Trường ca về anh hùng dân tộc

15:39, 29/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tác phẩm "Trường ca về anh hùng dân tộc" của tác giả Phạm Văn Thành, do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2022. Trong trường ca này, tác giả đã sử dụng một cách nhuần nhuyễn thể thơ song thất lục bát truyền thống của dân tộc, cùng những cứ liệu lịch sử xác đáng để kể chuyện anh hùng theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".

Bìa tác phẩm “Trường ca về anh hùng dân tộc”.Ảnh: Mai Bá Ấn

Tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn, Phạm Văn Thành về dạy học ngay trên quê hương mình, tại Trường THPT số 2 Đức Phổ. Dù không phải là cây bút chuyên nghiệp, song với niềm đam mê lịch sử và văn chương, cuối năm 2022, trước khi nghỉ hưu, Phạm Văn Thành đã cho ra đời tác phẩm "Trường ca về anh hùng dân tộc". Tác phẩm có 1.108 câu thơ, kể chuyện về hơn 70 nhân vật tiêu biểu của dân tộc từ thời lập quốc đến thời hiện đại. 

Điều đặc biệt ở tập trường ca này là nghệ thuật sử dụng một cách nhuần nhuyễn thể thơ song thất lục bát truyền thống của dân tộc, cùng những cứ liệu lịch sử xác đáng để kể chuyện anh hùng theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 

"Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Với sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử thông qua các bộ sách giá trị như Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sỹ Liên), Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim), Các triều vua Việt Nam (Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng) và những tài liệu về lịch sử cách mạng Việt Nam, Phạm Văn Thành đã có những chú thích rất rõ ràng và chính xác, nhằm giúp người đọc nắm rõ lịch sử thông qua phương tiện truyền đạt bằng thơ. Trong hầu hết các nhân vật, tác giả đều cho ta biết về bối cảnh lịch sử, thân thế và sự nghiệp của từng người qua những đoạn thơ ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ. 

Mở đầu thời Hồng Bàng, tác giả khái quát: "Thuở Nam- Bắc cùng chung sông núi/ Kinh Dương Vương quyết chí tách ra/ Phương Nam vùng đất hiền hòa/ Trở thành Xích Quỷ thật là hiển vinh". Giới thiệu về Trưng Vương: "Dân ta ở với giặc Tàu/ Một trăm năm lẻ nỗi đau chất chồng/ May có khách má hồng nổi dậy/ Đuổi Hán quân giành lại giang sơn". “Một trăm năm lẻ” ở đây được tác giả chú thích rất rõ “Từ năm 207 trước công nguyên đến năm 39 sau công nguyên, nước ta thuộc Nam Việt (nhà Triệu) và nhà Hán là hơn một trăm năm”. Với Bác Hồ, tác giả mở đầu: "Tên lúc nhỏ: Sinh Cung, họ Nguyễn/ Quê làng Sen, thuộc huyện Nam Đàn…" và kết thúc: "Người lãnh tụ tình sâu nghĩa trọng/ Luôn nêu cao lẽ sống vì dân/ Hồ Chí Minh, bậc vĩ nhân/ Cuộc đời tỏa sáng như vầng thái dương..."

Tuần tự theo dòng lịch sử, Phạm Văn Thành dẫn dắt người đọc đi qua các thời đại bằng cái nhìn vừa khái quát, vừa cụ thể đối với từng nhân vật. Tất nhiên, tùy theo bối cảnh lịch sử và công trạng, những nhân vật được thể hiện bằng độ dài, ngắn khác nhau, có nhân vật đến hàng chục câu nhưng cũng có những nhân vật chỉ gói gọn trong một khổ song thất lục bát 4 câu. Điều này là hoàn toàn hợp lý. Cái đáng quý là mục tiêu sáng tác của tác giả. Để “Dân ta phải biết sử ta” nên tác giả đã lấy người đọc làm gốc bằng cách phân đoạn các thời kỳ, tên nhân vật thành các mục nhỏ, chèn giữa các đoạn thơ là phần chú thích, mặc dù cả hơn 1.000 câu thơ là một trường ca hoàn chỉnh gieo đúng vần liên tục từ câu đầu đến câu cuối.

Dù là diễn ca lịch sử nhưng tác giả đã thi thoảng điểm vào được những câu mang đậm chất thơ, thể hiện được xúc cảm và nghệ thuật hóa được những tri thức lịch sử khô khan. Đó là tấm lòng tha phương cố quốc của vua Duy Tân khi bị thực dân lưu đày ở đảo Réunion (Châu Phi): "Giang sơn nghĩa nặng tình sâu/ Đành như con cuốc kêu gào thâu canh". Hay nỗi đau lòng của chí sĩ Phan Chu Trinh khi thất bại trong chủ trương canh tân đất nước: "Đường cách mạng bấp bênh, gian khổ/ Việc duy tân mấy độ chẳng xong/ Hai vai gánh vác non sông/ Trời Âu không hợp đau lòng sĩ phu..."... Tác phẩm "Trường ca về anh hùng dân tộc" rất có giá trị trong phổ biến và giáo dục kiến thức lịch sử, nhất là đối với thế hệ trẻ.   

MAI BÁ ẤN

 


Ý kiến bạn đọc


.