Nỗi lo chất lượng dân số vùng biển

10:03, 30/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là một trong những địa phương có tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao trên địa bàn tỉnh (trên 14%/năm), huyện Đức Phổ đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác nâng cao chất lượng dân số.

TIN LIÊN QUAN

Đề án 52 về kiểm soát dân số vùng ven biển, hải đảo được triển khai từ năm 2010 tại 6 xã ven biển của huyện Đức Phổ.  Qua đó đã góp phần chăm sóc SKSS - KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số. Theo thống kê của Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Đức Phổ, mỗi năm có hàng nghìn phụ nữ trước và trong độ tuổi sinh đẻ ở 6 xã ven biển được tiếp cận các gói dịch vụ chăm sóc SKSS – KHHGĐ, phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục...

Cần đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ nông thôn
Cần đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ nông thôn


Chị Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Người dân vùng ven biển thường tiếp xúc môi trường có độ ẩm cao dễ bị viêm nhiễm. Bên cạnh đó, nam giới thường xuyên đi biển dài ngày, dễ gặp rủi ro nên nhu cầu sinh con, đặc biệt là sinh con trai rất phổ biến. Hơn nữa, nhận thức của người dân ở đây về chăm sóc SKSS, thai nhi và trẻ sơ sinh còn hạn chế. Vì vậy, việc đẩy mạnh thực hiện Đề án 52, nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS- KHHGÐ luôn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Tuy nhiên, theo bà Thảo, trong quá trình thực hiện Đề án đã và đang gặp nhiều khó khăn, do 3 năm gần đây kinh phí từ chương trình mục tiêu bị cắt giảm, chậm cấp. Vì thế,  kinh phí thực hiện Đề án 52 tại 6 xã hầu như không đủ để triển khai các hoạt động. Năm 2015, mỗi xã chỉ nhận được 500 nghìn đồng, còn năm nay thì chưa có, trong khi đó nguồn hỗ trợ từ ngân sách xã không nhiều. Vì thế, một số chỉ tiêu của Đề án thực hiện không đủ, đặc biệt là chỉ tiêu về đặt vòng tránh thai, điều trị những trường hợp bị viêm nhiễm đường sinh sản và hoạt động truyền thông.

Trình độ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số chưa đồng đều nên việc cập nhật các số liệu, dữ liệu có lúc, có nơi chưa kịp thời cho công tác tổng hợp... Công tác truyền thông, tư vấn chưa tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức cũng như hành vi của người dân về SKSS - KHHGĐ; đội ngũ cộng tác viên dân số nhiều việc, nhưng phụ cấp ít khiến họ thiếu nhiệt tình với công việc.

Chị Lê Thị Nhân - cán bộ chuyên trách xã Phổ Thạnh, cho biết, toàn xã có hơn 5 nghìn chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nên việc chăm sóc SKSS - KHHGĐ sẽ góp phần giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn. Tuy nhiên, trong năm 2015 do kinh phí cấp về muộn nên chỉ tổ chức truyền thông SKSS - KHHGĐ là chính.

Huyện Đức Phổ hiện có hơn 22 nghìn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Năm 2015, tỉ lệ sinh con thứ 3 ở địa phương vẫn còn khá cao so với các địa phương lân cận, với tỉ lệ 14,5%; tỉ suất tăng dân số tự nhiên còn ở mức cao 6,50%o. “Sở dĩ có thực trạng đó  là do một bộ phận cán  bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số (sinh con thứ 3), nhưng biện pháp xử lý chưa đủ mạnh làm ảnh hưởng đến công tác DS - KHHGĐ ở địa phương. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân cố tình sinh đông con để được hưởng chính sách như hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo. Thực trạng đó đang là rào cản trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Đội ngũ làm công tác dân số ở cấp xã, thị trấn chưa ổn định, cán bộ chuyên trách thường xuyên thay đổi, chưa được tuyển dụng thành viên chức cũng ảnh hưởng không nhỏ đến  hiệu quả công tác”, bà Thảo nói.

Theo Quyết định số 52/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển” sẽ kéo dài đến năm 2020. Tuy nhiên, mới hơn nửa chặng đường thực hiện, đề án đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí hoạt động. Đây là một thách thức lớn trong việc ổn định và nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
 

Bài, ảnh: Trí Phong

 


.