Khắc phục chứng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi

10:12, 12/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Rối loạn giấc ngủ là một vấn đề sức khỏe vô cùng phổ biến trong cuộc sống hiện đại.Tại Việt Nam, số lượng người đi khám vì lý do mất ngủ, khó ngủ, nhất là người cao tuổi, tại các bệnh viện ngày càng nhiều. Bệnh ảnh hướng lớn đến chất lượng cuộc sống, công việc và cả sức khỏe của người bệnh.
 
[links()]
 
Gần 3 năm nay, ông Nguyễn Thanh (67 tuổi), ở xã Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa) thường xuyên bị căng thẳng và khó ngủ. Ông Thanh thường nằm trằn trọc mất 2 - 3 tiếng mới ngủ được, nhưng chỉ khoảng 2 tiếng thì lại tỉnh giấc. Sau khi thăm khám, ông Thanh được bác sĩ kết luận bị mất ngủ mạn tính. Còn bà Võ Thị Giao (60 tuổi), ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) đã nhiều tháng qua hầu như không ngủ được vào ban đêm. Ban ngày, bà Giao lại ngủ gật và rất mệt mỏi. Bà Giao được bác sĩ tại đây chẩn đoán là bị đảo lộn giấc ngủ. 
 
Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh thăm khám cho người cao tuổi bị mất ngủ.
Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh thăm khám cho người cao tuổi bị mất ngủ.
Theo các bác sĩ thần kinh, trường hợp mất ngủ của ông Thanh và đảo lộn giấc ngủ cùa bà Giao gọi chung là chứng rối loạn giấc ngủ. Đây có thể là triệu chứng của rất nhiều bệnh bên trong cơ thể. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp mất ngủ thường ít tìm ra nguyên nhân thực thể. Nguyên nhân dẫn đến rối loạn giấc ngủ đa phần gắn liền với yếu tố tuổi tác và tâm lý. Vì vậy, mất ngủ hay gặp ở người trên 50 tuổi. 
 
Giấc ngủ giúp cho cơ thể phục hồi sức lực, tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng, khôi phục sức khỏe bị hao tổn trong lúc vận động, làm việc. Nếu ngủ không đủ giấc, cơ thể không có thời gian để hồi phục tái tạo năng lượng, dần dà sẽ dẫn đến suy giảm sức khỏe, xuất hiện các bệnh lý khác.
 
Bác sĩ Đặng Trong - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết, rối loạn giấc ngủ có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Đối với người cao tuổi bị nhiều bệnh như tiêu hóa, tim mạch, hô hấp, thần kinh sẽ bị mất ngủ hoặc sử dụng các thuốc điều trị bệnh cũng gây ra mất ngủ. Bị sang chấn tâm lý, rối loạn trầm cảm lo âu, sự mất mát của người thân... cũng dễ dẫn tới sự rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi. Khi bị rối loạn giấc ngủ kéo dài, quá trình khôi phục sức khỏe không được đầy đủ, khiến cơ thể thường xuyên mệt nhọc, bần thần, chóng mặt, hay quên, buồn bã, bi quan, ăn uống kém...
 
“Để phòng ngừa rối loạn giấc ngủ, mọi người phải thay đổi thói quen trong sinh hoạt hằng ngày. Mỗi người phải tập đi ngủ và thức dậy vào một giờ nhất định. Trước khi đi ngủ không nên ăn quá no, không nên dùng các chất kích thích như cà phê, trà, rượu, bia, vitamin C. Chỗ ngủ phải đảm bảo yên tĩnh, tránh tiếng ồn và âm thanh, ánh sáng quá nhiều; không khí phải mát mẻ dễ chịu”, bác sĩ Đặng Trong cho biết.
 
Bài, ảnh: KIM LIÊN
 
 

.