Nghĩa tình thầy trò

03:02, 20/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bằng sự yêu thương, đồng cảm với học trò nghèo, thầy cô giáo ở huyện Sơn Hà đã nhận đỡ đầu, giúp đỡ các em có thêm điều kiện đến trường. Đây là sợi dây gắn kết tình cảm thầy trò ở những vùng cao và đó cũng là cơ sở để họ thêm yêu nghề hơn.

TIN LIÊN QUAN

Hết lòng vì những mảnh đời

Những ngày Tết chóng vánh trôi qua. Cô giáo Ngô Thị Thu Nga – Giáo viên Trường THCS Sơn Ba  (Sơn Hà) lại lặn lội gần 100km từ miền xuôi lên với các em học sinh vùng núi. Năm học này, cô Nga nhận đỡ đầu cho em Đinh Thị Rả, một học sinh khuyết tật có hoàn cảnh rất khó khăn.

Em Đinh Thị Rả - một học sinh nghèo và bị khuyết tật về mắt đang được giáo viên đỡ đầu kèm cặp trong giờ học.                ảnh: Đình Diệu
Em Đinh Thị Rả - một học sinh nghèo và bị khuyết tật về mắt đang được giáo viên đỡ đầu kèm cặp trong giờ học. ảnh: Đình Diệu


Cha em Rả mất sớm. Mẹ em đã ngoài 60 tuổi. Còn em bị khuyết tật về mắt. Trước tình cảnh như vậy, cô Nga đã đến nhà vận động và hỗ trợ quần áo, đồ dùng học tập để gia đình cho em đến lớp. “Nhà thì nghèo và bản thân Rả cũng bị khuyết tật, nhưng em học rất chăm nên mình cảm thấy vui lắm! Đôi khi về xuôi, mình quyên góp được quần áo, hay đồ dùng học tập là mang lên cho em. Nhờ đó mà điều kiện học tập của em cũng đỡ hơn rất nhiều”, cô Nga chia sẻ.
 

“Sau một thời gian triển khai chương trình đỡ đầu các em học sinh nghèo, khuyết tật thì tình cảm thầy trò cũng ngày càng gắn bó. Các em cũng không còn giữ khoảng cách với giáo viên nữa. Từ đó, các thầy cô cũng hiểu thêm về hoàn cảnh và kịp thời giúp đỡ các em. Bên cạnh đó, ban giám hiệu nhà trường cũng thường xuyên kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp đỡ thêm về mặt vật chất để các em có thêm điều kiện đến trường”.
Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Hạ LÊ MỰC

Giống như em Rả, hoàn cảnh của cậu học trò xương thủy tinh Đinh Lâm Vũ, học sinh lớp 7E, Trường THCS Sơn Hạ (Sơn Hà) làm lay động lòng người. Gia đình khó khăn và bản thân mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng Vũ vẫn cố gắng học tập, vươn lên. Thương hoàn cảnh của Vũ, cô Nguyễn Thị Hồng Duyên đã nhận đỡ đầu, kèm cặp, dạy bảo cho Vũ nhanh tiến bộ.

Sau một thời gian, Vũ đã trở thành một học sinh khá, giỏi của trường. Và hơn hết, em còn quyết tâm học tập để sau này trở thành người công dân có ích cho xã hội. “Lúc ở nhà thì nhờ bố mẹ đưa đến lớp. Lúc ở trường có bạn, có thầy cô, nên em có thêm động lực học tập. Ngoài cô Duyên nhận đỡ đầu còn có một số thầy cũng thường xuyên quan tâm, kèm cặp, nên em rất vui. Các thầy cô nhiệt tình lắm, không chỉ dạy kiến thức mà còn hỗ trợ quần áo và đồ dùng học tập cho bọn em nữa”, Vũ tâm sự.

Thêm yêu nghề

Có rất nhiều thầy cô giáo đã dạy miễn phí, tặng học bổng, đỡ đầu, giúp các em học sinh vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Với họ, những việc làm đó chính là cơ sở để thêm yêu nghề.

Với các thầy cô ở vùng cao, việc nhận đỡ đầu học sinh nghèo giúp họ hiểu thêm hoàn cảnh, tâm tư của các em.
Với các thầy cô ở vùng cao, việc nhận đỡ đầu học sinh nghèo giúp họ hiểu thêm hoàn cảnh, tâm tư của các em.


Hầu hết các em học sinh ở miền núi đều có hoàn cảnh khó khăn. Sau giờ lên lớp, các em phải về phụ với cha mẹ, điều kiện đến trường rất nhiều thiếu thốn. Chính vì thế, chủ trương đỡ đầu cho các em học sinh nghèo, khuyết tật đã phần nào giúp các em có thêm điều kiện để đến trường. Cô Nga chia sẻ: “Khi gần gũi các em, mình mới hiểu thêm về hoàn cảnh sống và những tâm tư của các em. Sự gắn kết tình cảm thầy trò cũng trở nên gần gủi và các em cũng không còn tự ti...”.

Hiện nay, các thầy cô của Trường THCS Sơn Ba và THCS Sơn Hạ có 60 thầy cô nhận đỡ đầu hơn 62 em học sinh khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, ngoài giờ dạy trên lớp, các thầy cô còn kèm cặp, giúp đỡ thêm các em về mặt vật chất lẫn tinh thần để các em đến trường được đều đặn. Bằng những việc làm thầm lặng của mình, nhiều thầy cô giáo đã tạo nên nét đẹp của người giáo viên đang giảng dạy ở vùng cao.


 Bài, ảnh: MẠNH KHOA




 


.