(Báo Quảng Ngãi)- Nghe tiếng la thất thanh, anh Ngô Thanh Phong, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) ngoái nhìn và phát hiện người đuối nước. Anh buông điện thoại, chạy ra biển lao xuống nước, bơi đến dìu người bị nạn vào bờ. Mệt bở hơi tai, nhưng anh vẫn gắng sức sơ cứu thiếu niên 13 tuổi...
"Kình ngư" nơi biển cả
Hè năm 14 tuổi, Ngô Thanh Phong lên tàu cá theo cha cùng bạn chài ra biển hành nghề lưới vây rút. Mẹ Phong dùng khoản tiền con trai kiếm được từ sự cơ cực trên sóng nước mua sách vở, áo quần để con bước vào năm học mới. Rồi 4 năm sau, Phong trở thành ngư dân thực thụ cùng cha bám biển mưu sinh. Sóng gió rèn luyện chàng trai miền cát trắng thêm cứng cỏi, sẵn sàng đối diện với những thử thách khắc nghiệt nơi biển cả. Thấy con trưởng thành, anh Phong được cha giao nhiệm vụ điều khiển con tàu có công suất 39CV cùng bạn chài lênh đênh trên sóng nước. Nhiều chuyến ra biển - về bờ tôm cá đầy khoang, đem lại cuộc sống no đủ và nụ cười mãn nguyện trên những gương mặt sạm đen vì nắng gió của chàng thanh niên xứ biển và các bạn chài.
Anh Ngô Thanh Phong luôn can trường giữa biển khơi và là người giàu lòng nhân ái. Ảnh: Trang Thy |
Chiều phai nắng, tàu rẽ sóng nước trong xanh màu ngọc bích. Bạn chài nhanh tay buông giàn lưới rê vào lòng biển sâu. Tàu lại băng qua sóng nước lao về phía chân trời khi hoàng hôn bao phủ biển cả bao la. Đến nơi định trước, anh Phong ra hiệu cho bạn chài buông neo trong chiều muộn. Ngày dần vào đêm. Dàn đèn điện công suất lớn hai bên mui tàu bật sáng dẫn dụ cá tôm quần tụ trước khi buông - kéo lưới vây rút. Gặp mẻ lưới thu được 4 tấn cá, bạn chài rạng ngời niềm vui. Những đôi tay thoăn thoắt phân loại cá, mực rồi đưa vào khoang ướp lạnh. Tàu quay trở lại nơi thả lưới rê khi bình minh ló dạng phía chân trời. Những đôi tay rắn chắc trợ lực máy kéo lưới lên boong tàu, niềm hy vọng ngời lên trong ánh mắt. Phát hiện cá lớn, một ngư dân trẻ cầm giây thừng thắt nút thòng lọng nhảy ùm xuống biển bơi nhanh như vận động viên chuyên nghiệp. Đến bên cá, anh tròng thòng lọng vào đuôi rồi vẫy tay ra hiệu cho bạn chài đang hồi hộp đợi chờ. Cá to được kéo lên boong giữa tiếng nói cười của những ngư dân can trường trên sóng nước biển khơi.
"Nghề biển lúc được lúc không, nhưng tàu em may mắn được nhiều. Có chuyến thu được mười mấy tấn cá, bán được gần 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi bạn chài được chia vài chục triệu đồng. Nghề biển mệt lắm nên em đóng tàu lớn có 2 tầng nằm để bạn chài nghỉ ngơi. Mình cố gắng tạo sự vui vẻ để anh em thoải mái khi chung sức bám biển mưu sinh", anh Phong chia sẻ. Nghe anh Phong nói thế, ngư dân Trần Ngọc Hoành góp lời: "Anh em chúng tôi sống hòa đồng, sẻ chia với nhau những công việc nặng nhọc. Cứ đến ngày hẹn là mọi người tụ họp lên tàu ra khơi...".
