Điệp viên ĐN3 và vỏ bọc "trùm đảng phái địch"

01:04, 26/04/2011
.

Sau khi cuốn tiểu thuyết "Ông cố vấn - Hồ sơ một điệp viên" của nhà văn Hữu Mai được xuất bản, đặc biệt là sau khi Lưới điệp báo H10-A22 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1989), đông đảo bạn đọc đã biết khá chi tiết về quá trình hoạt động của tổ trưởng Vũ Ngọc Nhạ và hai điệp viên chủ chốt sau này được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân là Lê Hữu Thúy, Nguyễn Xuân Hòe. Riêng Vũ Hữu Ruật-một điệp viên chủ chốt khác của mạng lưới-từng chui sâu, leo cao trong lòng địch, thu được nhiều tin tức, tài liệu quan trọng thì còn ít người biết…

Ông Vũ Hữu Ruật
Ông Vũ Hữu Ruật
Vũ Hữu Ruật sinh năm 1922 tại huyện Hưng Nhân (nay là Hưng Hà-Thái Bình). Vì gia đình tương đối khá giả, có cha là Chánh tổng nên ông được học hết trung học. Tháng 8-1945 ông tham gia cách mạng tại địa phương, tháng 5-1948 được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương.
 
Tháng 3-1952, khi ông đang là thị ủy viên thì được Thị ủy Thái Bình phái vào nội thị hoạt động hợp pháp. Một năm sau, ông bị bọn mật thám địch ở thị xã Thái Bình nghi ngờ, bắt giữ ít ngày rồi thả vì không có chứng cứ rõ ràng, song chúng vẫn yêu cầu ông hằng ngày phải tới trụ sở của chúng để trình diện. Vì bị địch o ép mạnh lại mất liên lạc với tổ chức, không thể hoạt động được nên tháng 8-1953 ông trốn lên Hà Nội.
 
Tại đây, với ý thức đi sâu vào tổ chức địch để làm nhiệm vụ cách mạng, ông đã gia nhập một đoàn quân hành chính lưu động (tiếng Pháp là Groupe Administratif Mobile en Opération-GAMO) thuộc Nha địa phương quân Bắc Việt, làm nhân viên Ban thông tin tuyên truyền. Tháng 7-1954, được Thị ủy Thái Bình giới thiệu, Trạm tình báo Tả ngạn thuộc Nha liên lạc (cơ quan tình báo chiến lược của ta) phái một cán bộ là Trần Tấn Chỉ (tức Thư Sinh) vào chắp nối với ông rồi giao ông cho Vũ Ngọc Nhạ chỉ đạo.
 
Ông rất phấn khởi vì được nhận công tác mới. Tuy muốn trở lại quê nhà làm việc song ông vẫn vui vẻ chấp hành sự phân công của Nha liên lạc, sẵn sàng đưa vợ con vào Nam để làm nhiệm vụ tình báo với bí danh là Thọ-bí số ĐN3.

Lúc ấy, các đảng phái phản động tranh nhau cài cắm người vào các đoàn quân hành chính lưu động, lấy đó làm một biện pháp quan trọng để khuếch trương thanh thế, gia tăng ảnh hưởng, xây dựng lực lượng, lôi kéo quần chúng. Do có trình độ, lại khéo sử dụng vỏ bọc một người cách mạng có xu hướng dân tộc, có thiện chí, theo khuynh hướng "tư tưởng Khổng Mạnh cấp tiến" nhưng chưa tham gia đảng phái nào, Vũ Hữu Ruật mau chóng chiếm được cảm tình của các tên đầu sỏ trong đoàn, đặc biệt là hai tên Lê Ngọc Đản (trưởng đoàn, đảng viên cốt cán của Việt Nam quốc dân đảng - Việt Quốc) và Vũ Văn Vy (đảng viên cốt cán của Việt Nam cách mệnh đồng minh hội - Việt Cách).
 
Cả hai tên đều đánh giá cao và tìm cách lôi kéo ông theo đảng của chúng. Sau một thời gian quan hệ trên diện rộng, ông xác định hướng đi sâu là Lê Ngọc Đản vì Việt Quốc có nhiều đảng viên đang nắm giữ vị trí chủ chốt trong ngụy quân, ngụy quyền, Đản lại có anh ruột là Lê Ngọc Chấn, thủ lĩnh một hệ phái Việt Quốc, vừa trở thành bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Ngô Đình Diệm. Đản biết ông từng tham gia Việt Minh song cho rằng động cơ của ông chỉ là cầu an, giải quyết gánh nặng gia đình chứ không nghi ngờ gì. Y hoàn toàn không biết ông đã gia nhập Đảng cộng sản, còn là một Thị ủy viên.
 
