(Báo Quảng Ngãi)- Đời người ai cũng có một nơi chốn đi về và dòng sông yêu dấu in nhiều kỷ niệm. Dòng sông trôi theo dòng đời trôi để lại nơi đây một trời ký ức.
![]() |
Tập thơ “Ký ức một dòng sông” được Lê Văn Thuận viết với nhiều chủ đề khác nhau nhưng theo cảm nhận của tôi thì tập thơ xoay quanh một chữ “Tình”.
Phần lớn những bài thơ trong tập thơ này, Lê Văn Thuận viết về tình yêu dòng sông như các bài: Về bến sông xưa, Nhớ bờ xe nước, Ký ức một dòng sông, Bến xưa, Bến sông quê... Có lẽ, chính vì vậy mà anh lại chọn tên tập thơ là: “Ký ức một dòng sông”: “…Có một dòng sông/ Tưới tắm hồn tôi/ Ngọt ngào như dòng sữa mẹ/ Tôi lớn lên/ Chợt nhận ra điều mới mẻ/ Lòng mẹ vô cùng như ký ức một dòng sông…” (Ký ức một dòng sông). Dòng sông, con đò, mái chèo... là những thi ảnh thường được các nhà thơ sử dụng để gửi gắm tâm tình của mình với quê hương, xứ sở. Cũng với những thi ảnh đó cùng với biện pháp tu từ “nhân hóa” nhà thơ Lê Văn Thuận đã làm cho câu thơ có “sức bật” và lay động lòng người: “Anh về lại bến sông xưa/ Thăm con đò đội nắng mưa đợi chờ/ Mái chèo khua động câu thơ/ Trôi theo dòng nước lững lờ nỗi mong…” (Bến xưa).
“Tình mẫu tử” là đề tài muôn thuở của thi ca và âm nhạc, do vậy, thơ của Lê Văn Thuận cũng không ngoại lệ. Hình ảnh người mẹ nhọc nhằn, tần tảo được anh khắc họa trong thơ khi đọc lên chúng ta cảm thấy ngùi ngùi: “…Hình như còn dấu lưng nằm/ Trên bờ cỏ ướt ngàn trăm nỗi niềm/ Vai gầy đổ bóng chiều nghiêng/ Chợ xa mẹ gánh lòng riêng vơi đầy” (Lời ru của mẹ).
“Mẹ” bao giờ cũng là biểu tượng cho lòng hy sinh, đức tính chịu đựng vất vả và bao “giông bão” cuộc đời: “…Một buổi chiều cuối năm/ Mẹ ra sông giặt áo/ Giặt bao ngày giông bão/ Cho dòng nước cuốn trôi” (Về bến sông xưa). Lời thơ mộc mạc, chân tình mà chứa đựng một “nội hàm” sâu lắng.
Trong tập thơ này, Lê Văn Thuận có nhiều bài viết về tình yêu quê hương, đất nước thể hiện qua các bài: Anh lính gác nhà giàn, Vòng hoa bất tử, Quê hương tôi, Quảng Ngãi vào xuân… “Tình quê” mang đậm chất hương đồng, cỏ nội mà khi đọc lên ta cảm nhận được “mùi rạ thoang thoảng” hay “hương lúa” thơm lừng: “…Mùi rạ bay thoang thoảng/ Hương lúa thơm đầy đồng/ Giọt mồ hôi rơi xuống/ Đã đến ngày đơm bông” (Mùa về trên thôn quê).
Chữ “Tình” trong “Ký ức một dòng sông” còn thể hiện qua những bài thơ về tình học trò, thầy cũ, trường xưa như: Mùa hoa kỷ niệm, Niềm vui năm học mới, Hè về, Về lại trường xưa, Mùa phượng nở…“Mùa xuân vừa đi qua/ Cánh phượng hồng chớm nở/ Ngắt vội nụ hoa ép vào tập vở/ Giữ lại nơi đây một thuở tuổi học trò” (Hè về).
Hay “Em tô màu hoa phượng đỏ/ Tôi pha màu nắng sân trường/ Bước chân lạc vào lối nhỏ/ Mơ hồ…kỷ niệm còn vương” (Mùa hoa kỷ niệm).
Với cách dùng từ dung dị không hoa mỹ như chính con người của anh, tập thơ “Ký ức một dòng sông” đã để lại trong lòng bạn đọc những cảm giác lâng lâng, những nỗi niềm xúc động.
Phan Bá Trình