Vui như Đại hội nhà văn

10:07, 17/07/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Đại hội Hội Nhà văn VN lần thứ 9 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 9-11.7. Tỉnh Quảng Ngãi có hai đại biểu chính thức là nhà thơ Thanh Thảo và nhà thơ Phạm Đương (tức nhà báo Trần Đăng). Nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu đi dự đại hội với tư cách khách mời dành cho những nhà văn trên 80 tuổi. Báo Quảng Ngãi điện tử xin giới thiệu ghi chép từ đại hội này của của nhà thơ Trần Đăng.
 
Khác với đại hội lần thứ 8, đại hội lần này là đại hội đại biểu. Để chọn ra 539 đại biểu chính thức trong số hơn 1 ngàn hội viên tham gia đại hội toàn quốc, từ trong tháng 6.2015, Ban tổ chức Đại hội Hội Nhà văn VN đã tiến hành đại hội cấp cơ sở ở các khu vực như TP.HCM và Miền Đông Nam bộ, khu vực miền Trung-Tây nguyên, khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, khối nhà văn quân đội, công an, khối Hội Nhà văn Việt Nam...
 
Chặt chẽ và dân chủ
 
Còn nhớ lần Đại hội 8,  là Đại hội toàn thể với trên 1.000 hội viên nên công tác bầu bán rất ư là... văn nghệ. Có đến 500 đại biểu được đại hội giới thiệu làm ứng cử viên cho Ban chấp hành! Để phiếu được tập trung, đại hội quyết định “lấy phiếu tín nhiệm” để chọn ra trên 50 ứng viên. Thế nhưng, do tổ chức quá luộm thuộm, Ban kiểm phiếu toát mồ hội hột, sau 7 tiếng trần ai mới cho kết quả 15 vị vào Ban chấp hành mới! Một nhà văn có thể cầm trong tay hàng chục lá phiếu để “bỏ phiếu dùm”.
 
Rút kinh nghiệm lần trước, lần này, Ban tổ chức quyết định, mỗi đại biểu dự đại hội đều phải mang thẻ quàng vào cổ, có dán ảnh, đóng dấu của Ban tổ chức. Lực lượng bảo vệ rất hùng hậu, đứng ngay cửa ra vào để kiểm tra, đại biểu nào có thẻ quàng cổ mới được vào. Nhà thơ Thanh Thảo vốn dĩ rất “tự do” xưa nay nhưng cuối cùng ông cũng phải tìm cho được cái thẻ của mình để có thể vào bên trong hội trường dự đại hội.

 

Ban chấp hành Hội nhà văn khóa 9
Ban chấp hành Hội nhà văn khóa IX
 
Đại hội dành nguyên một ngày để bầu Ban chấp hành khóa mới. Đoàn chủ tịch trình một danh sách 20 nhà văn có phiếu tín nhiệm cao trong các lần đại hội khu vực, trong đó có 15 nhà văn của Ban chấp hành cũ (khóa 8) để bầu 15 người vào Ban chấp hành khóa 9. Thế là... nhao nhao phản đối. “Danh sách đó là của các anh (ý nói lãnh đạo khóa cũ), còn chúng tôi có danh sách riêng của chúng tôi”, một nhà văn ý kiến. Cả hội trường vỗ tay. (Vỗ tay cũng có thể là đồng ý nhưng vỗ tay cũng có thể là phản đối, yêu cầu rời bục phát biểu! Trong trường hợp này là đồng ý, ủng hộ). Một “danh sách mới” có đến 38 ứng cử viên để bầu 15 người.
 
Biết là với số lượng như thế rất khó mà bầu cho được 15 người vào Ban chấp hành với số phiếu quá bán. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn khóa 8 tiên liệu được điều này nên ông xin ý kiến đại hội: “Nếu bầu không đủ 15 người, Đại hội có cho phép bầu bổ sung không ạ?”. “Không bổ sung gì cả! Nếu số phiếu quá bán chỉ... một người cũng không bầu lại!”. Thế là... vỗ tay tán đồng. Chưa lần nào mà Đoàn chủ tịch thỏa mãn các yêu cầu của đại biểu như lần này.
 
Cũng để tránh tình trạng lộn xộn như các lần trước, lần này, Ban tổ chức “cắm biển” cho từng khu vực đồng thời dán tên mỗi nhà văn phía sau hàng ghế ngồi! Khi phát phiếu, ông trưởng đoàn chỉ việc nhìn vào sau ghế mà phát phiếu đúng tên nhà văn đó. Phát phiếu xong, đại biểu phải ký vào tờ giấy là “đã nhận phiếu”. Chặt chẽ như thế là cùng! Chưa hết, các đại biểu phải xếp hàng rồng rắn để lên bỏ vào thùng phiếu sau khi gạch tên những ai mà mình không tín nhiệm.
 