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, y càng đánh giá ông cao hơn vì trong khi nhiều tên Việt Quốc hoang mang, dao động, từ bỏ Việt Quốc thì ông vẫn tỏ ra muốn gắn bó với Việt Quốc, còn đem cả gia đình từ Thái Bình lên Hà Nội rồi tháng 10-1954 di cư vào Nam như chủ trương của Việt Quốc. Lúc đầu y mời ông tới gặp, sau tự đến nhà ông trao đổi công việc, bàn luận tình hình. Có lần bận không đi họp với tỉnh trưởng sở tại được, y cử ông đi thay mà không cử tên phó đoàn. Trước khi vào Nam, y đã mời ông tới dự một số cuộc họp của Việt Quốc rồi đề cử ông vào "cán bộ đoàn" Việt Quốc, giao ông phụ trách công tác tuyên huấn tuy ông chưa phải là đảng viên Việt Quốc.

Tại Sài Gòn, ngày 27-11-1954 Đản dẫn Vũ Hữu Ruật tới giới thiệu với Lê Ngọc Chấn. Vì rất tín nhiệm ông, muốn ông được Chấn trọng dụng nên Đản cho ông biết trước một số điều cơ mật về tổ chức, hoạt động của Việt Quốc, một số nét tính cách của Chấn như thủ đoạn, hay bắt nọn và dặn ông nếu Chấn hỏi thì cứ nói là đã vào Việt Quốc từ năm 1952, sách cổ kim đông tây đọc đã nhiều, việc gì cũng làm được. Lần gặp đầu, vì Chấn bận việc nên Đản chỉ kịp giới thiệu sơ về ông.
 
Lần gặp thứ hai, sau khi nghe Đản khen ngợi ông có trình độ văn hóa khá, am hiểu về tuyên truyền, huấn luyện, hành chính, biên tập, nghiên cứu và tổ chức vận động quần chúng, Chấn đã hỏi ông một số câu. Ông theo lời dặn của Đản, đồng thời lựa ý Chấn mà trả lời, khiến Chấn rất vừa ý. Tới lần gặp thứ ba vào ngày 1-12-1954 thì Chấn đồng ý thu nạp ông vào hệ phái Việt Quốc của Chấn, làm thư ký riêng cho Chấn. Ngày 26-1-1955, tại cuộc họp của bọn đầu sỏ Việt Quốc thuộc hệ phái của Chấn, ông được cử phụ trách việc giao thông liên lạc.
 
Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1955 ông được Chấn, Đản cử tới khu căn cứ ở tỉnh Long Xuyên của lực lượng vũ trang Hòa Hảo để làm việc với bọn lãnh đạo Dân Xã (Việt Nam dân chủ xã hội đảng, tổ chức chính trị của khối Phật giáo Hòa Hảo). Sau khi làm việc, ông đã trực tiếp giảng phần hành chính cho một lớp huấn luyện do các đảng phái và giáo phái chống Diệm đồng tổ chức, khiến bọn lãnh đạo Dân Xã nể phục, mời ông hợp tác lâu dài.

Giữa năm 1955, vì các đảng phái và giáo phái đối lập bị Diệm dẹp yên, Lê Ngọc Chấn cũng bị gạt ra khỏi Chính phủ nên Vũ Hữu Ruật mất hướng leo cao, chui sâu vào hàng ngũ địch theo con đường Việt Quốc. Tuy nhiên, ông vẫn giữ được vị trí nhân viên Nha tổng giám đốc thông tin. Xét thấy vị trí này dễ bị điều đi các tỉnh lẻ hoặc đơn vị lưu động, công việc lại bấp bênh, khó mở rộng, đi sâu quan hệ, thu thập tin tức tình báo, ông đã tìm cách vận động, tới đầu năm 1956 thì chuyển được sang làm Thư ký tại Phòng pháp chế của Nha công vụ vừa thành lập tại Tổng nha giám đốc hành chính trực thuộc Phủ Tổng thống ngụy.
 
