Cai bạ Quảng Ngãi làm Chánh sứ đi Xiêm 200 năm trước

09:02, 27/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ có mối thâm tình từ trước, nên khi lên ngôi, vua Gia Long luôn giữ mối bang giao tốt đẹp với nước Xiêm (Thái Lan). Sang đầu thời Minh Mạng, như để tiếp nối tình hữu nghị đó, ngay từ năm Minh Mạng thứ 3 (1822), tức cách đây đúng 200 năm nhà vua đã cử một đoàn sứ đi Xiêm, lấy Cai bạ Quảng Ngãi làm Chánh sứ.
 
Mối bang giao Việt - Xiêm đầu thế kỷ 19
 
Lịch sử từng ghi chép về việc Nguyễn Ánh từng lưu vong nhiều năm ở đất Xiêm và được vua Xiêm luôn ưu ái, giúp đỡ. Vì vậy, ngay sau khi lên ngôi không bao lâu, vào tháng 2 năm Gia Long thứ 2 (1803), nhà vua sai Cai cơ Nguyễn Văn Huấn và Cai đội Mai Văn Hiếu đi sứ sang Xiêm, tặng cho vua Xiêm (gọi là Phật vương) và Nhị vương, cùng các bề tôi vua Xiêm nhiều vàng bạc, thổ sản.
 
Kể từ ngày đó trở đi, mối bang giao với Xiêm ngày càng gắn bó. Chỉ riêng thời vua Gia Long, các vua Xiêm đã cử hàng chục đoàn sang dâng quốc thư, voi, cùng nhiều phương vật cho vua Gia Long, cũng như báo tang khi vua Xiêm trước bị mất. Để đáp lễ, vua Gia Long liên tiếp cử các sứ thần sang Xiêm vào các năm 1804, 1807, 1808, 1809... cho đến khi băng hà. Những cuộc qua lại đầy hữu hảo này được ghi khá rõ trong “Đại Nam thực lục”, “Quốc triều chính biên toát yếu”, “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”.
 
Khi vua Minh Mạng lên ngôi (1820), sứ thần nước Xiêm cũng vâng lệnh vua Xiêm mang lễ vật sang chúc mừng, gồm có bạch đàn, trầm hương, lĩnh, gấm... Vua Minh Mạng cũng tặng lại cho sứ thần 3 chiếc áo ngắn hẹp tay, 3 bức chiếu dài trải điện, cho tiếp 9 mâm cỗ, và cũng gửi tặng cho Phật vương 50 lạng vàng, 600 lạng bạc. Và, để tỏ tình hữu hảo, những năm sau đó, vua Minh Mạng lại tiếp tục sai các đoàn sứ đi Xiêm đáp lễ. 
 
Đoàn sứ đi Xiêm 200 năm trước
 
Vào ngày Đinh Mão, tháng Giêng, năm Minh Mạng thứ 3 (theo lịch vạn niên là ngày 12/2/1822), nhà vua sai sứ sang Xiêm để “sửa lễ giao hiếu”. Sách “Đại Nam thực lục” đệ nhị kỷ, quyển 13, có ghi: Lấy Cai bạ Quảng Ngãi là Nguyễn Kim Truy làm Chánh sứ, Cai cơ Ngô Văn Trọng làm Phó sứ đi Xiêm. Quà tặng cho vua Xiêm là 3 cân nhục quế, sa, the, trừu, lụa mộc, lụa trắng, mỗi thứ 100 tấm". Sách “Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ”, quyển 136,  còn ghi thêm: Cũng năm này vua xuống chỉ: “Từ nay về sau, sứ thần nước Xiêm đến kinh gặp lễ Ngũ hưởng Nam Giao, sứ thần ấy đều ở trước cửa Tả đoan đợi xe vua để chiêm ngưỡng, ghi để làm lệ lâu dài”. Về việc đi sứ năm này và cả việc định lệ hòa hiếu với Xiêm, cũng được ghi trong “Minh Mạng (Mệnh) chính yếu” và “Quốc triều chính biên toát yếu”. Quả là mối tình bang giao giữa Việt và Xiêm càng thêm hữu hảo.
 