Bỏ phiếu xong, có một anh trong Ban tổ chức cầm con dấu đứng sẵn và ụp vào ngay tấm thẻ đại biểu mà nhà văn đang quàng trên cổ hai chữ: “đã bầu”. Khi ra khỏi hội trường, anh nào chưa ụp con dấu ấy có nghĩa là chưa bầu, thì phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình. Vì vậy, mỗi đại biểu chỉ được bầu trên chính lá phiếu của mình, không được bầu thay!
 
Ban kiểm phiếu chỉ mất chừng 2 giờ (thay vì 7 giờ như lần trước) là đã có trong tay Ban chấp hành khóa 9 gồm 6 nhà văn, nhà thơ: Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Trần Đăng Khoa và Nguyễn Bình Phương. Trong 6 vị này chỉ có mỗi Nguyễn Bình Phương là 50 tuổi, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội là gương mặt mới, 5 vị còn lại đều từng là Ủy viên Ban chấp hành khóa 8 với số tuổi trên dưới 70. Hai người dưới 60 là Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa. Trong 6 vị ấy thì có 5 vị nguyên là bộ đội, từng làm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội và một vị nguyên là... công an – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều!
 
Quà cáp và ngủ gật
 
Sau khi đến quày lễ tân trình cái giấy mời dự Đại hội, mỗi nhà văn được nhận một túi quà, trĩu cả tay! Mở ra xem thì thấy toàn là... văn kiện đại hội và một cuốn Tuyển tập lý luận phê bình văn học, to như cái bánh tổ! Nhà thơ Thanh Thảo, vốn dĩ hay “quan tâm” đến chuyện... quà, ông hỏi: “Có gì không?”. Tôi bảo nặng gãy tay nhưng đáng giá nhất là... cái áo thun, có in logo của Hội Nhà văn. Ông bảo “được đấy”, cầm cho anh cái áo thôi, còn thì... tặng lại đại hội. Tôi mở ra xem cuốn tuyển tập lý luận và đọc được bài của nhà lí luận phê bình Mai Bá Ấn của chúng ta. Thế là toại nguyện. Nhà văn Lê Hoài Lương, đoàn Bình Định, sau khi mất ngủ vì uống trà, ông lục trong túi quà ra và đọc hai trang “lý luận”, ngủ khì ngay. Ông nói “hiệu quả hơn uống thuốc an thần”.
 
Với nhà văn Mạc Can (trái), tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Tấm ván phóng dao”
Với nhà văn Mạc Can (trái), tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Tấm ván phóng dao”
 
Đại hội đang bàn việc có nên chốt danh sách còn 20 để bầu 15 hay để nguyên 38 thì có một nhà văn lão thành bổ nhào đánh rầm. Cả đám nhao nhao lo lắng, nghĩ  lão nhà văn này chắc do căng thẳng quá nên đột quỵ. Kẻ lấy dầu, người đánh gió, kẻ gọi xe cấp cứu. Vừa đỡ lão nhà văn dậy, ông đã nói ngay: “Tôi định chợp mắt tí ấy mà, không ngờ ngủ say quá nên đánh gật đấy thôi”. Ông là nhà văn Ông Văn Tùng, dịch giả nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết của văn học Trung Quốc đương đại. Dù bổ “rầm” nhưng trên tay ông vẫn cầm chặt cuốn Tuyển tập lý luận phê bình nọ. Có lẽ ông đang xem cuốn sách này.
 
Đại hội có lắm chuyện vui, ví dụ như có ông nhà văn lên bục dõng dạc: “Tôi xin ý kiến ba vấn đề. Vấn đề thứ nhất là “nhất trí để 38 ứng viên mà bầu”. Cả hội trường vỗ tay la ó đòi đại biểu ấy “xuống, xuống, ý kiến đó thông qua rồi, không nói lại nữa!”. Nhà văn ấy tiếp tục: “Vấn đề thứ 2...”. Ông dừng một lát và... quên mất điều định nói. Thế là ... “xin hết ạ”. Cả hội trường được trận cười no nê!
 
Chuyện vui đại hội nói cả ngày không hết. Nhưng điều mà độc giả yêu văn chương quan tâm không phải là Ban chấp hành mới gồm những ai hay là những chuyện râu ria chung quanh đại hội mà điều quan tâm là tác phẩm của mỗi nhà văn. Ra về, mỗi nhà văn lại đối diện với trên từng trang giấy của mình. Và, vui nhất vẫn là từ đây, họ lại sinh ra những đứa con tinh thần mà không “ngẩn ngẩn ngơ ngơ” như họ từng biểu hiện trong đại hội.
 
Trần Đăng
 
 

.