra hàng ta./ Quân ta vui hát “khải hoàn ca” (Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh).

Nhà thơ Tố Hữu, từ cảm xúc dâng trào đã tuôn ra những dòng thơ mạnh mẽ, tự hào như nhịp bước dồn dập của cuộc tiến công: "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão,/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm.../ Những bàn tay xẻ núi lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện" (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên).

Dẫu nhiều hy sinh, gian khổ, nhịp hò dô kéo pháo vẫn vang động núi rừng: "Áo trấn thủ bập bùng đêm đuốc lửa/ nhịp hò dô vượt dốc pháo vào - ra/ mưa xối buốt những bàn tay máu tứa/đất đỡ người ngã xuống hôm qua!" (Điện Biên gọi tôi lên - Nguyễn Hữu Quý).

Trong cuộc kháng chiến “trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh và nhất định thắng lợi” ấy, tình đồng chí, đồng đội đã tạo thành một khối sức mạnh không gì lay chuyển nổi: "Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội,/ Ta mới hiểu thế nào là đồng đội./ Đồng đội ta là hớp nước uống chung/ Nắm cơm bẻ nửa/ Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa” (Giá từng thước đất - Chính Hữu). Nhiều anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để làm nên thắng lợi vĩ đại này: "Nơi đây mộ Bế Văn Đàn/ Thân làm giá súng, thân làm cành xuân;/ Đang khi trận địa gian truân,/ Vai khiêng núi lửa diệt quân bạo tàn" (Mộ Bế Văn Đàn - Xuân Diệu). Đây không chỉ là thắng lợi dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà còn là thắng lợi của sức mạnh nối kết truyền thống mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc: "Ta đi từ Chương Dương, Hàm Tử, Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa.../ Đến với Điện Biên nối mặt đất và bầu trời đánh quỵ hai đế quốc/ Ôi! Điện Biên thiên niên kỷ nâng tầm dân tộc/ Vời vợi thời gian/ Vời vợi không gian/ Khúc tráng ca mùa xuân đất nước" (Trống Điện Biên dậy sóng biển Đông - Quang Hoài).

Sau thắng lợi Điện Biên Phủ, miền Bắc bước vào công cuộc dựng xây đất nước. Hình ảnh những hạt thóc vàng phơi quanh mộ giữa nghĩa trang thể hiện lòng tri ân đối với con người đã hy sinh vì nước: "Tô Vĩnh Diện, Trần Can/ Mộ anh Giót, anh Đàn/Năm trăm mộ anh hùng ngời chói thóc/...Cầm hạt thóc trên tay/Nặng máu người đã khuất" (Thóc mới Điện Biên - Chế Lan Viên).

Phát huy truyền thống anh hùng, khí thế hào hùng của tiếng hò kéo pháo lên Điện Biên năm xưa, người dân Điện Biên nỗ lực vượt qua gian khó, nuôi khát vọng về một ngày mai no ấm: "Vịn vào tiếng hò xưa/ Chúng tôi nắm những dây tời mới/ Kéo qua mỗi ngày thường/ Những vất vả nhọc nhằn chưa hết/ Bao đỉnh cao mù sương/ Trong lòng người/ Phải vượt" (Hò dô ta nào - Vũ Quần Phương). Điện Biên vượt qua những khó khăn của một vùng đất sau chiến tranh, toàn dân hăng hái góp công sức biến vùng đất với nhiều tàn tích chiến tranh thành những cánh đồng xanh, những đập nước đầy, và mùa xuân về nở trắng những đồi mai: "Im lặng lấp chiến hào/ Lúa mọc trên thép vụn/ Lô cốt thành bờ ruộng/ Xác xe tăng thành đập nước vững vàng/ Hố bom đựng rác chứa phân/ Gỡ từng quả mìn, cấy thêm bụi lúa/ Ba mùa xuân hoa mai hết dần cánh úa/ Nở trắng đồi như bản mới mái gianh" (Quê tôi Điện Biên Phủ - Cầm Giang).

Bảy mươi năm đã trôi qua và đến muôn đời sau, Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là khúc tráng ca đầy tự hào của dân tộc Việt Nam.

MAI BÁ ẤN

 

Xuất bản lúc: 18:03, 30/04/2024

Ý kiến bạn đọc


.