Gốm Mỹ Thiện xưa và nay

01:03, 11/03/2013
.

(QNg)- Làng gốm Mỹ Thiện - Châu Ổ (Bình Sơn) là một trong những làng nghề gốm nổi tiếng ở miền Trung Việt Nam. Theo tư liệu văn tế tổ nghề của làng, người khai mở nghề gốm ở đây là ông Phạm Công Đắc và ông Nguyễn Công Ất, quê ở Thanh Hóa vào Quảng Ngãi lập nghiệp từ cuối thế kỷ XVIII và được các thế hệ sau tiếp nối truyền nghề, phát triển liên tục cho đến ngày nay.
 

Đầu Xuân Quý Tỵ 2013 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức trưng bày triển lãm tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi (từ ngày 7-24/2/2013) bộ sưu tập "Gốm Mỹ Thiện - Châu Ổ" với hơn 100 hiện vật tiêu biểu, đặc sắc khai thác từ nguồn Bảo tàng tỉnh và của một số hội viên Câu lạc bộ UNESSCO sưu tầm cổ vật tại Quảng Ngãi đã thu hút được nhiều người đến xem và khen ngợi.

Theo các nghệ nhân kể lại thì trước đây ông Phạm Công Đắc đã sản xuất các đồ ngự dụng tinh xảo cho Chúa Nguyễn, được khen và ban cho sắc phong. Gốm Mỹ Thiện được sản xuất thủ công với kỹ thuật bàn xoay. Nguyên liệu làm gốm là đất sét được lọc kỹ tạp chất. Người thợ vuốt đất trên bàn xoay để tạo dáng cho sản phẩm (gọi là xương gốm). Sau khi sản phẩm đã tạo dáng xong, người thợ dùng dao hoặc cật tre gọt đều để da gốm thêm nhẵn.

 

Để trang trí sản phẩm, người thợ gốm lên những hoa văn đắp nổi hình con cóc, rồng, hoa, nhũ đinh,... Sau đó tạo cắt chân và đưa ra phơi khô rồi đưa vào lò nung. Thời gian nung thông thường là ba ngày ba đêm. Theo kinh nghiệm của người thợ gốm chỉ cần quan sát màu của ngọn lửa trong lò nung, nếu lửa lóe lên màu ánh vàng sáng đều tức là sản phẩm nung đã đạt.

Sản phẩm tượng thờ- Gốm Mỹ Thiện.
Sản phẩm tượng thờ- Gốm Mỹ Thiện.


Kỹ thuật tráng men gốm Mỹ Thiện phải nung qua 2 lửa. Lần nung thứ nhất để tạo cho xương gốm chắc. Lần thứ 2 sản phẩm gốm được nhúng men rồi cho vào lò nung. Khi nung ở nhiệt độ khác nhau sẽ tạo nên sự thay đổi về màu sắc cho mỗi sản phẩm đồ gốm men, đôi khi có những sản phẩm hỏa biến trở thành độc bản vì nghệ nhân không thể làm được cái thứ 2 giống y như vậy.

  Chất lượng đặc trưng nổi bật của gốm Mỹ Thiện là được tạo dáng chắc khỏe, với nghệ thuật đắp nổi cùng kỹ thuật tráng men hấp dẫn với các màu: Men da lươn, men xanh ngọc, men nâu đen, men nâu ánh chì, ... Sản phẩm gốm Mỹ Thiện chủ yếu là gốm gia dụng, với các loại hình: chum, chóe, ghè, hũ, chậu cảnh, nồi, trã, cối tiêu,... Ngoài ra còn sản xuất một số loại hình gốm thờ tự hoặc trang trí như: Tượng thờ, lư hương, nậm rượu, bình hoa, hũ, thạp, tượng động vật, lọ cắm bút,...
 
 Từ lâu, gốm Mỹ Thiện không chỉ có mặt ở Quảng Ngãi mà còn vươn ra các địa phương lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định và ngược lên tận Tây Nguyên, một số sản phẩm còn được xuất khẩu sang Campuchia.  

 Gốm Mỹ Thiện cũng được nhiều nhà sưu tập trong và ngoài tỉnh chú ý sưu tầm. Một số trường đại học mỹ thuật trong nước và nhiều địa chỉ du lịch như Hội An, Đà Nẵng cũng đã đến làng gốm Mỹ Thiện đặt hàng để triển lãm và quảng bá, giới thiệu với khách du lịch.

 

Lò gốm của gia đình ông Đặng Văn Trịnh đã xuống cấp đang cần được sửa chữa.
Lò gốm của gia đình ông Đặng Văn Trịnh đã xuống cấp đang cần được sửa chữa.


Trước đây, khi nghề gốm Mỹ Thiện còn hưng thịnh, người dân các lò gốm thường tổ chức tế lễ (còn gọi là lễ ra nghề) vào ngày mùng 9 tháng giêng (âm lịch) hằng năm. Qua nhiều giai đoạn thăng trầm, hiện nay làng gốm Mỹ Thiện chỉ còn lại duy nhất lò gốm của ông Đặng Văn Trịnh (51 tuổi) ở thị trấn Châu Ổ đang hoạt động và phần nào giữ được hình ảnh làng nghề gốm Mỹ Thiện xưa. Ông Trịnh tâm sự: Nếu không được hỗ trợ kinh phí để thực hiện Dự án khôi phục làng nghề gốm Mỹ Thiện thì nghề truyền thống gốm Mỹ Thiện - Châu Ổ sẽ mất. Thật là đáng tiếc!


  Nguyễn Khâm
 


.