Khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái trong thơ Hoài Vũ

16:03, 06/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong tháng 5/2023, nhà thơ Hoài Vũ ra mắt tuyển tập thơ “Thì thầm với dòng sông” (do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành). Điều đặc biệt ở thơ Hoài Vũ là sự kết hợp giữa khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái.

 

Không phải ngẫu nhiên trong thơ hiện đại Việt Nam, trong đó có thơ ca cách mạng và kháng chiến, thơ Hoài Vũ được các nhạc sĩ chọn phổ nhạc khá nhiều. Theo công bố trong tuyển thơ “Thì thầm với dòng sông”, phần thơ phổ nhạc có 34 bài, trong đó có những thi phẩm, sau khi phổ nhạc đã trở thành những bản tình ca nổi tiếng làm đắm say và đi vào tâm thức của bao thế hệ. Đó là các nhạc phẩm “Vàm Cỏ Đông” (nhạc Trương Quang Lục, thơ Hoài Vũ); “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Người ấy bây giờ đang ở đâu?” (nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Hoài Vũ); “Đi trong hương tràm”, “Thì thầm với dòng sông”,“Chia tay hoàng hôn” (nhạc Thuận Yến, thơ Hoài Vũ). Điều này có thể lý giải từ sự đồng cảm giữa thi sĩ và nhạc sĩ, khi họ tìm thấy ở nhau những “tiếng nói tri âm” trong cảm nhận về cuộc sống và con người. Theo tôi, “tiếng nói tri âm” đó còn bắt nguồn từ một nỗi niềm khác, đó là sự kết hợp giữa khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái trong thơ Hoài Vũ đã chạm đến trái tim của các nhạc sĩ.

Là nhà thơ gắn bó với vùng đất Nam Bộ suốt những năm kháng chiến cũng như trong hòa bình, Hoài Vũ không chỉ hiểu, yêu qúy mảnh đất này, mà còn dành cả tuổi thanh xuân của mình chiến đấu để gìn giữ với tình yêu và tinh thần kiên trung của người chiến sĩ - thi sĩ như anh đã xác quyết: “Vàm Cỏ Đông đây, ta quyết giữ/ Từng mái nhà nép dưới rặng dừa/ Từng thửa ruộng ngời đen màu mỡ/ Từng mối tình hò hẹn sớm trưa...” (Vàm Cỏ Đông). 

Có thể nói, khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái đã trở thành một đặc điểm riêng có trong thơ Hoài Vũ và đây là một trong những cảm hứng chủ đạo chi phối hành trình sáng tạo thơ của anh, hình thành một dấu ấn thi pháp trong phong cách thơ Hoài Vũ: Chân mộc, giản dị, hồn nhiên, thành thực, mạnh mẽ nhưng không kém phần lãng mạn và da diết mà khi đọc lên lòng ta không khỏi xốn xang. “Ôi bát ngát chân trời miền Hạ/ Tím tình yêu tím cả ước mong/ Gió nhớ thương ai mà lay bờ lá/ Để bìm bịp kêu con nước lớn ròng” (Anh ở đầu sông, em cuối sông). Đọc những câu thơ này, tôi cứ băn khoăn tự hỏi, sao trong những năm kháng chiến gian khổ, mất mát, hy sinh mà Hoài Vũ lại viết được những câu thơ đẹp và lãng mạn đến thế: “Tím tình yêu tím cả ước mong”!? Thế mới hiểu, tại sao thơ Hoài Vũ dù viết trong kháng chiến vẫn luôn đồng hành với cuộc sống hôm nay. Và, có thể nói, thơ Hoài Vũ là thơ của “một đời” chứ không phải thơ của “một thời”!?

Với nhà thơ Hoài Vũ, khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái đã trở thành một phẩm tính trong thi hứng, như thi nhân đã chia sẻ qua những câu thơ đong đầy cảm xúc: “Từ buổi có em, anh thêm yêu đất/ Quý gạo Nàng Thơm, thương cá bống kèo/ Một tiếng ầu ơ cũng đầm nước mắt/Anh đi rồi, miền Hạ nhớ mang theo...” (Anh ở đầu sông, em cuối sông). Bởi hơn ai hết thi nhân là người hiểu, cảm và trân quý sâu sắc từng mảnh đất mà anh và đồng đội đã đi qua, đã chiến đấu với bao hy sinh, gian khổ, có người đã nằm xuống để quê hương được mãi xanh tươi: “Ta hiểu lắm, cấy từng gốc lúa/ Đôi mắt em thao thức thâm quầng/ Và để lúa ngậm đồng, bụ sữa/ Có máu em hòa trộn dưới chân...” (Nàng Thơm). Sinh ra và lớn lên trên quê hương núi Ấn  - sông Trà, nhưng rồi từ ngày “xa nhà đi kháng chiến”, Hoài Vũ đã gắn bó đời mình với những dòng sông của vùng đất Nam Bộ. 

Dù thực tế, thi nhân có thể sống xa những dòng sông, nơi anh đã từng chiến đấu, hy sinh thì trong tâm thức, hình ảnh những dòng sông và chắc chắn có hình ảnh dòng Trà Giang quê anh, bao giờ cũng hiện hữu như một tâm thức hiện sinh. Vì vậy, ở tuyển thơ xuất bản lần này, Hoài Vũ lấy tiêu đề “Thì thầm với dòng sông”. Trong tuyển thơ có rất nhiều bài thơ hiển hiện hình ảnh dòng sông như: Anh ở đầu sông em cuối sông; Xa rồi sông Hậu; Thì thầm với dòng sông; Em về bên kia sông; Vàm Cỏ Đông; Đi trong hương tràm; Chia tay hoàng hôn; Người ấy bây giờ đang ở đâu?; Dấu chân em đâu? Qua cầu tre nghiêng nghiêng; Tượng đài tình yêu nơi cuối đất; Long An, ngày trở lại; Tâm tình trước ngã ba sông... Mỗi dòng sông được anh nhắc đến trong thơ luôn chuyên chở những khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái mà những câu thơ trong thi phẩm “Chia tay hoàng hôn” là một nỗi ám ảnh như thế: “Xa em, anh như trưa nắng, đi trên cát/ Thèm một dòng sông, những cánh đồng” (Chia tay hoàng hôn).

Khát vọng tình yêu và cảm thức sinh thái trong thơ Hoài Vũ là một thứ “thi hứng” mà anh không thể nào cưỡng lại nổi như anh đã bao lần không cưỡng lại nổi tiếng gọi của trái tim mình và tiếng gọi của thơ...        

Nhà thơ Hoài Vũ, tên thật là Nguyễn Đình Vọng, sinh ngày 25/8/1935, tại xã Đức Lân (Mộ Đức), hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh. Ông là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, dịch giả.  Trong những năm kháng chiến, ông tham gia hoạt động văn học ở miền Nam và đảm trách nhiều chức vụ: Ủy viên thường trực Tiểu ban Văn nghệ Khu Sài Gòn - Gia Định; Ủy viên thường trực, Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam; Tổng Biên tập báo Văn nghệ Giải phóng (Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam).

Từ sau năm 1975, ông là Ủy viên Ban Biên tập Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới (Hội Nhà văn Việt Nam),Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch  (Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh); Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng.

                                          

THIỆN MỸ

 


Ý kiến bạn đọc


.