(Baoquangngai.vn)- Hiện nay, nhiều mô hình, câu lạc bộ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiền hôn nhân... được triển khai rộng rãi và đạt một số hiệu quả. Song tỷ lệ kết hôn sớm ở trẻ em gái vị thành niên, nhất là ở các huyện miền núi vẫn tiếp diễn, dù tỷ lệ này đã giảm so với những năm trước.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại thôn 2 xã Trà Thủy (Trà Bồng) luôn thu hút nhiều chị em phụ nữ ở địa phương. Tại đây, các em, các chị được tuyên truyền về độ tuổi phù hợp để kết hôn, cách nuôi dạy con, và cách phòng tránh thai.
Vì được tổ chức với hình thức đa dạng và truyền tải được nhiều nội dung phong phú, nên không riêng phụ nữ đã có chồng, mà các bé gái vị thành niên từ 15-19 tuổi cũng rất hào hứng tham gia và nắm rõ được những kiến thức bổ ích để bảo vệ bản thân.
“Tham gia những buổi sinh hoạt như thế này thì em ý thức được là không nên lấy chồng trước 18 tuổi và hiểu rằng khi kết hôn thì chỉ nên sinh 1-2 con để nuôi dạy cho tốt và không bị ảnh hưởng đến kinh tế gia đình”- em Đinh Thị Nây (18 tuổi) nói về các buổi sinh hoạt bổ ích tại thôn.
Buổi sinh hoạt tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản giúp người dân có ý thức cao hơn trong việc hạn chế tình trạng tảo hôn. |
Những năm gần đây, nhờ có những buổi sinh hoạt như vậy, công tác dân số ở miền núi đã được giảm bớt phần nào gánh nặng. Chị Hồ Thị Diễm- cán bộ chuyên trách dân số xã Trà Thủ cho biết: Mấy năm trước, khâu truyền thông về trẻ vị thành niên chưa có, nên tỷ lệ trẻ em tảo hôn rất nhiều. Từ khi có câu lạc bộ tiền hôn nhân về thì công tác truyền thông thường xuyên truyền thông theo định kỳ, hàng tháng thì đến giờ này giảm so với năm trước.
Công tác tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em gái vị thành niên cũng được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, vì một bộ phận người dân chưa có đủ kiến thức về tác hại của việc tảo hôn, nên những năm gần đây, tại các huyện miền núi vẫn ghi nhận các trường hợp trẻ em gái nghỉ học, lấy chồng sớm.
Em Hồ Thị Chính, ở xã Trà Thủy đã rời ghế nhà trường và kết hôn với một người cùng tuổi trong thôn. Đến năm 17 tuổi Chính sinh con. Ở cái tuổi còn trẻ này nhưng phải làm mẹ nên các kỹ năng về chăm sóc và nuôi dạy con cái rất hạn chế. Vì thế, dù đã gần 4 tuổi nhưng bé Hồ Văn Đát, con trai em chỉ nặng chưa đầy 12kg. So với độ tuổi này, bé Đát đã bị suy dinh dưỡng.
Kết hôn và sinh con ở độ tuổi khá sớm, các trẻ em gái vị thành niên chịu nhiều thiệt thòi về cả thể chất lẫn tinh thần. |
Cùng cảnh lấy chồng khi còn trẻ, em Hồ Thị Gái, ở xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng cũng đang chật vật để lo cho 2 đứa con. Đứa lớn năm nay 10 tuổi và đứa nhỏ thì lên 5 tuổi. Gái buồn bã chia sẻ: Năm đó, khi mới 15 tuổi còn đang học lớp 9 nhưng em đã nghỉ và lấy chồng. Lấy chồng sớm, khi sinh con lại phải chăm con nên rất vất vả và khó khăn. Nhìn những bạn cùng lứa tuổi đi học, vui chơi em cảm thấy bị thiệt thòi nhiều.
Những trường hợp tảo hôn như Chính và Gái sẽ còn tiếp diễn nếu trẻ em gái vị thành niên không được quan tâm. Vì vậy, Ngày dân số thế giới năm nay được tổ chức với chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên", nhằm kêu gọi sự quan tâm và đầu tư có chiến lược cho trẻ em gái, đồng thời tăng cường cam kết về việc bảo đảm quyền con người cho trẻ em gái vị thành niên. Đây cũng là cách để trẻ em gái vị thành niên có được điều kiện có thể bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và khỏe mạnh.
Theo số liệu của Chi cục dân số Kế hoạc hóa gia đình, hiện số trẻ em gái tuổi vị thành niên trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 10,5% dân số.
“Để trẻ em gái tuổi vị thành niên được quan tâm đúng mức, Ngành dân số đã triển khai nhiều đề án, kế hoạch, trong đó trọng tâm vẫn là nâng cao hiểu biết, trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản, Luật hôn nhân gia đình để các em biết và thực hiện. Phải thực hiện đúng độ tuổi kết hôn để từ đó không sinh con sớm, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em và chất lượng dân số”- Ông Nguyễn Văn Quang- Chi cục phó Chi cục DS&KHHGD tỉnh cho biết.
Bài, ảnh: Thanh Phương