Lắng đọng cùng "Xuân quê hương"

04:01, 11/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tập thơ “Xuân quê hương” của Câu lạc bộ thơ họ Phạm Quảng Ngãi, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành mới đây, đã mang đến cho công chúng yêu thơ cảm xúc sâu lắng về tình yêu và mùa xuân, đặc biệt là tình yêu quê hương dạt dào trong mỗi vần thơ.  
 
Tập thơ “Xuân quê hương” có sự góp mặt của 42 nhà thơ, với 145 bài thơ, chủ yếu viết về tình yêu và mùa xuân. Đọc “Xuân quê hương”, ta nhận thấy ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, đậm chất trữ tình của những người từng trải bao sóng gió cuộc đời. Tình yêu quê hương được diễn tả bằng những câu thơ sâu lắng: “Anh lại về với sông Vệ thân thương/ Đò Ngọc Dạ chỉ còn là ký ức/ Cây ngủ ngày có đêm đêm thao thức/ Mà đường quê xanh mát tháng năm?” (Về với Vệ giang - Hương Đài). Câu hỏi tu từ trong đoạn thơ trên nhấn mạnh sự tiếc nuối, những nỗi niềm thương nhớ, kỷ niệm chia xa của tác giả đối với quê hương. Vì cuộc sống mà nhiều người phải xa quê. Ở nơi đất khách quê người, họ vẫn canh cánh trong lòng về hình bóng quê nhà: “Lâu quá chưa về thăm cố hương/ Day dứt lòng ta bao nhớ thương/ Không ngăn sông núi sao xa cách/ Tình quê lắng đọng kẻ tha hương” (Cố hương - Phạm Văn Hoanh).
 
Xa quê, nhớ quê, làm cho lòng người thêm đau đáu khi ngoái nhìn về một miền quê bình yên, ấm áp của ngày xưa: “Ta bỏ lại tình nhà bên gốc rạ/ Vào phương Nam vùng đất gọi mời/ Mai xa quê lòng sẽ nhớ em ơi/ Lưỡi cày xé mảnh đất cằn loang loáng”(Gửi lại tình quê - Phạm Ngọc Dũ). Sự mượt mà và giàu hình tượng của những câu thơ trên, góp phần đem đến cho tập thơ “Xuân quê hương” sự sinh động, lột tả được những điều muốn nói, gửi cảm xúc của trái tim tác giả đến người đồng cảm. 
 
Những hoài niệm nhẹ nhàng, man mác, tưởng như gió thoảng mà nó lưu giữ suốt một đời người. Những kỷ niệm của một thời thương nhớ tưởng dễ phai nhưng cứ âm ỉ cháy hoài trong hồn thơ các anh. “U hoài sông chảy về đâu/ Trà giang thương nhớ, nặng sâu ân tình/ Hà Nhai đầy ắp mộng tình/ Hàng cây năm cũ chùng chình dấu xưa” (Với dòng sông Trà - Hoàng Thân). Yêu quê hương tha thiết, nhiều tác giả luôn mong muốn được quay về với cội nguồn, với cha mẹ. Điều đó được thể hiện một cách sinh động trong các bài thơ “Về lại Dốc Chò” (Nguyễn Mậu Công), “Hãy về Quảng Ngãi cùng anh” (Phạm Tấn Đường), “Nhớ Vệ giang” (Phạm Nhật Linh), “Về với quê mẹ” (Phạm Thanh Lương), Mẹ (Phạm Ngọc Cư)... Tình cảm quê hương trong những bài thơ này chân thật, mộc mạc nhưng mãnh liệt, thiết tha nên có sức lôi cuốn người đọc.
 
Trong “Xuân quê hương”, bên cạnh tình yêu quê hương và gia đình, thì các bài thơ viết về tình yêu lứa đôi cũng chiếm số lượng tương đối nhiều. Tình yêu lứa đôi với những hoài niệm man mác buồn: “Đêm hẹn hò anh làm rớt nụ hôn/ Anh vô tình hay em may mắn?/ Em hối hả nhặt trong sương ướt/ Ngọt ngào nào hơn vết sướt đầu tiên” (Cho anh - Phạm Thị Thùy Vân). Hay như “Nghĩa cũ tình xưa đành giấu kín/ Chôn sâu vào chốn thẳm tuyền đài” (Thuyền xa - Phạm Liên Liên). Có điều dễ nhận thấy trong tập thơ này là tình yêu lứa đôi có mối quan hệ mật thiết với mùa xuân: “Em ơi xuân đã về chưa/ Ta nghe nắng ấm như vừa sang đây/ …Và trong ánh mắt một chiều/ Con tim ta cũng trót xiêu chữ tình” (Con tim mùa xuân - Phạm Thảo).
 
Mùa xuân trong tập thơ “Xuân quê hương” bình dị, thanh thoát, thắm đượm tình quê hương, đất nước. Đọc các bài thơ: “Mỗi độ xuân về” (Phạm Đông Hưng), “Dáng xuân qua” (Phạm Nhật Linh), “Xuân nồng” (Phạm Hồng My), “Vui Tết” của Phạm Bá Hối... ta sẽ thấy được những tình cảm quê hương trân quý mà các tác giả đã gửi gắm vào thơ.
 
Mỗi tác phẩm trong tập “Xuân quê hương” viết về tình yêu và mùa xuân với một phong cách riêng. Nhưng dù là phong cách nào thì tập thơ cũng mang lại cho người đọc cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng.
 
PHẠM VĂN HOANH
 

.