Gìn giữ linh hồn của làng

02:08, 03/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Được xem là linh hồn, “chứng nhân” của làng nên nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở huyện Nghĩa Hành được người dân giữ gìn. Nhiều cây cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường công nhận là cây di sản.

TIN LIÊN QUAN

“Chứng nhân” lịch sử

Qua bao mùa mưa nắng, thăng trầm của lịch sử, cây đa reo ở thôn Kỳ Thọ Nam 1, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) vẫn xanh tươi, vững chãi. Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận định, cây đa reo này có độ tuổi trên 100 năm. Cây có chiều rộng 2m, cao 30m, tán xòe đến cả sào đất. Cây đa như một "chứng nhân" lịch sử của làng.

Nhiều cây cổ thụ được xem như chứng nhân của làng nên được người dân giữ gìn, bảo vệ.
Nhiều cây cổ thụ được xem như chứng nhân của làng nên được người dân giữ gìn, bảo vệ.

Năm 1930, theo chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Công Phương - Bí thư Huyện ủy đầu tiên huyện Nghĩa Hành, lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên ngọn cây này trong niềm vui sướng tột cùng của quần chúng nhân dân, khi có Đảng lãnh đạo đấu tranh đánh đổ chính quyền thực dân, phong kiến.

Cuối năm 1974, người dân Nghĩa Hành nói riêng và Quảng Ngãi nói chung vui sướng, tự hào với chiến thắng Đình Cương vang dội. Cây đa reo như hòa trong niềm vui của người làng, khi đoàn kết, gan dạ, dũng cảm, mưu trí vùng lên đánh tan quân xâm lược.  

Tại thôn Long Bàn, xã Hành Minh, cây đa cổ thụ của làng được các bậc cao niên ví như một chứng nhân cho những lời thề, lời hứa hẹn của người đi xa. Ông Hà Thanh Quang - chuyên viên Phòng VH&TT huyện Nghĩa Hành, cho biết: Cây có niên đại gần 300 năm tuổi, từ thời Quang Trung – Nguyễn Huệ. Trải qua những biến thiên của lịch sử, cây đa vẫn hiên ngang, sừng sững giữa đất trời.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, cây đa trở thành địa điểm quan trọng của cách mạng. Nơi đây đã từng là trạm quân y, điểm tuyên truyền cách mạng, nơi các chiến sĩ tuyên thệ trước khi lên đường...

Còn cây đa ở đình làng Lâm Sơn, thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân được người làng xem là “chứng nhân” từ thời “khai thiên lập địa” hình thành nên xóm làng. Cây đa này đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản văn hóa từ năm 2014. Cây đa có niên đại hơn 300 năm tuổi, cao 25m, đường kính thân cây khoảng 6,8m, tán xòe rộng gần hai sào đất.

Ông Đoàn Hữu Luật – cán bộ hưu trí có nhà sát bên cây đa kể lại rằng, các cụ cao niên đi trước cho biết, ngày xưa những cư dân đi thuyền bè ngược dòng sông Phước Giang thấy vùng đất có cây đa sừng sững, đất đai ở đây khá bằng phẳng nên chọn nơi đây để lập làng. Theo tháng năm, lớp lớp trẻ con, người lớn trong làng đều gắn bó kỷ niệm của cuộc đời với cây đa cổ thụ. Nhiều người đi xa vẫn nhớ về những kỷ niệm của những tháng ngày vui đùa, hóng mát dưới gốc đa.
 

Những cây cổ thụ không chỉ gắn với các sự kiện lịch sử, tín ngưỡng trong vùng mà còn tạo cảnh quan, môi trường trong lành, bình yên cho các khu dân cư. Đã có 3 cây đa, cây cổ thụ trên địa bàn huyện Nghĩa Hành được công nhận là cây di sản. Trong thời gian đến, huyện tiếp tục lập hồ sơ đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận thêm một số cây di sản, để bảo vệ những cây quý giá này.
Ông Đặng Kim Dũng- Trưởng Phòng VH&TT huyện Nghĩa Hành.

Chuyện “vạn vật hữu linh”

Ở huyện Nghĩa Hành hiện có rất nhiều cây cổ thụ, cây di sản, người dân xem đó như tài sản quý của làng. Theo quan niệm của người Việt, “vạn vật hữu linh”, cây càng lớn bà con càng bảo vệ để bày tỏ sự tín ngưỡng.

Tại thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện có một cây cổ thụ nằm bên vệ đường, dân gian gọi là cây “ngủ ngày”. Mặc dù, thân cây nằm nghiêng, nhiều tán cây ôm lấy con đường nhưng bà con trong khu dân cư không ai dám chặt phá cành.

Ông Văn Dần (78 tuổi), người có tuổi thơ gắn liền với cây "ngủ ngày",  bộc bạch: “Ngày trước, dưới tán cây có một miếu thờ, bên cạnh là trường học của làng. Chiến tranh tàn phá miếu thờ, trường di dời đi nơi khác, chỉ còn lại cây cổ thụ này. Bây giờ, bà con trong làng xem cây như một mảnh hồn làng. Người làng đi đâu, ai hỏi quê chỉ cần bảo ở gần cây “ngủ ngày” là biết”.

Ở thôn Kỳ Thọ Nam 1, xã Hành Đức bà con lại xem cây đa reo như một vị thần linh thiêng đem sự bình yên cho dân làng. Các vị cao niên của làng cho biết, sở dĩ gọi cây đa reo là vì giữa trời quang mây tạnh, nắng chói chang, nhưng bà con vẫn nghe như có tiếng mưa rào, thực chất đó là tiếng lá của cây đa khua vào nhau.

Nhiều người dân sống quanh cây đa kể rằng, năm nào, lá cây reo vui càng nhiều thì có nhiều chim tìm về làm tổ và năm ấy bà con làm ăn khấm khá, mùa màng bội thu. Người làng dưới trưa nắng hè thường dừng chân nghỉ mát dưới tán cây đa reo, chẳng ai dám chặt cành phá cây.

Những câu chuyện, tín ngưỡng gắn liền với cây cổ thụ như mảnh hồn làng ăn sâu trong tiềm thức của người dân. Mỗi khi đến ngày lễ, Tết, hoặc đi làm ăn xa, hay có chuyện quan trọng trong làng, người dân thường đến gốc cây cầu nguyện như một sự chứng giám.

Ông Đoàn Pháp Luật, thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân, kể: Mỗi khi Tết đến, xuân về, người làng thường hay đến gốc cây đa thắp hương cầu nguyện. Điều này cũng góp phần thể hiện tín ngưỡng dân gian, nét văn hóa của người làng.
         

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.