Cuộc hòa huyết vĩ đại

11:02, 28/02/2022
.

(Baoquangngai.vn)- Hoàng đế Lê Thánh Tông - chúng ta muốn gọi ngài như vậy, thay vì chỉ gọi là Vua Lê Thánh Tông. Nguyên do bởi công lao của ngài quá lớn đối với nước Việt chúng ta. 

[links()]

Đó là con người “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” theo nghĩa cao đẹp nhất của những từ này. Gần như trong mọi lĩnh vực trị nước, Lê Thánh Tông đều thực hiện một cách quá xuất sắc. Theo cách nói bây giờ về một người lãnh đạo quốc gia, thì đó là một lãnh đạo thiên tài.

Là dân Quảng Ngãi, tôi quan tâm nhất tới Hoàng đế Lê Thánh Tông ở lần ông đưa 26 vạn quân, cả đường thủy và đường bộ, tiến vào đất Quảng Ngãi để chinh phạt vương quốc Chiêm Thành của Vua Trà Toàn ở kinh đô Đồ Bàn.

Con cháu tộc họ Lê dâng hương tưởng niệm vua Lê Thánh Tông tại Vạn Tường (Bình Sơn)
Con cháu tộc họ Lê dâng hương tưởng niệm vua Lê Thánh Tông tại Vạn Tường (Bình Sơn)

Bài học mà Trà Toàn dự kiến sẽ dạy cho người Việt nhưng chưa thực hiện được thì đã phải dạy cho chính mình, bằng cách khiến đại quân Việt do Hoàng đế Lê Thánh Tông thống lĩnh thân chinh tiến vào miền Trung, mà điểm tập kết chính là Vạn Tường (đó là tên sau này dân đặt để ghi nhớ lời hô vang dội của hàng vạn quân sĩ trước chủ soái của mình), thuộc xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bây giờ.

Sử sách đã nói rất nhiều, rất rõ về những trận đánh và chiến thắng tuyệt đối của đạo quân Hoàng đế Lê Thánh Tông, nhưng tôi muốn nhìn thắng lợi của cuộc chiến ngắn ngày này ở một khía cạnh khác, một thắng lợi khác của hòa bình, không phải của chiến tranh, một thắng lợi âm thầm, trải qua nhiều năm tháng, nhiều thập kỷ, nhiều thế kỷ. Và tuyệt đối hơn chiến thắng trong một trận đánh.

Đó là một cuộc hòa huyết vĩ đại giữa người Chàm và người Việt, diễn ra không chỉ ở Quảng Ngãi, ở miền Trung, mà còn ở miền Bắc Việt Nam.

Khi tôi nghe lại điệu hát sắc bùa vốn là điệu hát của người Mường ở miền Bắc, khi vào miền Trung, vào Quảng Ngãi quê tôi đã có những biến điệu nào mới không, tôi chợt thấy, đầu tiên là sự xuất hiện chiếc trống vỗ, chiếc trống Paranưng của người Chàm. Đội hát sắc bùa gồm 12 nam thanh nữ tú đến từng nhà mừng Xuân, chúc mọi điều tốt đẹp cho gia chủ. Ý nghĩa thì sắc bùa của người Mường ở miền Bắc, sắc bùa của người Quảng Ngãi ở miền Trung đều giống nhau. Nhưng nhạc cụ thì có hơi khác. Và cái khác ở nhạc cụ trống vỗ tạo nên vẻ rộn rã hơn cho sắc bùa Quảng Ngãi hay Quảng Nam. Sự “hòa huyết nhạc cụ” đã tạo cho sắc bùa miền Trung một sắc thái, và đó chính là “đứa con của hai dòng máu” trong âm nhạc như chúng ta thường nói.

