Khắc phục bệnh sợ trách nhiệm

15:40, 23/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, tại nghị trường Kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đã thẳng thắn nêu rõ thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức (CB, CC) có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm, hoặc làm việc cầm chừng. Bệnh sợ trách nhiệm của một bộ phận CB, CC cần phải chấn chỉnh, khắc phục ngay, vì gây cản trở công việc, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

Cử tri bày tỏ hoan nghênh, đồng tình trước sự thẳng thắn và trách nhiệm của các ĐBQH khi nêu rõ thực trạng một bộ phận CB, CC có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm, hoặc làm việc cầm chừng. Các ĐBQH đã phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay “căn bệnh” sợ trách nhiệm ở một bộ phận CB, CC. Trong số một bộ phận CB, CC nêu trên có 2 nhóm: Nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm, vì không có lợi ích riêng và nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.

Trước đó, ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện số 280/CĐ-TTg chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Công điện nêu rõ, trong thời gian gần đây, thực tế ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận CB, CC đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương... Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết liệt triển khai các giải pháp để chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Tuyệt đối không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đảm bảo các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện.

Điều mà nhân dân mong đợi ở cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đó là tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu. Điều này không chỉ vì sự phát triển của quê hương, đất nước, vì nhân dân, mà còn vì chính uy tín, danh dự của người cán bộ, đảng viên. 

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn 2012 - 2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại câu nói của Paven Coócxaghin - nhân vật chính trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nicôlai Ốtxtơrốpxky. Đại ý câu nói: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của nhân dân!”. 

Đây cũng là lời nhắn gửi tâm tình của người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến tất cả cán bộ, đảng viên! Và mong rằng, tình trạng CB, CC sợ trách nhiệm sẽ nhanh chóng được khắc phục, để khơi dậy, phát huy cao độ sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

PHƯƠNG LÝ
 


Ý kiến bạn đọc


.