Múa hát sắc bùa ngày Tết

08:01, 31/01/2013
.

Múa hát sắc bùa là hình thức dân ca nghi lễ, hát chúc mừng năm mới phổ biến trên nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt ở các tỉnh thuộcTrung bộ, Nam bộ và những nơi có đồng bào Mường sinh sống.

Hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác về thời điểm ra đời của hình thức văn hóa dân gian đặc sắc này, chỉ biết đây là một dân ca tối cổ và cho đến nay chắc đã có nhiều mai một, biến đổi so với hình thức nguyên sơ.

 

Ảnh minh họa - Internet
Ảnh minh họa - Internet

Hát sắc bùa ngày nay vẫn phổ biến ở nhiều tỉnh thành như Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Bến Tre... Ở mỗi nơi hình thức múa hát lại có những đặc trưng riêng có do môi trường và đặc điểm văn hóa của từng địa phương quy định, nhưng về cơ bản khá thống nhất. Một đội múa hát sắc bùa thường gồm 5 đến 7 người, có khi lên đến vài chục người, gọi là "phường bùa" hoặc "nậu". Mỗi phường do một ông trùm, có nơi gọi là ông cái sắc cầm chịch điều khiển. Người này thường có giọng hát tốt, có năng khiếu lĩnh xướng để đỡ giọng cho cả phường và có khả năng ứng xử tình huống nhanh.

 

Nhạc cụ trong múa hát sắc bùa thường có trống cơm, trống tầm vông, coòng, sinh tiền, sinh tre, sinh gỗ, xưa còn có pháo cái để ông trùm phường đốt nổ trước mỗi nhà với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ. Thường vào sau giao thừa, các phường múa hát sắc bùa sẽ bắt đầu tổ chức đi đến từng nhà để hát chúc mừng năm mới. Dưới sự chỉ huy của ông trùm phường, phường sắc bùa sẽ nổi nhạc, vỗ trống cơm, gõ sanh tiền và hát các bài hát sắc bùa với nội dung chúc tụng đầu xuân hoặc chúc mừng các thành quả mà gia đình gia chủ đã đạt được như: "Nay mừng trong họ kẻ no người đủ vui thú thái bình/ Trên tôi mừng người được ngọn đền trúc nở xinh xinh/ Dưới tôi mừng người được mọi tài mọi có/Vì vậy trước có có câu thơ rằng mở cửa dong đèn rước lấy phúc dày” hay “Mở ngõ đã rồi/ Thiệt là chúng tui/ Sắc bùa là hiệu/ Xưa thầy dạy biểu/ Hết năm bảy ngày/ Sắc hết đông tây/ Đêm bùa trừ tịch/ Khai phương khai tịch/ Sát quỷ trừ tà/ Mừng rước xuân qua/ Cho nhà hưng thịnh...”.

Các bài hát sắc bùa có nhạc điệu giống nhau, dễ hát, dễ nhớ và gần gũi với đời sống dân dã thường được sáng tác sẵn và học thuộc. Tuy nhiên, tùy thuộc vào hoàn cảnh, các ông trùm phường còn sưu tầm cả những sáng tác mới để cải biên thành lối hát sắc bùa.

 

Theo ghi chép, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, hát sắc bùa vẫn tồn tại và phổ biến. Bên cạnh các bài hát sắc bùa truyền thống còn có các bài mang lời ca mới với ý nghĩa động viên quân dân chiến đấu và sản xuất. Ngoài phần hát, trong nghi lễ sắc bùa còn có phần múa với những niêm luật nhất định, nhưng nội dung này đến nay đã mai một nhiều, nhiều nơi chỉ còn phần hát chứ không múa. Một thay đổi nữa là các nghi thức có tính phù chú, trừ ma đuổi quỷ (mà ngay ở tên gọi "sắc bùa" đã thể hiện rất rõ điều này) trong múa hát sắc bùa ngày nay đã bớt phần rườm rà so với trước.

Hát sắc bùa là cách chúc tết độc đáo của nhân dân ta, thể hiện khát vọng hạnh phúc, bình yên của con người trước thềm năm mới. Đây một nét văn hóa cổ truyền đặc sắc cần được lưu giữ, bảo tồn.

 

Theo Việt Thường (ĐCSVN)

 


.