Bảo Tấn- Người thả trôi nỗi buồn

21:15, 24/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi cầm trên tay tập thơ “Thả trôi nỗi buồn” của Bảo Tấn, tôi cảm giác đang ngắm nhìn một chặng đường đời mà tác giả vừa đi qua. Đó là một hành trình với nhiều cảm xúc, vui có, buồn có, cả nụ cười và nước mắt đan quyện vào nhau.

 

Tập thơ “Thả trôi nỗi buồn” của tác giả Bảo Tấn do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2022. Tập thơ có 361 bài thơ, với bút pháp biến hóa sinh động về thể loại. Trong đó, những bài thơ lục bát uyển chuyển và dạt dào âm hưởng dân ca, là thể câu tám chắc khỏe và khoáng đạt, thể năm chữ dồn dập, mạnh mẽ nhưng bình dị như khúc đồng dao. Có thể nói, hồn thơ Bảo Tấn có sự tích kết của văn hóa người Quảng ở miền Trung, nơi anh được sinh ra và vùng đất miền Đông Nam Bộ, nơi anh trưởng thành và cống hiến cho nghệ thuật.

Bảo Tấn thuộc thế hệ 7X, quê huyện Mộ Đức, nhưng trưởng thành và lập nghiệp ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Anh học Mỹ thuật nhưng lại có duyên với thơ ca. Anh viết nhiều, đa dạng đề tài.

Chính những trải nghiệm sâu sắc trong cuộc đời đã khiến cho thơ Bảo Tấn có sự  chuyển động kỳ lạ, khi mãnh liệt lúc lặng lờ, khi da diết, vỗ về, lúc bung phá, đắm say trong hành trình khẳng định cái bản thể của một tâm hồn thi sĩ. Hãy nghe anh thủ thỉ trong bài “Cũng thành ra tôi” như sau:

"Thôi thì tôi cứ làm thơ/ Như bầy cỏ dại mọc bờ ruộng hoang/ Làm thơ như bụi đường mòn/ Có vài đứa trẻ con con giỡn cười". Và kết thúc, anh chốt lại: "Mỗi bài thơ gói chút tình /Không thành thi sĩ cũng thành ra tôi". 

Bài thơ “Thả trôi nỗi buồn” được lấy làm tựa đề cho tập thơ. Thể thơ tự do dàn trải câu chữ nhưng lại gói gọn tâm tư của người thơ đầy suy nghiệm. Thật vậy, nỗi buồn trong thơ thường dễ lay động lòng người, khi cuộc đời bắt ta đã đi qua bao mất mát, khổ đau. Bảo Tấn đã trải lòng mình trên những trang viết: "Tôi thả nổi nỗi buồn trôi theo cơn mưa đầu hạ/ Như gội rửa nhọc nhằn, những bụi bám trên tán lá xanh/ Từ ngày mai/ Trên mảnh đất đời tôi khô cằn ấy/ Sẽ trở mình những mầm cỏ hồi sinh".

Thơ của Bảo Tấn đượm buồn. Thơ của anh đẹp nhất vẫn là thơ tình. Hãy đọc bài thơ “Chiếc ghế trong mưa” để cảm nhận nỗi cô đơn bất tận của một người... "Cơn mưa xua anh chạy vội vào nhà/ Bỏ quên chiếc ghế trống không/ Có lẽ giờ đang rất lạnh/ Mọi lúc, nếu trời không mưa/ Anh có khi ngồi lì trên chiếc ghế ấy tận khuya/Để nhớ em... đã trở thành thường lệ". Có đau khổ nhưng rồi tha thứ và giằng xé, ngay cả khi yêu mà không được yêu lại: "Thẫn thờ chiếc lá xa cành/ Quên về chốn cũ hóa thành tha nhân/ Bên sông ai đứng tần ngần/ Câu thơ lục bát gieo vần tương tư"  (Tương tư).
Trong bài thơ “Cơn đau mùa thu”, Bảo Tấn đã bộc bạch: "Đang ngủ giấc khuya/Mùa thu gõ cửa gọi tôi tỉnh mộng/ Ngoài trời mưa thâu đêm/Hơi gió lùa qua đồng trống/ Chiếc lá vàng vừa chạm đất/Trôi theo dòng vào bóng đêm".

Vậy đó, những người làm thơ và giấc mơ về tình yêu của họ nhiều khi rất mong manh, bấp bênh và đầy mâu thuẫn: "Chiều nay ngọn gió từ đâu đến/Thổi bạt hoàng hôn, thổi bạt lòng/ Nghe lùa thương nhớ ngang hồn phố/Chẳng biết em còn lối xưa không?" (Gió ngang hồn phố). 

Tập thơ “Thả trôi nỗi buồn” như một cách nhìn lại, xâu chuỗi những gì tác giả đã trải qua. Có hạnh phúc, đớn đau, có mất mát, từ bỏ, đôi khi có cả cái ngang ngược, bất chấp của một người đàn ông cô đơn nhưng mạnh mẽ. Thật vậy, yêu rồi lặng lẽ gặm nhấm nỗi đau mà tình yêu ấy mang lại, nó khiến người ta đau xót, nhưng cũng khiến người ta thấy hạnh phúc. Hạnh phúc là bởi vì, cuối cùng thì trái tim từng rớm máu vẫn ngân rung sau biết bao nhiêu sóng gió, tổn thương: "Chiều lên sợi tóc đã thưa/Em hong chi nữa tình xưa bạc rồi/ Chiều lên con nắng ngậm ngùi/Ta vin tóc rối cùng người bể dâu" (Em hong tóc rối). 

Bảo Tấn đã gửi gắm tâm hồn mình cho thơ, bày tỏ nỗi niềm riêng với bao năm ấp ủ phận mình. Dường như anh có những tâm niệm nào đó, lưu luyến nào đó với cái gọi là “duyên số”. Tôi đã cố tình tránh nhắc đến và khoét sâu cái buồn trong tập thơ, nhưng nhận thấy nỗi buồn ấy thật đẹp!

SƠN TRẦN
 


Ý kiến bạn đọc


.