(Báo Quảng Ngãi)- Tiếng trống trường, đồng phục học sinh, người thân đưa đón là điều quá xa lạ với cô trò tại điểm trường tiểu học thôn Quế (thuộc Trường tiểu học Trà Bùi- Trà Bồng). Lội bộ đi học với cơm nắm, muối hột là điều thường nhật tại điểm trường vùng cao này. Nhưng cái nghèo không ngăn được hành trình đi tìm con chữ. Các cô vẫn dạy, học trò vẫn lặn lội đến lớp…
Cheo leo con chữ vùng cao
Cách trung tâm TP. Quảng Ngãi hơn 70 km, thôn Quế (xã Trà Bùi- Trà Bồng) là một trong những vùng có đời sống nghèo nhất tỉnh. Quanh khu vực núi Cà Đam, 70 hộ người dân tộc Cor sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, trồng quế. Miếng ăn lo chưa xong, con chữ là điều mà đồng bào dân tộc ở đây chưa nghĩ đến. Nhưng được sự quan tâm của chính quyền địa phương, năm 2009 điểm trường tiểu học thôn Quế được thành lập để xóa mù chữ cho con em 70 hộ dân này.
Các em tranh thủ ngủ trưa ngay tại lớp |
Để vào được thôn Quế, chúng tôi phải gửi xe tại xã Trà Trung. Sau đó phải mất hơn hai giờ đồng hồ trèo đèo, cuốc bộ mới đến nơi. Tháng 10, Quảng Ngãi đang vào mùa mưa lũ, những con đường vùng cao bị nước chảy xói mòn, từng mảng đất sạt lở chắn ngang con đường mòn nhỏ hẹp. Vách núi cheo leo, con đường sỏi đá trải dài tít tắp, mùa nắng đi đã khó, mùa mưa càng khó gấp bội. Vậy mà suốt 4 năm qua các cô giáo ở điểm trường này vẫn kiên trì trèo đèo, lội suối đi gieo chữ.
Lọt thỏm trong thung lũng núi Cà Đam, điểm trường tiểu học thôn Quế có hai phòng học kiên cố và 1 nhà công vụ rộng chừng 15m2. Cô Nguyễn Thị Bích Yến, người về phụ trách trường ngay từ những ngày đầu tiên cho biết: “Hiện nay trường có 76 học sinh, trong đó 36 cháu từ lớp 1 đến lớp 3 và 40 cháu mẫu giáo. Có 3 cô đảm nhiệm dạy cấp tiểu học, 2 cô phụ trách nhóm trẻ mẫu giáo. Để có được số học sinh ổn định và đông đảo như hiện nay, chúng tôi đã đến từng nhà vận động cha mẹ cho con em đến lớp”.
Dù đã đi vào hoạt động 4 năm, nhưng điểm trường tiểu học vùng cao này vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn đủ bề. Để đến được trường, các em học sinh phải dậy từ sớm, chỉ kịp gói nắm cơm rồi tất tả vượt suối cho kịp giờ vào lớp. Học trò thôn Quế rất nghèo, quanh năm chỉ mặc mỗi bộ đồ do các cô xin từ dưới xuôi lên. Quyển vở cũng cô giáo cho. Cây bút chì cùn đến hơn 2/3 các em vẫn viết. Con nhà ai “giàu” lắm thì buổi trưa còn có nắm cơm lúa rẫy lót bụng, chứ đa phần học trò nơi đây toàn ăn cơm ghế bắp, củ mì…
Thương học trò ăn 3 phần khoai sắn, một phần cơm, khi thì các cô nấu cho các em bát canh rau rừng, hoặc cho chút mắm muối, chứ miếng cá, miếng thịt tại đây là thứ hàng quá xa xỉ.
Học sinh đã khổ, giáo viên ở đây cũng gian nan không kém. Điểm trường tiểu học thôn Quế cách trường chính 25 km, nếu muốn về nhận lương, giao ban họp hành các cô phải đi bộ xuống núi, lấy xe, mất cả một ngày đường. Không thể lên xuống núi hằng ngày, các giáo viên ở đây phải ở lại nhà công vụ. Trong căn phòng rộng 15m2 chỉ đủ kê hai chiếc giường, 5 cô giáo trẻ phải vừa lấy đó làm nơi sinh hoạt, soạn giáo án. Cuối tuần lại về xuôi mua sắm ít nhu yếu phẩm mang lên dùng trong tuần.
Cô Yến kể, cách đây một năm trường cũng có vài thầy giáo nam lên dạy, vì không có phòng riêng, đêm đến các thầy phải sang phòng học ngủ. Do quá bất tiện trong sinh hoạt, các thầy đành xin chuyển về xuôi hoặc qua các điểm trường khác. Từ đó các cô phải đảm đương tất cả công việc trường lớp, từ cái ghế bị hỏng, cái bảng tróc đinh đến mái trường bị dột… chuyện gì các cô cũng phải tự tay làm. Ngay cả điện chiếu sáng, các cô cũng phải sang xin đấu nối vào nhà dân.
Quyết tâm bám lớp, bám trường
Cô Yến chia sẻ: “Học trò ở thôn Quế phần lớn là con của đồng bào dân tộc thiểu số, dạy cho các em tiếng Kinh, phép toán là việc rất khó khăn. Vả lại ở đây thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nên học trò tiếp thu rất chậm, các em đều học trước quên sau. Chúng tôi chỉ có thể dạy phụ đạo nhắc lại kiến thức cho các em để cải thiện tình hình”.
Vào mùa mưa lũ, những cơn lũ từ đầu nguồn không biết đổ về lúc nào, để những học sinh của mình không gặp nguy hiểm vì vượt suối, các cô tình nguyện đưa đón các cháu nhỏ tận nhà. Còn đối với các học sinh lớp lớn nếu nghỉ một buổi học thì ngày hôm sau các cô phải đến tận nhà thăm nom, vận động các em đến lớp. Ngoài ra, các cô còn kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ cho học sinh vùng khó khăn (theo quy định của Chính phủ) như hỗ trợ gạo, bữa ăn trưa, hỗ trợ chi phí học tập, sách vở… để tiếp bước cho các em học sinh đến trường. Chính nhờ sự tận tụy và tình thương vô bờ bến đó, năm học mới này tại điểm trường tiểu học thôn Quế không có học sinh bỏ học.
Tâm huyết, vất vả và tận tâm với nghề, nhưng trong số 5 cô giáo dạy ở đây chỉ có 3 cô được biên chế. Còn hai cô Nguyễn Thị Ngọc Huyền và Trương Thị Việt (công tác tại đây đã hai năm) vẫn đang dạy hợp đồng, lương hằng tháng chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Khó khăn là vậy nhưng “Chúng tôi ở đây ai cũng quyết tâm bám trường, bám lớp, chứ nhất quyết không bỏ nghề dạy học. Nếu sợ khó khăn thì chúng tôi đã chẳng đến nơi này”, cô Việt khẳng định.
Còn cô Huyền thì mong mỏi: “Trước mắt chúng tôi chỉ muốn có người về bắt lại hệ thống điện để mùa mưa bão không xảy ra sự cố. Còn mong muốn lớn nhất là có con đường đến điểm trường này bớt gập ghềnh, sỏi đá để chúng tôi có thể “chở” văn minh vào với lũ nhỏ; các thương lái vào được với bản làng cho đồng bào nơi đây có được miếng thịt, miếng cá, chứ chỉ ăn mãi ngô khoai lũ trẻ còi cọc nhìn thương lắm”.
Bài, ảnh: Thanh Sa