Thực phẩm giảm cân: Ẩn họa khôn lường

10:12, 18/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, thực phẩm giảm cân như các viên uống giảm cân, trà detox, kẹo chocolate giảm cân... được nhiều phụ nữ tìm mua, sử dụng. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm được quảng cáo rầm rộ là có tác dụng giảm cân "thần tốc", lại bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, khi chứa nhiều chất độc hại.
 
“Loạn” thực phẩm giảm cân
 
Chỉ cần sử dụng một liệu trình là có thể giảm cân mà không cần bất cứ phương pháp nào khác, đó là nội dung quảng cáo chung về công dụng của các loại thực phẩm giảm cân đang được bán tràn lan ngoài thị trường hiện nay. 
Một số loại thực phẩm giảm cân đã được cảnh báo có chứa chất cấm, nhưng vẫn được rao bán tràn lan tại các cửa hàng và trên các sàn thương mại điện tử.
Một số loại thực phẩm giảm cân đã được cảnh báo có chứa chất cấm, nhưng vẫn được rao bán tràn lan tại các cửa hàng và trên các sàn thương mại điện tử.
 
Tại một cửa hàng bán mỹ phẩm trên đường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi), kẹo chocolate giảm cân được nhân viên quảng cáo công dụng để mời chào. “Cửa hàng hiện có 3 dòng sản phẩm giảm cân dưới dạng kẹo, viên nén và cà phê, cả 3 loại giảm cân này đều bán rất chạy.
 
Khách có thể dùng kẹo giảm cân có tên Chokolade Vægttab được nhập khẩu từ Đan Mạch, thơm ngon, dễ ăn, có thể giảm được 7- 10kg. Một hộp 20 viên, giá 250.000 đồng, giúp giảm cân nhanh mà không tốn thời gian”, nhân viên cửa hàng này cho hay.
 
Thậm chí, trên một số sàn thương mại điện tử, các loại thực phẩm giảm cân ở đủ mọi hình thức được rao bán với mức giá dao động từ 250.000 đồng đến trên 1 triệu đồng/hộp. Những loại kẹo, cà phê, viên sủi giảm cân như Mone Macha Cocoa, Pacos Slim, Slim Fit Plus... hiện cũng được bán công khai ở một số cửa hàng mỹ phẩm, thực phẩm cho mẹ và bé.
 
Nguy cơ tiền mất tật mang
 
Một số sản phẩm giảm cân được các cơ quan chức năng cảnh báo, vì chứa chất cấm hoặc quảng cáo không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng. Đơn cử như các loại kẹo giảm cân Mone Macha Cocoa, Chokolade Vægttab  là 2 trong 7 sản phẩm vừa được cơ quan Khoa học y tế Singapore (HAS) thông báo đến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế Việt Nam), về việc chứa tân dược cấm sử dụng như N-desmethyl tadalafil, Sibutramine và Sennoside. 
 
Trong đó, chất Sibutramine mặc dù có thể tạo cảm giác no, không thèm ăn làm giảm cân nhanh, nhưng sản phẩm chứa chất này có thể gây hại cho người tiêu dùng, vì có thể gây nên nguy cơ tăng huyết áp, tăng nhịp tim cho người bình thường và nguy hiểm cho những người có tiền sử bệnh về động mạch vành, đau tim, loạn nhịp tim hoặc đột quỵ. Sản phẩm này cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác mà người dùng đang sử dụng, có thể dẫn đến nguy hiểm chết người.
 
“Người dùng nên tham khảo ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa về việc có thể sử dụng các sản phẩm này không? Khi sử dụng có cần phải khám hay kiểm tra lâm sàn trước đó hay không? Đây là những điều bắt buộc trước khi sử dụng một sản phẩm chức năng, người dùng không được tự ý đi mua về sử dụng”, dược sĩ Lê Thị Phương Thảo cho hay.
 
Các chuyên gia y tế cũng khuyên rằng, không nên quá tin vào các sản phẩm giảm cân, bởi trên thị trường hiện nay có quá nhiều các sản phẩm, mà vấn đề kiểm nghiệm chất lượng đang còn bỏ ngỏ. Nếu người tiêu dùng sử dụng thực phẩm chức năng một cách mù quáng sẽ tiền mất tật mang, thậm chí là để lại hậu quả lâu dài về mặt sức khỏe.
 
Khi lựa chọn mua trực tiếp cũng như online, người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm đã có giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; chọn mua ở các cửa hàng, các trang web có thương hiệu uy tín và địa chỉ rõ ràng.
 
Bài, ảnh: PV
 
 
 

.