Đường cát Quảng Ngãi từng là quà tặng cho vua Xiêm.  Ảnh: ĐĂNG VŨ
Đường cát Quảng Ngãi từng là quà tặng cho vua Xiêm. Ảnh: ĐĂNG VŨ
Sáu tháng sau, Đoàn sứ do Nguyễn Kim Truy làm Chánh sứ đi đường biển từ Xiêm trở về. Khi Đoàn sứ yến kiến, vua Minh Mạng hỏi tình hình nước Xiêm, Nguyễn Kim Truy đáp rằng: “Nước Xiêm gần nay mất mùa, gạo đắt, dân đói. Phật vương (tức vua Xiêm) không lấy thế làm lo, chỉ thờ đạo Phật thôi”. Nhưng không thấy vua nói gì, chỉ mỉm cười. Không hiểu là vua Minh Mạng có ý gì khi “chỉ cười”, như Đại Nam thực lục, quyển 16, đã ghi. Khi Nguyễn Kim Truy tâu thêm: “Thần qua Hà Tiên, nghe tin giặc biển Chà Và thường ẩn hiện trên mặt biển, cướp bóc thuyền buôn”, nhà vua liền truyền dụ cho Gia Định phái binh đi tuần bắt. Thành thần Gia Định bắt được 7 người, nhưng không giết, cho rằng “giết đám ruồi muỗi ấy cũng là vô ích, chi bằng tha cho về, bảo cho tù tưởng biết mà sợ phục. Sớ dâng vào. Vua cho là phải”. 
 
Chánh sứ Nguyễn Kim Truy là ai?
 
Hiện nay, chúng tôi chưa tìm ra đầy đủ tư liệu về Chánh sứ Nguyễn Kim Truy. Tra trong “Các nhà khoa bảng Việt Nam” (1075 - 1919), do GS Ngô Đức Thọ và các tác giả ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm biên soạn, không thấy tên ông. Có thể ông không đỗ đạc cao, hoặc có thể khi làm quan lại được thay tên khác (như trường hợp Cử nhân Nguyễn Trọng Biện, sau đổi là Nguyễn Hiệp, là người ở huyện Mộ Đức, cũng là Chánh sứ đi Xiêm vào năm 1878, thời Tự Đức, lúc ông đang làm Biện lý Bộ Công). Trong “Đại Nam thực lục”, hành trạng của Nguyễn Kim Truy chỉ được ghi chép từ lúc ông làm Cai bạ Quảng Ngãi cách đây đúng 200 năm và mấy năm về sau.
 
Sử sách có ghi, khi Cai bạ Nguyễn Kim Truy được cử làm Chánh sứ đi Xiêm thì Thiêm sự Binh bộ Lê Đường Anh được cử làm Cai bạ Quảng Ngãi (chức Cai bạ tại các tỉnh trật Chánh tam phẩm; năm 1827 đổi Cai bạ thành Hiệp trấn, năm 1831- 1832 đổi Hiệp trấn thành Bố chánh). Khi Nguyễn Kim Truy đi sứ về, ông được cử làm Hiệp trấn Nghệ An. Nhưng chỉ đến tháng 9 năm Minh Mạng thứ 3 (1822), nghĩa là chỉ 3 tháng sau khi từ Xiêm về, ông bị phạt bổng 9 tháng, cùng án kỷ luật với các quan chức ở tỉnh Nghệ An, do “giặc trộm” nổi lên ở huyện Thanh Chương, làm Cai đội Phạm Văn Định bị giết chết (Trấn thần Nguyễn Văn Xuân và Nguyễn Hữu Bảo bị giáng một cấp; Phó vệ úy Nguyễn Văn Minh cũng bị cách chức, lại còn bị xử trượng, rồi bị đóng gông 3 tháng). Đến tháng 3 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), Nguyễn Kim Truy cùng Trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Xuân bị triệu về kinh. Vua truy vấn chuyện dân chết đói ở Nghệ An, quở trách Nguyễn Văn Xuân lẫn Nguyễn Kim Truy, nhưng lại tha cho cả hai, vì thấy cả hai đều già yếu.
 
Đến tháng 5 cùng năm, Nguyễn Kim Truy được điều chuyển vô làm Hiệp trấn Hà Tiên, và đến tháng 7 năm Minh Mạng thứ 7 (1826), Hiệp trấn Hà Tiên Nguyễn Kim Truy mất.
 
NGUYỄN ĐĂNG VŨ
 
 
 

.