Khi những binh lính của Lê Thánh Tông ở lại cùng những lưu dân người Việt từ Nghệ Tĩnh đi vào khai khẩn đất hoang, tìm sinh kế trên mảnh đất  

Quảng Ngãi, những người đàn ông Việt đã gặp những người phụ nữ Chàm sau những tháng ngày lao động trên đồng ruộng, trên các bãi  sông, dưới chân những Tháp Chàm ấm áp:

“Một chàng trai sáu trăm năm trước

   một cô gái sáu trăm năm trước

   vật vã trên bãi sông Trà

   gió mơn man da thịt

   mùi bắp non mùi rong rêu, mùi bùn, mùi nước sông

   ngai ngái

   đằm đằm trai gái hoang sơ

   những cú xoay mình

   những tiếng rên bất chợt

   tôi nghe từ sáu trăm năm trước

   một giai điệu quen

   một bài hát không lời

   sáu trăm năm hay sáu nghìn năm

   mùi ân ái trong đêm vẫn thế

   cái mùi quen quen như thể

   nó làm nên Quảng Ngãi» (Trường ca chân đất- Thanh Thảo)

 

Những chàng trai Việt, cô gái Chàm ấy là tổ tiên của chúng tôi. Có lần nói chuyện với một nhà dân tộc học quan tâm sâu tới đề tài này, ông đã nói với tôi : «Người Quảng Ngãi các anh có tới mấy chục phần trăm dòng máu Chàm. Điều này có thể nhận ra từ nhân thể học, từ lịch sử, từ những ngôn, từ Chàm cổ bây giờ còn sót lại nơi cư dân tỉnh này»

Tôi tin điều đó. Bản thân tôi, khi tìm hiểu sâu hơn về bên ngoại, dù họ tổ là họ Trần, nhưng tôi biết, họ tổ của mình đã từng có hòa huyết Việt-Chàm. Tôi giống mẹ. Như thế, trong máu tôi vẫn có những phần trăm của dòng máu người Chàm từ bên ngoại, từ những tháng năm đoàn quân và lưu dân Việt vào Quảng Ngãi này. Cuộc hòa huyết vĩ đại ấy xảy ra qua biết bao đời, xảy ra trong yêu thương, hòa bình, không hề cưỡng ép:

«Tôi kính dâng lên tổ tiên mình

    chiếc bát mẻ nằm lặng bên chân Tháp

    cái bát người con trai Việt

    lăn lóc tìm cặp mông người con gái Chàm

    như tìm nơi trú ngụ» (Trường ca chân đất-Thanh Thảo)

Cái bát mẻ ấy, tôi đã nhìn thấy rõ ràng khi đoàn khảo cổ về Sơn Tịnh khai quật và tìm thấy ở bên dưới một chân tháp Chàm nay đã mất phần thân tháp. Đó là cái bát đất nung của người Việt.

Trong những tháng năm cuộc hòa huyết âm thầm diễn ra ở miền Trung, ở Quảng Ngãi quê tôi, thì nó cũng diễn ra âm thầm không kém, hồn nhiên không kém ở vùng đất Sơn Tây chỉ cách Thăng Long mấy chục dặm. Nơi đó, từ thời Hoàng đế Lê Thánh Tông, đã có rất nhiều tù binh người Chàm bị bắt về từ các trận đánh ở miền Trung, ở Quảng Ngãi, và được «an trí» ở xứ Đoài. Dĩ nhiên, họ được tự do sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất mới, được tìm hiểu và kết hôn với phụ nữ xứ Đoài mà không bị một ngăn cấm nào. Qua bao nhiêu đời, vùng đất xứ Đoài ấy không chỉ biết dùng đá ong để xây nhà, xây giếng nước ăn, mà điều này mới thú vị: Giọng nói của người xứ Đoài có màu âm là lạ.

