(Báo Quảng Ngãi)- Về huyện trung du Nghĩa Hành nghe hát dân ca, bài chòi mà cảm thấy khoan khoái trong lòng. Có lẽ vì thế mà nhiều người cả đời vẫn cứ đam mê với làn điệu dân ca, bài chòi.
[links()]
Da diết làn điệu bài chòi
Anh Hà Thanh Quang, cán bộ Phòng VH - TT huyện Nghĩa Hành bảo rằng, nghe hát dân ca, bài chòi cũng giống như trở về với cội nguồn, với những gì vốn rất gần gũi, thân thương trong cuộc sống. Lắng nghe và cảm nhận từng câu chữ của dân ca bài chòi, mộc mạc như chính người dân quê, thế mà da diết, sâu lắng đến vô cùng. Tình người, tình quê... qua từng làn điệu dân ca, bài chòi cứ thế mà đi vào lòng người một cách rất tự nhiên.
Hội viên Câu lạc bộ Dân ca - Bài chòi huyện Nghĩa Hành duy trì sinh hoạt, tập luyện thường xuyên. |
Hát bài chòi, thưởng thức bài chòi, vậy mà thấy nhiều anh chị ngân ngấn nước mắt. Đó là khi anh Nguyễn Vĩnh Phúc - Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Nghĩa Hành, Chủ nhiệm CLB Dân ca - Bài chòi, hát bài “Gửi lòng con đến cùng Cha” của tác giả Thu Bồn. “Có người thợ dựng thành đồng/ Đã yên nghỉ tận sông Hồng, mẹ ơi/ Con đi dưới một vòm trời/ Đau thương nhưng vẫn sáng ngời lòng tin/ Đã ngừng đập một quả tim/ Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng/ Nỗi đau vô tận thời gian/ Nhớ thương nhưng chớ lệ tràn đẫm mi...". Anh Phúc cho biết, đây là tác phẩm đã trở thành bất hủ của thể loại bài chòi. Bài này nhà thơ Thu Bồn sáng tác khi Bác Hồ vừa mất, năm 1969. Đã mấy mươi năm rồi, cứ mỗi lần anh Phúc hát bài này là nước mắt lại chực trào. Và rồi, anh lại ngân nga bài hát "Gương sáng cụ Huỳnh" do anh chuyển thể bài chòi từ ý thơ của Sinh Dân: "Sông Thu con nước hiền hòa/ Sông Tiên chảy ngược - ấy là sông Tiên/ Cụ Huỳnh - tức hiệu "Mính Viên"/ Thiếu thời học chữ thánh hiền tinh thông...".
Dân ca, bài chòi, đặc biệt là bài chòi Trung Trung Bộ có sức hấp dẫn đến kỳ lạ một khi đã cảm nhận được cái hay, cái gần gũi, chân quê, thâm thúy của thể loại này. Cũng bởi vì thế mà từ cháu bé 9 tuổi cho đến cụ già 84 tuổi vẫn đều đặn cùng các hội viên CLB Dân ca - Bài chòi huyện Nghĩa Hành tập luyện, biểu diễn. Ông Phạm Dũng (61 tuổi), ở thôn Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), dù nhà ở xa, công việc đồng áng bận rộn, nhưng dường như không vắng buổi sinh hoạt nào. “Dân ca, bài chòi làm cho con người trở nên đằm thắm, yêu quê hương, yêu đất nước... Lúc nhỏ, tôi thường nghe các cụ hát bài chòi, đến giờ vẫn còn mê lắm”, ông Dũng nói. Dù trời đã tối muộn, nhưng ông Dũng vẫn nán lại để ca cho mọi người nghe bài “Đông Tín quê tôi”, có vậy mới thỏa lòng...
Gửi chút tình quê
Các thành viên trong CLB Dân ca - Bài chòi huyện Nghĩa Hành chia sẻ rằng, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo huyện, thì anh Nguyễn Vĩnh Phúc là người “gây men” cho phong trào hát dân ca, bài chòi trên địa bàn. Anh Phúc là một trong số rất ít người ở Quảng Ngãi được đào tạo bài bản đối với thể loại dân ca từ thời còn tỉnh Nghĩa Bình. Anh tốt nghiệp trung cấp dân ca khóa I, Trường Văn hóa - Nghệ thuật Nghĩa Bình (1979 - 1982), sau đó về công tác trong ngành văn hóa ở huyện Nghĩa Minh, rồi đi bộ đội, tham gia Đội tuyên truyền lực lượng vũ trang của tỉnh...
Anh Phúc đã gắn cuộc đời mình với nghệ thuật dân ca, bài chòi. Sáng tác, dàn dựng và đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh biểu diễn, từ lúc còn trai trẻ cho đến giờ, trong anh vẫn một niềm đam mê tha thiết với làn điệu dân ca, bài chòi. Bởi vậy, anh vẫn cứ đau đáu việc giữ gìn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật dân gian này, đặc biệt là khi nghệ thuật bài chòi Trung Bộ đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.
Vậy là ước nguyện của anh Phúc, của anh Hà Thanh Quang cùng với nhiều người dân ở huyện Nghĩa Hành đã thành hiện thực khi CLB Dân ca - Bài chòi huyện được thành lập. Từ đây, làn điệu dân ca, bài chòi sẽ được truyền dạy cho thế hệ trẻ, để giữ gìn và phát huy. Anh Phúc đã gửi tặng chúng tôi tập tư liệu "Một số làn điệu dân ca - bài chòi Trung Trung Bộ” do anh và anh Hà Thanh Quang cất công sưu tầm, biên soạn. Vào dịp tết Dương lịch 2022, CLB sẽ tổ chức biểu diễn chào đón năm mới và ra mắt tập tư liệu này, trong đó có rất nhiều bài hát dân ca, bài chòi từ cổ chí kim. "Tập tư liệu này coi như là gửi chút tình quê đến với mọi người. Chúng tôi sẽ tiếp tục sưu tầm, sáng tác để làm phong phú làn điệu dân ca, bài chòi và sẽ phối hợp để truyền dạy cho học sinh ở các trường học", anh Phúc chia sẻ. Việc ghi chép và truyền dạy là cách để những làn điệu dân ca, bài chòi mãi ngân vang trên vùng đất trung du Nghĩa Hành.
Bài, ảnh:
Phương Lý