Hình thành kỹ năng số cho người dân

16:45, 29/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với những cách làm hay, hiệu quả, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã lan tỏa phong trào chuyển đổi số (CĐS) trong cộng đồng. Từ đó, giúp người dân hình thành kỹ năng số và tiếp cận với nhiều tiện ích mà CĐS mang lại.

Người già, người khuyết tật tiếp cận chuyển đổi số

Từ nhiều tháng nay, sau khi được địa phương hướng dẫn mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH), bà Trần Thị Lý (70 tuổi), ở thôn Điền Hòa, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa), chỉ cần đến cửa hàng tạp hóa cách nhà chưa đến 100m để rút tiền, thay vì phải đến điểm bưu điện văn hóa xã như trước đây. "Tôi già cả, khuyết tật nên gặp khó khăn trong đi lại. Do đó, việc Nhà nước tạo điều kiện để tôi nhận được tiền tại tiệm tạp hóa gần nhà, tiện lợi cho tôi lắm", bà Lý chia sẻ. 

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa (bên phải) thông tin về tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt với người dân.  		                               Ảnh: Ý THU
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa (bên phải) thông tin về tiện ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt với người dân. Ảnh: Ý THU

Đồng hành cùng những người thuộc diện được BTXH tại địa phương, tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) xã Nghĩa Điền và 4 tổ CNSCĐ cấp thôn đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản chi trả BTXH không dùng tiền mặt. Đến nay, 100% đối tượng thuộc diện BTXH tại địa phương đã nhận tiền thông qua tài khoản.

Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Điền Lê Thị Mỹ Nương cho biết, Nghĩa Điền là địa phương đầu tiên của huyện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho đối tượng thuộc diện BTXH đạt 100%. Việc nhận tiền BTXH qua tài khoản tạo thuận lợi cho người dân, khi mọi người không phải xếp hàng chờ đợi và chỉ có thể nhận tiền vào các ngày cố định như khi nhận qua bưu điện. Với ý nghĩa đó, các tổ CNSCĐ của địa phương đã nỗ lực hỗ trợ người dân trong đăng ký tài khoản cũng như rút tiền. Thành viên tổ CNSCĐ phối hợp cùng Viettel Quảng Ngãi đến tận nhà hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân đi lại khó khăn, đăng ký tài khoản thành công. Khi người dân có nhu cầu, thành viên của tổ nhận rút tiền thay và mang tiền đến tận nhà cho người dân. 

Bà Nương cho biết thêm, nhằm tạo thuận lợi cho người dân về địa điểm rút tiền, địa phương phối hợp cùng Viettel Quảng Ngãi ký kết với 6 điểm tạp hóa trên địa bàn. Người dân có thể đến các điểm tạp hóa này để rút tiền BTXH. Các địa điểm này phân bố đều ở 4 thôn và được địa phương thông tin đến từng người dân nhận BTXH. Nhờ đó, các hộ dân không chỉ rút tiền thông qua ATM, mà còn có nhiều điểm rút tiền.

Lan tỏa từ cơ sở

Tổ trưởng tổ dân phố Nho Lâm, phường Phổ Hòa (TX.Đức Phổ) Thịnh Văn Minh (64 tuổi) đảm đương thêm nhiệm vụ Tổ trưởng tổ CNSCĐ. Ông Minh luôn đi tận ngõ, gõ tận nhà, giúp người dân tiếp cận, sử dụng các ứng dụng số.

“Tuổi cao, có nhiều rào cản trong ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng khi trở thành thành viên tổ CNSCĐ, tôi tâm niệm, cái gì không biết thì mình học hỏi. Tôi chịu khó học hỏi để hiểu, để biết, rồi diễn giải lại cho mọi người. Đây cũng là cách để tôi đóng góp một chút sức cho quê hương trong thực hiện CĐS”, ông Minh bộc bạch.

