Truyện ngắn: Người cựu chiến binh

18:33, 08/05/2023
.

1. Tôi  vội vã về quê khi nhận được tin bác Thành ốm nặng, phải nhập viện hôm qua rồi. Bác Thành là cựu chiến binh, lại là bà con trong họ. Nhà bác cách nhà tôi chỉ vài khu vườn, bao quanh là hàng chè tàu được cắt tỉa ngay ngắn, trông rất mỹ thuật. Sau khi vợ bác qua đời, cũng gần mười năm, bác Thành sống một mình trong căn nhà ngói ba gian rộng rãi. Con cháu của bác, học hành, ra trường đều vào miền Nam lập nghiệp, sinh sống. Mỗi năm vài ba lần về thăm nhà, thăm cha.

Mẹ đón tôi đầu ngõ, dưới tán sầu đâu cuối mùa chỉ còn vương lại ít chùm hoa tím, mặt đất xác hoa úa màu, khẽ bay theo chiều gió.

- Bác ấy đi viện hôm qua. Mấy cô chú bên hội cựu chiến binh thay phiên chăm sóc. Tình hình là bệnh bác có vẻ nặng, sợ không qua khỏi. Mà tính ra tuổi bác ấy cũng cao lại là thương binh nữa!

Nói xong, mẹ quày quả vào nhà, tôi đi theo, lòng trào lên bao niềm thương cảm khiến cổ họng nghèn nghẹn, nước mắt chực trào ra. Các con bác cũng đang trên đường về.

 

2. Hành lang bệnh viện tỉnh đông người nằm, ngồi, qua lại, ồn ào. Mãi tôi mới tìm được căn phòng bác Thành nằm ở khu điều trị theo yêu cầu. Bác đấy ư, tôi ngạc nhiên hết sức, chỉ mới vài tháng trước gặp nhau, hai bác cháu còn vui vẻ nói chuyện, tôi còn hứa nghỉ lễ 30/4, đưa bác lên nhà chơi, rồi dẫn bác ra khu tưởng niệm thắp hương cho đồng đội của bác. Thế mà bây giờ, bác nằm đây, xanh xao trong lớp áo bệnh nhân màu xanh, cũ nhạt.

Tôi biết bác Thành chung sống và chiến đấu với đầu đạn găm bên sườn trái và căn bệnh phổi mãn tính cũng lâu rồi. Cứ trái gió trở trời là tái phát, hành hạ bác. Mấy năm gần đây, bác Thành vô viện nhiều hơn nhưng bác là người rất lạc quan, hiểu được quy luật sinh tử của kiếp người. Bác nói với mọi người là ở đời không ai thoát khỏi định mệnh cả, nên cứ nhẹ nhàng đón nhận.
Bác Thành nói chuyện nhiều, giọng rõ ràng, không giống người ốm. Bác hay ngồi dậy, đi lại và ráng ăn uống. Tuy nhiên, điều khó khăn đối với bác sĩ điều trị là không thể lấy được ven mỗi khi tiêm truyền cho bác. Cố gắng lắm, lấy nhiều lần mới được nên hai tay bác có dấu hiệu bầm tím, sưng tấy.

Khẽ trở mình, bác Thành nhìn tôi, cố lắm tôi mới kiềm được cơn xúc động.

- Thằng nhỏ về bao giờ thế, lại xin nghỉ việc à!

Bao giờ cũng thế, bác gọi tôi là thằng nhỏ, cái thằng bé cạnh nhà, ngày còn nhỏ hay đến nhà bác, không đi cổng chính mà chui rào. Bác bế, bác làm đồ chơi, bác đưa ra đồng thả diều. Cái thằng nhỏ bây giờ đã lập gia đình, có con, là trưởng phòng nhân sự của một công ty. Nhưng với bác Thành, nó mãi là con nít.