Ngày còn nhỏ tôi học ở trường học sinh Miền Nam, khu Chương Mỹ, Hà Đông, chủ nhật bọn trẻ chúng tôi thường đi bộ dọc sông Đáy đi ngược khoảng 5 cây số thì tới những vườn ổi của người dân Sơn Tây. Chúng tôi lên đó hái ổi ăn, tha thẩn trong vườn ổi, và gặp gỡ bà con bản địa, chuyện trò với cô bác ở đó. Chúng tôi rất ngạc nhiên vì giọng nói của «người vườn ổi», họ phát âm không có dấu, kiểu như : «Ban cho chau hai háo» ( bán cho cháu hai hào). Chúng tôi khi đó là trẻ con, đâu có hiểu vì sao họ phát âm hơi khác như vậy. Mãi sau này, khi đã trưởng thành, đã hiểu nhiều chuyện, chúng tôi mới đoán: Những người quê xứ Đoài chúng tôi gặp hồi ấy, họ là người Việt có pha dòng máu Chàm. Họ là kết quả từ bao nhiêu đời trước của những cuộc hòa huyết trên đất Sơn Tây. Và những ông cố tổ tiên của họ chính là những tù binh người Chàm đã được Hoàng đế Lê Thánh Tông trả tự do và cho an cư ở vùng đất Sơn Tây.

Như thế, «Cuộc hòa huyết vĩ đại» không chỉ diễn ra ở miền Trung Việt Nam, ở Quảng Ngãi quê tôi, nó còn diễn ra ở vùng đất Sơn Tây, nơi miền «xứ Đoài mây trắng lắm» (thơ Quang Dũng). 

Chúng ta biết, đá ong là vật liệu xây dựng chủ yếu của người Chàm, bây giờ còn lưu dấu nơi những ngôi nhà lá mái được dựng lên bằng đá ong và lợp bằng đất sét ở bờ bắc sông Trà. Những ngôi nhà lá mái ấy cũng còn khá nhiều ở Bình Định, gần cố đô Đồ Bàn. Tôi đã từng đi khảo sát những ngôi nhà lá mái ở bên bờ sông Trà, đã viết về những ngôi nhà độc đáo này, nên tôi biết.

Có rất nhiều người từng đi du lịch tới làng Đường Lâm ở Sơn Tây, hẳn đã thấy những ngôi nhà cổ ở đây xây tường đá ong, đã uống những giếng nước ở đây mà thành giếng, lòng giếng được lót bằng đá ong nguyên chất. Kỹ thuật dùng đá ong làm vật liệu xây dựng ấy, có thể xuất phát từ những tù binh Chàm định cư ở đất Sơn Tây, vùng đất có rất nhiều núi đá ong.

Đá ong và giọng nói góp phần giúp cho chúng ta hình dung về «Cuộc hòa huyết vĩ đại» diễn ra chỉ cách kinh thành Thăng Long không quá xa.

Bây giờ, nghệ thuật, âm nhạc và thơ có thể viết về «Bản trường ca hòa bình» này cho con cháu chúng ta hiểu hơn về những gì đã diễn ra hơn nửa thiên niên kỷ trước. 

Cách đây đúng 10 năm, tôi đã viết được bản trường ca dâng lên miền đất Quảng Ngãi quê tôi, nhan đề «Trường ca chân đất». Nhưng trước đó nhiều năm, tôi đã không biết bao lần nghe ca khúc «Tiếng trống Paranưng» của nhạc sĩ Trần Tiến, một người quê ở Xứ Đoài, Sơn Tây. Ca khúc nầy đã khiến tôi như mê đi trong giai điệu, nhịp điệu và sắc điệu Chàm của nó. Còn với nhà thơ Quang Dũng cũng quê Xứ Đoài, tôi xin được gọi ông là một thiên tài. Thơ ông đã khiến nhiều thế hệ người Việt ở miền Bắc, người Việt có dòng máu Chàm ở miền Trung và miền Nam mê đắm. 

Hôm nay, tưởng nhớ Hoàng đế Lê Thánh Tông vĩ đại, xin có những suy nghĩ mạo muội này. Đất nước chúng ta mở về phương Nam, nhưng hòa huyết của tình yêu thì diễn ra ở cả miền Nam, miền Trung và miền Bắc.

 
                                          Ngày 26/1(âm lịch) năm Nhâm Dần, 2022 
                                                                   THANH THẢO           
          
 
   

.