Phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ em

10:12, 13/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Vào mùa đông và mùa xuân, nhiệt độ giảm, khí hậu ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho một số bệnh về đường hô hấp phát triển. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh, vì hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Những bệnh đường hô hấp trẻ thường hay gặp như viêm mũi, viêm họng, thanh quản, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi...
 
[links()]
 
Nguyên nhân của bệnh đường hô hấp ở trẻ em là do vi khuẩn và vi rút. Tuy nhiên, vi khuẩn chỉ có thể gây bệnh trên cơ sở sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút. Bệnh có những biểu hiện chung như sốt, ho, thở nhanh, rút lõm lồng ngực và những dấu hiệu nguy kịch khác. Những dấu hiệu như co giật, ngủ li bì, thở rít khi nằm yên, sốt hoặc hạ thân nhiệt... là những dấu hiệu nguy kịch không chỉ có trong viêm phổi mà còn xảy ra ở các bệnh khác. Tuy nhiên, khi trẻ ho, thở nhanh và có một trong các dấu hiệu này thì chứng tỏ trẻ đã bị bệnh rất nặng.
 
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Thị Kim Dung, Khoa Nhi hô hấp (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) khám bệnh cho trẻ em.        Ảnh: M.HIỀN
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Thị Kim Dung, Khoa Nhi hô hấp (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) khám bệnh cho trẻ em. Ảnh: M.HIỀN
Hệ hô hấp được chia thành đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Bộ phận thuộc đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản, là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với môi trường, có nhiệm vụ lấy không khí bên ngoài cơ thể, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi. Đường hô hấp dưới gồm khí quản, phế quản và phế nang có chức năng lọc và trao đổi khí. Trẻ bị nhiễm bệnh đường hô hấp trên nếu không điều trị kịp thời sẽ viêm đường hô hấp dưới với những triệu chứng như khó thở, thở nhanh, thở rít, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Bệnh nặng hơn dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng.
 
Một em bé dưới 5 tuổi có thể bị bệnh đường hô hấp 4 - 6 lần trong một năm. Điều này khiến trẻ suy giảm sức khỏe, chậm phát triển cả thể chất và trí tuệ. Phòng bệnh là phương pháp tối ưu để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho con trẻ.
 
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Thị Kim Dung, Khoa Nhi hô hấp (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) khuyến cáo, để phòng bệnh đường hô hấp, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn, rửa tay sau khi tiếp xúc với người khác, rửa tay sạch sau khi hắt hơi. Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là vùng mũi, họng, cổ, bàn chân. Đảm bảo đủ dinh dưỡng và các vi chất cho trẻ, bổ sung đủ vitamin A, chất probiotic. Môi trường phải sạch sẽ, thoáng, tránh ẩm mốc, hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với khói, bụi, đặc biệt là khói thuốc lá. Tiêm vắc xin phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ.
 
Ngoài ra, người mẹ khi mang thai cần lưu ý ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và sống vui vẻ, lành mạnh, khám thai định kỳ... để hạn chế việc sinh con non, nhẹ cân. Vì khi bé sinh non, sinh nhẹ cân dễ bị bệnh đường hô hấp và bị biến chứng nặng khi mắc bệnh. Cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sẽ làm giảm mắc bệnh đường tiêu hóa, hô hấp... Khi chở trẻ bằng xe máy, bố mẹ không nên để trẻ ngồi trước, vì trẻ sẽ tiếp xúc trực tiếp với gió lạnh, dễ bị bệnh.
 
MINH HIỀN
 
 
 

.