Tôi nhẹ nhàng cầm tay bác Thành. Bác ngước cặp mắt đong đầy nước nhìn tôi. Một luồng điện chạy dọc sống lưng khiến tôi phải quay mặt đi. Tôi rất sợ thời gian còn ở bên bác tính bằng phút, bằng giờ, mặc dù bác cố tỏ ra khỏe, lạc quan, nhưng hơi thở yếu ớt, nhẹ hều, sắc diện lại không tốt lắm.

- Bác phải ráng ăn uống, thuốc men cho lại sức, con còn đưa bác đi thăm đồng đội.

Nghe tôi nói vậy, mặt bác Thành bỗng sáng lên, giọng rành mạch:

- Ừ, bác sẽ cố...

Rồi bác bóp chặt tay tôi, khiến tôi giật mình khi chạm vào cánh tay xương xẩu, nhăn nheo, gân xanh nổi đầy của bác.

3. Mẹ lui cui trong bếp chuẩn bị bữa trưa. Tuổi già khiến bước chân của mẹ chậm chạp, khó khăn, mẹ lại hay than đau gối, mỏi lưng. Tôi phụ mẹ vài việc vặt, rồi dọn cơm ra chiếc bàn gỗ mít cũ kỹ, đóng từ ngày tôi vừa mới lên cấp hai. Mẹ kể nhiều về bác Thành, về những ký ức chắp nối mà bác từng chia sẻ. Dĩ nhiên, trong muôn nghìn ký ức về tháng Tư ấy, mẹ cũng tìm thấy được những mảnh ghép lung linh của kỷ niệm thuở còn con gái. Tháng Tư năm ấy có lẽ vẫn còn náo nức, rộn ràng và đầy hào sảng trong nỗi nhớ của bao người. Nhà ông bà ngoại có chiếc ra-đi-ô, mẹ hay ghé tai vào nghe tin tức. Chiếc loa phát thanh của làng treo trên cây gạo mỗi khi hoạt động đều rọt rẹt nhưng lại là tâm điểm tập trung chú ý của người dân. Từ các bà, các chị đi chợ, các ông, các chú đi làm đồng... ai cũng bàn tán xôn xao khi đón nhận tin tức từ chiến trường.

Mẹ tôi bồi hồi nhớ lại. Ngày trọng đại của đất nước đã đến. Từ thành phố, đến xóm thôn, người ta vui mừng khôn xiết. Nước mắt và nụ cười cho ngày đoàn tụ hòa vào nhau, gương mặt ai nấy đều sáng ngời hạnh phúc. Nhà ông bà ngoại có cậu hai đi bộ đội, hân hoan trở về trong đoàn quân chiến thắng, nhưng một tay cậu gửi lại ở cánh rừng phía nam. Mẹ tôi là em út, mừng mừng tủi tủi, đứng khóc ngon lành ở xó bếp.

4. Bác Thành xuất viện sau hơn một tuần điều trị. Con cháu, hàng xóm và các y, bác sĩ đều ngạc nhiên trước sự hồi phục nhanh chóng của bác. Đây là một trường hợp hy hữu, hiếm gặp trong y văn. Bác cười xòa, tếu táo rằng bom đạn ác liệt không giết được thì ba cái bệnh vặt nhằm nhò gì đâu? Tuy vậy, vì tuổi cao, di chuyển khó khăn nên bác phải ngồi xe lăn. Anh con cả thu xếp về chăm sóc bác. Hằng ngày, cứ mỗi chiều đều đẩy bác ra ngõ, dừng dưới tán sầu đâu, để bác nhìn ngắm cánh đồng đang vào mùa gặt, rộn rã tiếng người, tiếng máy tuốt lúa đan xen.

Tôi gọi bác Thành là “ông già tháng Tư”, bởi trong ký ức của bác tháng này rất ý nghĩa và chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí. Người cựu chiến binh từng bước ra khỏi chiến tranh này đã luôn  tự hào về đất nước, về con người Việt Nam. Để rồi, hằng năm, mỗi khi tháng Tư về là ký ức được khơi nguồn, đưa bác trở về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Gần năm mươi năm trôi qua, nhưng dư âm của những ngày binh lửa mà bác trải nghiệm, dấn thân vẫn còn vang vọng. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, bác đã cùng đồng đội trở về quê hương trong niềm hân hoan chào đón của mọi người.

