Vần thơ thắm đượm tình quê

09:10, 08/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau tập thơ “Xuân quê hương”, Câu lạc bộ thơ họ Phạm Quảng Ngãi tiếp tục trình làng tập thơ thứ hai với nhan đề “Miền nhớ”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2022. Tập thơ "Miền nhớ" đưa bạn đọc trở về với miền quê thân thương, với gia đình và tình yêu đôi lứa qua những vần thơ mộc mạc, sâu lắng...
[links()]
 
Tập thơ “Miền nhớ” có 124 bài thơ của 45 tác giả. Tập thơ đa dạng về đề tài nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là đề tài tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, tình yêu đôi lứa. Các bài thơ đậm chất nhân văn, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
 
Nỗi nhớ quê hương được các tác giả thể hiện theo cách riêng của mình. “Mấy mươi năm xa biệt quê hương/ Lòng chẳng thể nguôi ngoai nỗi nhớ/ Có lẽ tôi suốt đời mắc nợ/ Nơi chôn nhau cắt rốn... tuổi thơ” (Hương Đài - Tìm về).
 
Còn với Thanh Hải thì về quê ủ lại tình thương: “Em đã về xin ủ lại tình thương/ Nơi cắt rốn chôn nhau ngày thơ bé/ Vùng tuổi ngọc một thời nơi quê mẹ/ Thả hồn ru... nghe nhịp đập của quê mình”. (Thanh Hải - Về lại quê hương).
 
Với tình yêu quê hương, các tác giả mong muốn được quay về với cội nguồn: “Tìm về ngâm khúc hồi hương/ Giọng quê khúc hát quê hương cội nguồn” (Phạm Dương - Hồi hương). Phạm Ngọc Cư lại tìm về nguồn cội của tộc họ: “Phạm gia thọ chiếu sức triều đình/ Ấn kiếm vương phong chức lãnh binh/ Xứng bậc anh hùng trai đất Việt/ Nêu trang dũng sĩ nước non mình” (Ngọc Cư - Hoài niệm)
 
Đọc những câu thơ trên, người đọc như lắng lòng mình theo từng dòng thơ của các tác giả và như gặp lại chính mình. Tình yêu quê hương, đất nước còn được thể hiện một cách sinh động trong các bài thơ “Nơi miền xứ lạ” (Thanh Lương), “Trở về cố hương” (Phạm Tuấn Hải), “Một chút tình quê” (Phạm Minh Hòa), “Khúc ca Quảng Ngãi” (Phạm Bá Hối)... Lời thơ chân thật, mộc mạc, nhưng thiết tha, lôi cuốn bạn đọc.
 
Tình yêu quê hương trong “Miền nhớ” gắn liền với tình yêu gia đình. Các tác giả đã dành những câu thơ trân quý nhất để viết về đấng sinh thành. “Lời ru còn ngọt quay nôi/ Gió mây nào rẽ đường ngôi... đi về” (Phạm Thảo - Niệm khúc tháng mười).
 
Hay như “Vai gầy mẹ gánh nỗi đau/ Bốn mùa mưa nắng dãi dầu tuyết sương/ Làm cây mẹ đứng bên đường/ Làm thân che mát tình thương cho đời” (Phạm Bá Nam- Mẹ tôi). “Chiều trở gió lòng con thương nhớ/ Nghĩ về cha một thuở xa rồi/ Nụ cười luôn nở trên môi/ Nắng mưa luôn cõng khứ hồi gian nan” (Hoàng Diễm - Cha), “Chẳng thể nào kể hết về cha/ Một đời gian truân cho đến ngày già/ Nắng táp mưa sa bom cày đạn xới/ Trọn gánh hai vai nợ nước tình nhà” (Phạm Tấn Đường - Tình cha). Những câu thơ viết về đấng sinh thành của các tác giả thấm đẫm sự nhớ thương, lòng biết ơn và niềm tự hào.
 
Qua tập thơ "Miền nhớ", bạn đọc dường như thấy bóng dáng mình trong các bài thơ viết về tình yêu đôi lứa, đó là những phút giây hoài niệm, lưu luyến... “Nỗi nhớ đầy vơi tuổi xế chiều/ Nay về tìm lại chút hương yêu/ Bao năm bến cũ con đò vắng/ Trà Khúc vương màu tím cô liêu” (Nguyễn Mậu Công - Em về bến cũ).
 
“Em đi đông mấy mùa dài/ Anh đem nỗi nhớ ra mài vấn vương/ Em đi cách mấy dăm trường/ Anh mang lưu luyến dệt hương gửi trời” (Trần Thu Hà -Lục bát cho người).
 
“Còn nhớ ngày xưa, em hẹn anh/ Dưới gốc đào tiên trái trĩu cành/ Hai đứa nâng niu từng cánh lá/ Giờ đợi nơi này chỉ bóng anh” (Phạm Hoàng Nhân - Tiễn em).
 
Có tác giả viết về tình yêu bằng những hình ảnh thân quen để ví von, ẩn dụ: “Đông lại về ngõ quê/ Tin em xa vời vợi/ Con ngõ xưa ngóng đợi/ Ngày em quay trở về” (Bá Hoành- Đông về). Có tác giả thể hiện ở sự giằng xé về tâm trạng của nhân vật trữ tình: “Ta bóng đêm/ Em bình minh rực sáng/ Thiên thạch về đâu, vũ trụ vô cùng.../ Ta nghe thấy/ Tiếng em cười ngạo nghễ/ Và/ Bên chân mình bọt nước cũng tan theo...” (Trần Hữu Sơn- Bọt tình)... Với thủ pháp ẩn dụ, những câu thơ trên khiến người đọc chạnh lòng, bởi mấy ai trong cuộc đời mà không rơi vào tình cảnh ấy.
 
Tập thơ “Miền nhớ” của Câu lạc bộ thơ họ Phạm Quảng Ngãi đã chạm đến cung bậc cảm xúc của người đọc, chuyển tải những điều muốn gửi gắm, sẻ chia với dạt dào tình cảm nhớ thương, xao xuyến.
 
PHẠM VĂN HOANH
 

.