Giàu lòng nghĩa hiệp
Chiều muộn, trời mây âm u. Phong cùng người thân ngồi uống nước trong quán gần cửa biển Mỹ Á. Vừa gọi xong điện thoại cho người bạn, anh nghe tiếng la thất thanh nên ngoái nhìn và phát hiện người đuối nước đang nhấp nhô giữa những cơn sóng. Anh buông điện thoại, chạy ra biển, lao ngay xuống nước. Sóng bổ mạnh như muốn nhấn chìm anh xuống đáy biển. Anh gắng sức bơi đến dìu người bị nạn vào bờ trước những ánh mắt đầy âu lo. Người bị đuối nước là thiếu niên 13 tuổi. Anh Phong xốc ngược, vác hai chân nạn nhân lên vai chạy dọc theo bờ biển để dốc nước từ trong bụng chảy ra ngoài. Tiếp đến, anh dùng tay ấn vào lồng ngực người bị nạn rồi hà hơi thổi ngạt.
Bạn chài đang làm việc trên tàu cá của anh Phong. Ảnh: NVCC |
Khoảng 2 giờ sáng 5/7/2022, thuyền viên trên tàu cá QNg-94713TS và chủ tàu là anh Nguyễn Đức Thạnh nghe tiếng kêu la thảm thiết. Họ ngoái nhìn và chứng kiến cảnh tượng hết sức đau thương. Khi xay đá lạnh để ướp hải sản, ngư dân Lê Quốc Việt bị máy dập nát cánh tay phải. Mọi người xúm quanh băng bó vết thương nhưng nạn nhân mất quá nhiều máu nên bất tỉnh. Lúc này, tàu cá anh Thạnh cách Đà Nẵng khoảng 60 hải lý về hướng đông bắc. Nhận tin qua Icom khi cách nhau chừng 20 hải lý, Phong vội gọi điện cầu cứu Trung tâm tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2. Ngay sau đó, trung tâm điều động tàu SAR 274 đưa ê kíp cấp cứu bệnh viện 199 (Bộ Công an) đi cứu nạn. Khi cách bờ chừng 30 hải lý, các y, bác sĩ tiếp cận tàu cá của anh Thạnh và tiến hành sơ cứu rồi đưa nạn nhân sang tàu SAR 274 chuyển vào đất liền. Anh Việt được chuyển đến bệnh viện vào trưa cùng ngày và đã qua cơn nguy kịch.
Hơn 2 năm trước, anh Thạnh bị đau bụng dữ dội sau khi ăn bữa cơm chiều trên biển, mồ hôi vã ra như tắm. Bạn chài hốt hoảng nối máy Icom báo tin cho Phong khi hai tàu cá cách nhau khá xa. Nhận được tin, anh Phong liền kết nối, nhờ sự trợ giúp từ Trung tâm Tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 và hướng dẫn bạn chài trên tàu anh Thạnh chạy nhanh vào bờ. Bệnh nhân được chuyển qua tàu cứu nạn đưa vào đất liền. "Phong rất tốt bụng, nhiệt tình giúp đỡ anh em nên được mọi người tin tưởng cử vào Ban Chấp hành nghiệp đoàn nghề cá. Chủ tàu hay bạn chài bị nạn có hoàn cảnh khó khăn, Phong đều kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ...", anh Thạnh bày tỏ.
Ở tuổi 42, Phong có thâm niên 20 năm làm thuyền trưởng điều khiển tàu cá dọc ngang khắp các vùng biển của Tổ quốc. Bên anh là những ngư dân dạn dày sóng gió đồng lòng bám biển mưu sinh, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu.
Tấm gương sáng
Chủ tịch UBND phường Phổ Quang Võ Văn Xinh cho biết, hành động cứu người của anh Ngô Thanh Phong rất đáng được biểu dương. Tấm lòng của anh Phong rất đáng quý. Anh còn nhiệt tình đứng ra kêu gọi, quyên góp giúp đỡ cho những ngư dân bị nạn có hoàn cảnh khó khăn...
Anh Phong là thành viên tích cực trong tổ tự quản gồm 12 tàu cá. Anh được mọi người tin tưởng cử làm thủ quỹ tổ tương trợ theo tinh thần tự nguyện. Sau chuyến đánh bắt, mỗi tàu cá đóng góp 200 nghìn đồng. "Khoản tiền đóng góp đến nay được hơn 100 triệu đồng. Số tiền đó dùng để thăm hỏi anh em ốm đau và hỗ trợ chủ tàu khó khăn mua ngư cụ vươn khơi", anh Phong cho biết.
|
TRANG THY