Tôi rất quý mến bác Thành. Bác hay kể cho tôi nghe về những chàng trai, cô gái một thời vì lòng yêu nước, bằng trái tim quả cảm đã tạm biệt quê hương và người thân yêu để lên đường vào chiến trường. Họ không tiếc máu xương mong đổi lấy ngày toàn thắng, khúc khải hoàn được ngân lên. Bác có nhiều kỷ vật chiến tranh cất trong tủ kính, bảo quản rất kỹ càng, xem như vật báu. Thỉnh thoảng bác cho mọi người xem. Đó là chiếc bi-đông, quai xách bằng da màu nâu, tấm tăng bạt màu xanh có vài chỗ rách, chiếc dây dù mắc võng. Và đặc biệt một bức ảnh bác gái thời còn con gái mặc áo dài, xõa tóc đã nhạt màu thuốc nhưng được ép nhựa cẩn thận. Từ ngày bác gái mất, bác Thành cứ lấy bức ảnh ra săm soi. Cầm trên tay bức ảnh, bác rưng rưng nhắc về những ngày xa cách, chính tình yêu của người con gái nơi hậu phương đã chắp cánh, đã tiếp thêm sức mạnh cho bác.

Tôi còn nhớ như in, dạo trước, bên xã, trên huyện hay mời bác Thành lên nói chuyện vào những dịp lễ. Câu chuyện bác kể súc tích, ngắn gọn nhưng rất chân thật và lôi cuốn. Bởi bác là nhân chứng sống, từng tham gia nhiều trận đánh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mọi người có mặt trật tự, lắng nghe bác nói một cách say mê. Điều đó càng làm cho tôi thấy hãnh diện về bác. Bác nói với tôi là bác rất vui và tự hào vì bồi đắp được tinh thần yêu nước cho lớp cháu con. Nhưng cũng có vài lần, bác than phiền rằng thanh niên bây giờ nhiều người có tư tưởng sống vội, lại hời hợt trong suy nghĩ, không có lý tưởng, ỷ lại, ít quan tâm đến lịch sử. Tôi chỉ im lặng nghe, dù đôi khi bác cảm tính, phiến diện đánh giá một số vấn đề còn chủ quan, nhưng tôi tôn trọng bác, biết ơn bác đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước nên không phản biện. Dĩ nhiên tôi vẫn đủ hiểu biết để thấy rằng lớp trẻ ngày nay vẫn có nhiều người tài giỏi, sống có ước mơ, lý tưởng và cống hiến nhiệt tình. Tôi kể cho bác nghe về những tấm gương sáng trong lao động và học tập. Họ luôn dấn thân, sáng tạo để đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Nhớ có lần, bác Thành hồ hởi giới thiệu với tôi về chiếc kệ xếp đầy sách. Tôi đưa mắt nhìn khắp lượt để nhận ra nhiều cuốn sách về lịch sử, về Bác Hồ và các vị tướng khác. Bác bảo tôi thích đọc sách thì cứ qua lấy về mà đọc. 

5. Mẹ bảo tôi mang hộp sâm qua biếu bác Thành trước khi trở về thành phố. Bác Thành khoe là sức khỏe đã ổn, có thể đi thăm đồng đội được. Anh con cả tiếp lời bảo ba anh luôn nhắc về cái hẹn với tôi. Tôi gật đầu xác nhận rằng sẽ giúp bác Thành toại ý.
Bác Thành vui lắm, bảo con trai mở ngăn tủ lấy ra bộ quân phục còn mới, nếp gấp còn phẳng phiu. Bác khoác vào người rồi đứng lặng trước gương ngắm nghía hồi lâu. Trông vẻ mặt đầy mãn nguyện của bác, tôi biết ký ức của cựu chiến binh đang trôi ngược về tháng Tư năm ấy!

SƠN TRẦN

 


Ý kiến bạn đọc


.