Nhân rộng mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả

15:38, 14/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở cơ sở. Việc nhân rộng các mô hình hiệu quả đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật của người dân, hạn chế các vi phạm. 

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Vĩnh Lạc, 10 năm qua, thực hiện Luật PBGDPL, các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL cho các tầng lớp nhân dân với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Trong đó, chú trọng xây dựng và triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay; đồng thời, nhân rộng các mô hình như: “Phụ nữ với pháp luật”, “Thanh niên với pháp luật”, “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”... Mặt khác, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Tư pháp, các cơ quan, địa phương đã thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) pháp luật. Mỗi CLB có chủ nhiệm, phó chủ nhiệm và từ 20 - 100 thành viên.

Cán bộ, công chức TX.Đức Phổ tham dự tập huấn kiến thức pháp luật về cải cách thủ tục hành chính năm 2023. Ảnh: SÔNG THƯƠNG
Cán bộ, công chức TX.Đức Phổ tham dự tập huấn kiến thức pháp luật về cải cách thủ tục hành chính năm 2023. Ảnh: SÔNG THƯƠNG

Với vai trò là Cơ quan Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn các đơn vị, địa phương thành lập 33 CLB pháp luật ở cơ sở. Trong đó, có 17 CLB “Thanh niên với pháp luật” tại 17 xã, phường, thị trấn; 15 CLB “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm” tại 15 trường THPT và CLB “Phụ nữ với pháp luật” tại xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Hằng năm, Sở Tư pháp duy trì tổ chức sinh hoạt cho 33 CLB pháp luật.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do các cấp, ngành tổ chức đã trở thành sân chơi bổ ích, thu hút đông đảo người dân tham gia. Trong đó, Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật đã trở thành kênh thông tin để tổ chức, cá nhân tiếp cận nhanh, kịp thời các quy định pháp luật. Đây là cuộc thi mới, đã thu hút hơn 28 nghìn lượt truy cập vào website cuộc thi, với gần 12 nghìn lượt người dự thi.

Bên cạnh đó, mô hình tổ chức sinh hoạt “Ngày pháp luật” hằng tháng được tỉnh duy trì thực hiện hiệu quả hơn 10 năm qua. Mô hình này góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Còn mô hình phiên tòa giả định được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hiệu quả tại các địa phương. Mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, PBGDPL cũng được các cấp, ngành triển khai sâu rộng qua việc sử dụng mạng xã hội như Facebook, Fanpage, Zalo... 

Từ các nền tảng này, các cơ quan, đơn vị, địa phương đăng tải nhiều hình ảnh, tin, bài viết về pháp luật.  Ngoài ra, một số mô hình tuyên truyền, PBGDPL được triển khai khá hiệu quả ở cơ sở như CLB “Phòng, chống bạo lực học đường”, “Thanh niên phòng, chống ma túy”, “Nông dân với pháp luật”, “Khu dân cư phòng, chống tội phạm”, “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, “Đội truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em”, “Trường học nói không với vi phạm an toàn giao thông”...

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Vĩnh Lạc cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 10 nghìn lượt người được tuyên truyền về pháp luật. Trong đó, đối tượng chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh, đoàn viên, hội viên. Việc triển khai, nhân rộng các mô hình tuyên truyền PBGDPL hiệu quả đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Qua đó, tạo được thói quen tích cực tìm hiểu, cập nhật những quy định của pháp luật cũng như tuân thủ, chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, góp phần hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật.

SÔNG THƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.