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Phước Lộc Tây, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) hỗ trợ người cao tuổi đăng ký tài khoản định danh điện tử. Ảnh: QUỐC VIỆT

Nhờ sự nhiệt thành, tâm huyết của tổ trưởng Thịnh Văn Minh cùng các thành viên trong tổ mà tỷ lệ cài đặt, kích hoạt định danh điện tử tại tổ dân phố Nho Lâm đã đạt hơn 97%. Người dân nơi đây hiểu, sử dụng và hài lòng với những tiện ích do CĐS mang lại. "Từ sự diễn giải của anh Minh và các anh chị em trong tổ CNSCĐ, tôi hiểu được vai trò của tài khoản định danh điện tử và sử dụng tài khoản nhiều nhất khi đi khám bệnh. Tôi không còn e ngại công nghệ như trước đây, mà mạnh dạn sử dụng", bà Nguyễn Thị Thiệu, ở tổ dân phố Nho Lâm, chia sẻ.

Tại xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh), từ năm 2022 đến nay, vào thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, thành viên của các tổ CNSCĐ tại địa phương luôn có mặt tại bộ phận một cửa của xã để hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Đầu tháng 8/2023, khi Sở TT&TT mở khóa học trực tuyến về dịch vụ công trực tuyến trên Chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi, Tịnh Sơn là một trong các địa phương có tỷ lệ người dân tham gia khá cao.

Tại một số thôn trên địa bàn xã, tỷ lệ người dân tham gia khóa học và dự thi đạt khoảng 80%. Tổng lượt thi trực tuyến mà người dân địa phương thực hiện là 3.200 lượt. Có được kết quả này, có sự đóng góp rất lớn của thành viên tổ CNSCĐ địa phương trong phát huy vai trò xung kích trong tuyên truyền, hướng dẫn, thông tin đến người dân.

Chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn Phạm Văn Lành nhận định, thời gian qua, tổ CNSCĐ của địa phương đã khẳng định vai trò của mình phổ cập kỹ năng số đến từng người dân, giúp người dân thay đổi nhận thức về CĐS. Qua đó, góp phần lan tỏa tiện ích của CĐS đến từng hộ gia đình, từng người dân, doanh nghiệp, tạo thói quen sử dụng công nghệ số trong các lĩnh vực. Ngoài ra, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong thực hiện CĐS, địa phương đã tập trung nâng cao tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, xử lý trực tuyến, nhằm giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Nếu như năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mà xã Tịnh Sơn tiếp nhận, xử lý chỉ chiếm 2%, thì từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ này đạt trên 60%. Riêng tháng 9 và 10/2023, tỷ lệ hồ sơ mà UBND xã Tịnh Sơn tiếp nhận, xử lý trực tuyến đạt đến 93%. Đây là những con số cho thấy quyết tâm, sự bứt phá của địa phương trong nỗ lực lan tỏa CĐS đến với từng người dân.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quốc Huy Hoàng cho biết, thời gian qua, tại nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, các tổ CNSCĐ cùng chính quyền địa phương đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động liên quan đến CĐS, nhất là các thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần tại cấp xã. Nhờ đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp xã tăng cao.

Trong thời gian đến, để CĐS lan tỏa hơn nữa đến từng người dân, các địa phương cần hiểu rằng, vai trò của cấp xã là rất quan trọng, góp phần lan tỏa CĐS đến với người dân ngay từ cơ sở. Vì vậy, các địa phương cần tìm hiểu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong thực hiện CĐS, nhất là nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tại cấp xã đạt bình quân trên 30%. Trong đó, có nhiều địa phương đạt từ 70 - 80%, nhưng cũng có những địa phương có tỷ lệ rất thấp.

Vì vậy, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân. Đẩy mạnh hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các nền tảng số thiết yếu. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó, là kỹ năng bảo vệ an toàn, an ninh thông tin trên môi trường số.

Ý THU - QUỐC VIỆT

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:45, 29/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.