Gian nan đi học mùa mưa

09:12, 09/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tây Trà là huyện miền núi xa xôi nhất của tỉnh Quảng Ngãi, với dân số hơn 84% là người Cor, đời sống kinh tế còn hết sức khó khăn. Khi ngày ngày người dân nơi đây vẫn phải nặng gánh lo cơm ăn áo mặc, thì con đường bám trường, bám lớp để chắt chiu con chữ càng gặp biết bao chông gai, nhất là trong mùa mưa bão…

TIN LIÊN QUAN

Đến với Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trà Lãnh (xã Trà Lãnh), một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Tây Trà, chỉ vào bảng theo dõi sĩ số lớp, thầy Đỗ Minh Định- Phó hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: “Những năm trước, đến mùa mưa là các em phải đi học “giã gạo”, tức ngày học ngày nghỉ. Thế nhưng trong năm nay, trừ những ngày có mưa bão quá lớn nhà trường phải cho nghỉ học, còn những ngày bình thường, các lớp đều kín học sinh ở cả trường chính và các điểm trường lẻ”.

Hiện toàn xã Trà Lãnh có 356 học sinh tiểu học và 126 học sinh trung học cơ sở, nhà trường đã lập năm điểm trường lẻ bậc tiểu học tại các thôn có tỷ lệ học sinh đông và một trường ghép bậc tiểu học và trung học cơ sở tại thôn Trà Linh, xã Trà Lãnh. Trước kia, những em ở xa, hằng ngày phải dậy từ 4,5 giờ sáng, cầm pin đi bộ hơn chục kilômét để đến trường. Mùa mưa bão, đoạn đường đi học càng cách trở với nhiều đoạn trũng có dòng nước chảy xiết, đường núi luôn tiềm ẩn sạt lở gây nguy hiểm đến tính mạng, nên tỷ lệ vắng ở các lớp rất cao.

 

Mùa mưa nhưng học sinh tại điểm trường lẻ thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh vẫn đi học đông đủ.
Mùa mưa nhưng học sinh tại điểm trường lẻ thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh vẫn đi học đông đủ.


Trong năm học này, nhà trường đã kêu gọi phụ huynh học sinh góp sức lực, cùng nguồn kinh phí của trường dựng nhà bán trú để các em không phải đi về hằng ngày. Đến nay, nhà bán trú đã đưa vào sử dụng được ba tuần và  ổn định chỗ ở cho 100 em, dù việc ở lại của các em cũng còn nhiều khó khăn. Thầy Định cho biết, sau giờ học, các em chia nhau lên núi hái rau rừng, nhặt củi về nấu ăn, với số gạo ít ỏi mang từ nhà lên, thỉnh thoảng nhà trường mua thêm ít gạo, ít mỡ cho các em cải thiện bữa ăn, nhưng cũng không đáng là bao. Các em vẫn thiếu thốn đủ bề.

Trong căn nhà bán trú dựng sơ sài, gió lùa qua vách nứa lạnh buốt, các em cùng nhau chia sẻ bữa cơm, manh áo, cùng phân chia công việc và giúp đỡ nhau học tập. Dù cuộc sống khó khăn nhưng các em luôn đoàn kết và vui vẻ, lạc quan. Em Hồ Thị Chiêu (lớp 7) cho biết:  “Ở đây ăn uống thiếu thốn, nhưng bạn bè đông nên rất vui. Có nhà bán trú em không phải hằng ngày đi bộ đến trường, không phải nghỉ học nữa ”. Tuy nhiên vì nhà bán trú chỉ được dựng sơ sài và khá chật nên chưa giải quyết chỗ ở hết cho số học sinh ở xa.  

Cô Nguyễn Thị Lệ Chi, giáo viên lớp 4A+ 2, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trà Lãnh cho biết: “Gia đình học sinh nơi đây phần lớn còn rất thiếu thốn. Những ngày mưa gió, các em không cặp sách, không giày dép, không áo mưa, chỉ mặc mỗi chiếc áo cộc đi học. Nhìn các em đến trường môi tím tái, ngồi co ro thương các em không sao tả được”.

Đã có nhà bán trú rồi, nhưng nhiều em chỉ có một bộ đồ đi học, hôm nào mưa to quần áo không kịp khô  các em lại mặc cảm không dám vào lớp. Hiểu tình trạng thiếu thốn của học sinh, các thầy cô kêu gọi nhau đi quyên góp quần áo ấm, giày dép cho các em vơi bớt cái lạnh. Thầy Đinh Quang Trung, giáo viên lớp 4 tại điểm trường lẻ, thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh chia sẻ: “Một đợt quyên góp, ủng hộ, mỗi lớp chỉ được khoảng 3,4 chiếc áo ấm, mình phải chọn các em có hoàn cảnh khó khăn nhất để phát. Nhiều em không có tủi thân, bật khóc, biết hoàn cảnh các em cũng không hơn gì nhưng chỉ biết hẹn các em vào đợt sau”.

Công tác tại xã Trà Lãnh, hầu hết thầy cô đều ở miền xuôi lên và còn rất trẻ. Tại những điểm trường lẻ, cuộc sống sau giờ dạy của thầy cô gói gọn trong những căn phòng chưa đầy 20m2, vật dụng thiếu thốn, chỉ có chiếc giường và bàn soạn giáo án là “khang trang” nhất. Ở những thôn nằm sâu như thôn Trà Ích, cuộc sống hoàn toàn cách ly với bên ngoài, chỉ có rừng núi và học sinh là bạn. Vì vậy, niềm vui của thầy cô nơi đây là những giờ lên lớp, được nghe tiếng cười đùa của học sinh. Thầy Trung tâm sự: “Mình có thiếu thốn nhưng học sinh còn thiếu thốn hơn. Nghĩ đến bao khó khăn mà các em vượt qua để đến lớp, dẫu chỉ có một, hai em đi học bọn mình cũng vẫn dạy”.

Dưới cái lạnh cắt da của vùng núi cao, hằng ngày thầy và trò đang cùng nhau vượt qua bao gian nan để gieo mầm con chữ. Dù biết giáo dục ở vùng cao không tránh khỏi khó khăn, thiếu thốn, nhưng thầy và trò nơi đây vẫn luôn trông mong sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội để con đường đến trường của các em bớt được phần nào khó khăn.


HÀ XUYÊN

 


.