Vượt lên chính mình

02:11, 16/11/2011
.

(QNg)- Bằng nghị lực sống và niềm tin, chị đã vượt qua sự xa lánh của gia đình; sự kỳ thị của cộng đồng xã hội, quyết tâm trở thành một tuyên truyền viên để giúp mọi người hiểu, cảm thông và chia sẻ với những bệnh nhân bị nhiễm HIV. Chị chính là Trịnh Thị Tú Nữ ở KDC số 5, thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong (Mộ Đức).

Ác mộng ngày đầu tiên làm mẹ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở xã Đức Phong (Mộ Đức), chị Nữ đã phải từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo trường làng để sớm bươn chải, vật lộn với cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người tận TP Hồ Chí Minh. Để có tiền giúp đỡ bố mẹ và trang trải cuộc sống gia đình, chị đã không từ bất cứ công việc nào, dù vất vả và khó nhọc, miễn là lao động chân chính. Cuộc sống êm đềm và bình lặng cứ thế trôi qua và chị cứ ngỡ đó là sự đáp trả công bằng của số phận, sau những hy sinh vất vả của mình. Nhưng chị lại không thể ngờ rằng, ngày chị hân hoan chào đón đứa con đầu lòng, thì chị lại chết lặng với kết quả dương tính HIV của hai mẹ con.
 
Chị Tú Nữ (thứ hai bên phải) không chỉ chiến thắng được bệnh tật, mà còn giúp mọi người có ứng xử đúng hơn về bệnh nhân HIV/AIDS.
Chị Tú Nữ (thứ hai bên phải) không chỉ chiến thắng được bệnh tật, mà còn giúp mọi người có ứng xử đúng hơn về bệnh nhân HIV/AIDS.

Đưa tay lau nước mắt, chị Nữ bùi ngùi: Nhìn kết quả xét nghiệm, mình nghĩ chắc có sự nhầm lẫn. Vì cả đời mình có làm gì để phải mắc căn bệnh thế kỷ ấy. Nhưng dấu cộng HIV nghiệt ngã vẫn không thay đổi. Như vậy là chấm hết. Chị sợ hãi khi bắt gặp ánh mắt khinh rẻ của mọi người. Chị hoảng loạn khi nhìn đứa con còn đỏ hỏn, mà đã chịu sự ghẻ lạnh, xa lánh từ những người thân ruột thịt. Trong lúc bế tắc, chị đã nghĩ đến việc cùng con quyên sinh, nhưng bản năng người mẹ lại không cho phép chị làm cái việc mất nhân tính ấy. Vậy là phải sống, phải chấp nhận. "Dù rằng mình cũng chỉ là nạn nhân, do bị lây nhiễm từ chồng, nhưng trong con mắt của người đời, mình vẫn là kẻ không ra gì nên mới bị nhiễm HIV" - chị Nữ chạnh lòng.

Sống cho ra sống

Sau tất cả những gì xảy ra, chị nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và tìm đến Trung tâm tư vấn, để được giải thích rõ hơn về căn bệnh này, cùng cách chăm sóc, điều trị và phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh. Dù biết cơ hội khỏi bệnh là không thể, nhưng trong thâm tâm, chị vẫn hy vọng sẽ có một phép nhiệm màu, để "mang" hết vi rút HIV ra khỏi cơ thể cô con gái Diệu Hiền của chị. Nhiều lúc nhìn con khóc tức tưởi khi bị bạn bè xa lánh, lòng chị đau như xáùt muối. Điều đó đã thúc giục chị quyết tâm sống và làm được điều gì đó, để mọi người hiểu và cảm thông hơn với những bệnh nhân HIV. Nhưng chị càng cố gắng, thì càng nhận được ánh mắt miệt thị và sự lạnh lùng đáng sợ của mọi người xung quanh. Bởi đúng thời điểm này, bệnh lao phổi của chị lại trở nặng và những nốt hạch cũng bắt đầu lở loét. Thậm chí những người ruột thịt trong gia đình cũng không muốn nhìn thấy sự có mặt của chị. "Nhà có 3 người, nhưng 2 mâm cơm. Tôi cũng không dám nhìn hay đụng đến những vật dụng liên quan đến nó" - ông Trịnh Văn Lô - cha chị Nữ nhớ lại. Còn người mợ Nguyễn Thị Năm thì chia sẻ: Nhìn nó ốm yếu, lở loét khắp mình, tôi cũng không đủ bản lĩnh để vào nhà. Muốn gửi hộp sữa, hay mớ thuốc thì cũng chỉ đứng ngoài và để ở cửa sổ mà thôi.

Bằng nghị lực sống phi thường và không chấp nhận một kết cục "chẳng ra gì", chị Tú Nữ đã chiến thắng được bệnh lao sau hơn một năm kiên trì điều trị. Khi sức khỏe dần hồi phục, chị bắt đầu làm công việc của một tuyên truyền viên. Bỏ qua tất cả những lời dị nghị, sự khinh rẻ và né tránh của mọi người, chị  hăng hái tham gia vào các hoạt động xã hội, giúp đỡ những cụ già neo đơn, trẻ em tàn tật... Và trong các chiến dịch tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS của địa phương, chị tự tin nói về căn bệnh của mình, cùng những đau đớn, tủi nhục của những bệnh nhân HIV khi bị xã hội xa lánh...  Để rồi, từ việc chẳng ai dám đến gần, thì nay căn nhà nhỏ của chị đã nhộn nhịp tiếng cười của bà con lối xóm. Họ đến không chỉ để thăm nom, động viên, mà còn để nghe chị giải thích về nguyên nhân lây nhiễm, cách phòng chống căn bệnh HIV.... "Sau khi nghe cô Nữ phân tích, tôi hiểu HIV không thể truyền từ người này sang người khác trong lúc nói chuyện,  hay bắt tay được. Vì thế, chỉ cần biết cách phòng tránh, thì mình có thể sống bình thường với người bị nhiễm HIV" - bà Nguyễn Thị Hạ, hàng xóm của chị Nữ cho biết.

Với phương châm "sống phải cho ra sống", chị Nữ đã chọn cho mình một công việc thực sự có ý nghĩa, chị đã gửi đến mọi người một thông điệp: Dù là ai, mắc bệnh trong hoàn cảnh nào, thì những bệnh nhân HIV cũng cần được yêu thương, chia sẻ, được trao cơ hội để làm lại cuộc đời. Nếu mọi người trong xã hội càng xa lánh, thì họ càng nghĩ quẫn và tìm cách trả thù đời theo hướng tiêu cực. Và, giá như ai cũng chọn cách bao dung, rộng lượng như chị Tú Nữ, thì có lẽ căn bệnh HIV sẽ không đến mức đáng sợ như thế.   

Bài, ảnh: MỸ HOA

.