Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm

03:01, 08/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ linh hoạt, đổi mới tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình, nên ngành VH-TT&DL đã đạt mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021. Đây là cơ sở để ngành triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trong năm 2022.
[links()]
 
Chuẩn bị phục hồi du lịch
 
Trong năm 2021, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05 về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025; xây dựng hồ sơ trình HĐND tỉnh thông qua Đề án Đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng Chương trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 165 về phục hồi du lịch tỉnh giai đoạn 2021 - 2023...
 
Cán bộ, học sinh và lực lượng vũ trang tham gia Ngày chạy Olympic được tổ chức vào tháng 3/2021.                     Ảnh: PV
Cán bộ, học sinh và lực lượng vũ trang tham gia Ngày chạy Olympic được tổ chức vào tháng 3/2021. Ảnh: PV
Theo đó trong năm 2022, lộ trình mở cửa, phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh sẽ theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022 mở cửa du lịch nội tỉnh đi theo nhóm nhỏ. Giai đoạn 2 từ tháng 2 đến tháng 5/2022 mở cửa đối với khách nội địa đi theo tour khép kín. Giai đoạn 3 từ tháng 6/2022 trở đi, hoạt động du lịch trở lại trạng thái "bình thường mới" trong điều kiện đáp ứng các tiêu chí an toàn trên phạm vi toàn tỉnh.
 
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa, Sở đang thực hiện các hoạt động nhằm phục hồi và kích cầu du lịch, khuyến khích doanh nghiệp chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, xây dựng tour khép kín nhiều ưu đãi, nhằm đảm bảo cho việc khôi phục, kích cầu du lịch đi đôi với đảm bảo phòng, chống dịch và an toàn cho điểm đến; tập trung đẩy mạnh hoạt động liên kết xúc tiến du lịch, truyền thông quảng bá điểm đến an toàn vào đầu mùa du lịch biển từ tháng 4/2022 phù hợp với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh quảng bá App du lịch và các hình thức quảng bá online, gian hàng trực tuyến và đẩy mạnh truyền thông thương hiệu cho du lịch Quảng Ngãi, xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành du lịch và đặc biệt là tập trung tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công sự kiện sơ kết Diễn đàn hợp tác phát triển du lịch với Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung... Đồng thời, khảo sát, đánh giá và làm mới lại các mô hình du lịch cộng đồng tại Làng du lịch Gò Cỏ (TX.Đức Phổ), Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành), trải nghiệm văn hóa Hrê tại xã Ba Thành (Ba Tơ)... và xây dựng, giới thiệu sản phẩm mới tour trải nghiệm tại Lý Sơn nhằm tạo nét mới, hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch cộng đồng.
 
Sở VH-TT&DL triển khai ứng dụng App du lịch Quảng Ngãi.
Sở VH-TT&DL triển khai ứng dụng App du lịch Quảng Ngãi.
Phát triển thể thao thành tích cao
 
Những năm qua, thể thao thành tích cao của Quảng Ngãi đạt được một số thành tích nhất định. Trung bình, hằng năm tỉnh đã cử gần 500 lượt vận động viên (VĐV) tham gia thi đấu các giải thể thao khu vực, quốc gia và quốc tế. Quảng Ngãi luôn giữ thế mạnh các môn thể thao như boxing, wushu, võ cổ truyền, vovinam, điền kinh. Những môn thế mạnh này luôn nằm trong tốp 10 ở các giải quốc gia.
 
Quảng Ngãi đã đào tạo, đóng góp nhiều lượt VĐV tham gia vào đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia, tham gia các giải quốc tế và SEA Games... Riêng năm 2021, Quảng Ngãi tham gia trên 10 giải thể thao cấp toàn quốc. Hiện có 9 VĐV của tỉnh được triệu tập làm nhiệm vụ tại các đội tuyển, tuyển trẻ quốc gia.
 
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Liên Phương cho rằng, công tác xã hội hóa hoạt động TDTT ở tỉnh ta hiện chưa được đẩy mạnh nên việc đầu tư cho thể thao thành tích cao còn hạn chế. Theo Kế hoạch phát triển TDTT tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, đối với các môn thể thao thành tích cao, hằng năm, tỉnh phấn đấu đào tạo 250 VĐV năng khiếu, 85 VĐV trẻ và 88 VĐV của các đội tuyển.
 
Theo ông Phương, để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, tỉnh cần thực hiện các giải pháp từng bước nâng cao thể thao thành tích cao. Trong đó, tập trung phát triển 3 nhóm môn thể thao, gồm những môn thể thao trọng điểm mà Quảng Ngãi có thế mạnh như võ thuật, điền kinh; những môn có phong trào phát triển rộng như cầu lông, bóng bàn, bơi lội và những môn thể thao dân tộc, các môn thể thao giải trí...
 
Sở VH-TT&DL cũng đã xây dựng Đề án xây dựng Câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, giai đoạn 2022 - 2025. Theo đề án này, quan tâm đào tạo VĐV các tuyến U13, U15, Đội bóng đá trẻ Quảng Ngãi và tham gia thi đấu tại Giải bóng đá hạng Nhì quốc gia. Đồng thời, từng bước đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, sửa chữa sân vận động tỉnh; có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút các VĐV tài năng...
 
Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của đồng bào Hrê (Ba Tơ) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong năm 2021.                           ẢNH: TL
Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của đồng bào Hrê (Ba Tơ) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong năm 2021. ẢNH: TL
Trong năm 2022, Sở VH-TT&DL tiếp tục hướng dẫn các địa phương tiếp tục tổ chức đại hội TDTT các cấp ở cơ sở và tổ chức Đại hội TDTT cấp tỉnh lần thứ VII, tiến tới tham gia Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX. Trong năm 2022, Quảng Ngãi đăng cai tổ chức Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số; Giải Vô địch các Câu lạc bộ Dù lượn quốc gia lần thứ II; Giải Vovinam các đội mạnh toàn quốc; vòng loại giải bóng chuyền các đội mạnh nam nữ toàn quốc; đồng thời xây dựng, tham mưu ban hành nghị quyết phát triển bóng đá tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và định hướng bóng đá chuyên nghiệp. Ngành phấn đấu tham gia 26 đến 28 giải thể thao toàn quốc, đạt từ 100 đến 110 huy chương.
 
Cùng với các hoạt động trên, Sở VH-TT&DL tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy khóa XIX về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh việc đổi mới hình thức thể hiện trong xây dựng các chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày, giới thiệu sách... theo hướng phục vụ online qua fanpage, youtube và sóng truyền hình để thích nghi an toàn với dịch bệnh mà vẫn đảm bảo phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân theo xu hướng mới. Công tác quản lý nhà nước về di tích, di sản cũng sẽ tiếp tục được đổi mới, đẩy mạnh, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, di sản, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và của xã hội.
 
            TRÍ PHONG
 
 
 

.