Theo chỉ đạo của tổ chức, ông đã củng cố vững chắc vị trí tại Nha công vụ, thâm nhập Đảng cần lao nhân vị của Diệm-Nhu, đồng thời duy trì quan hệ tốt với bọn Việt Quốc, Việt Cách, Dân Xã, Đại Việt quốc dân đảng (Đại Việt), Đại Việt duy dân đảng (Duy Dân)... Thời gian này, ông thu thập, báo cáo được nhiều tin tức có giá trị về địch, nổi bật là hoạt động của phái đoàn cố vấn hành chính Mỹ, chủ trương phát hiện, tiêu diệt cơ sở cách mạng trong bộ máy ngụy quyền, chủ trương xây dựng lực lượng bảo an, dân vệ ở các địa phương…
 
Công việc đang tiến triển thì ngày 3-12-1958 ông bị Đoàn công tác đặc biệt miền Trung (mật vụ của Ngô Đình Cẩn) bắt do sự phản bội của Trần Tấn Chỉ. Ông đã khéo léo tránh né, che giấu được nhiều bí mật. Đầu năm 1959, địch đưa ông ra Trại tòa khâm ở Huế giam giữ. Đầu năm 1962 ông được trả tự do, trở về Sài Gòn song mất liên lạc với tổ chức. Tháng 8-1964 ông được Vũ Ngọc Nhạ chắp nối liên lạc, sau đó tiếp tục hoạt động trong tổ điệp báo của Vũ Ngọc Nhạ, tới tháng 5-1968 thì được tách ra để lập một tổ điệp báo mới, do ông làm tổ trưởng.

Sau khi liên lạc được với tổ chức, Vũ Hữu Ruật lại nỗ lực tìm cách chui sâu, leo cao vào hàng ngũ địch để thực hiện nhiệm vụ tình báo. Cuối năm 1964 ông trở thành ủy viên Kỳ ủy Bắc Việt của Việt Quốc thuộc hệ phái Lê Ngọc Chấn, Chu Tử Kỳ, Bùi Mỹ. Cuối năm 1965, nhờ sự giới thiệu của Chu Tử Kỳ và Bùi Mỹ, ông bắt quen rồi mau chóng chiếm được cảm tình của Nguyễn Văn Hướng, nguyên Xứ bộ trưởng Xứ bộ Nam Việt của Đại Việt, là chiến hữu thân cận của Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia.
 
Cuối tháng 3-1968, Hướng (lúc này là tổng thư ký Phủ tổng thống) bố trí ông làm tổng ủy viên tuyên truyền-nghiên cứu-huấn luyện trong Lực lượng tự do dân chủ, một tổ chức do Hướng và Nguyễn Văn Kiểu (thủ lĩnh Đại Việt, anh ruột Thiệu) vừa lập nên để hậu thuẫn trực tiếp về chính trị cho Thiệu (lúc này là tổng thống). Sau đó ít lâu, tại đại hội của lực lượng này, ông trúng cử vào Ban chấp hành, trở thành Đệ nhất phó tổng thư ký.
 
Tháng 5-1969, khi lực lượng này liên kết với 5 đảng phái chống Cộng khác là Đại Việt của Hà Thúc Ký, Dân Xã của Trình Quốc Khánh, Việt Quốc của Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Hòa Hiệp, Lực lượng đại đoàn kết của Nguyễn Gia Hiến, Nhân Xã (Việt Nam nhân xã cách mạng đảng) của Trương Công Cừu để thành lập Mặt trận quốc gia dân chủ xã hội do Thiệu làm chủ tịch, ông được bầu làm Phó tổng thư ký mặt trận. Thiệu, Hướng, Kiểu dự kiến tới đại hội của mặt trận này vào cuối năm 1969 sẽ đưa ông lên làm Tổng thư ký. Với các vị trí này, ông đã thu thập được một số tin tức, tài liệu có giá trị về tình hình các đảng phái chính trị của chế độ Sài Gòn.

Triển vọng lớn về nghiệp vụ đang mở ra trước mắt, việc tham gia chính quyền trung ương ngụy đang ở trong tầm tay thì tháng 7-1969 Vũ Hữu Ruật lại bị địch bắt do những vết lộ cũ. Cuối tháng 11-1969, ông bị tòa án địch kết mức án 7 năm tù khổ sai, sau đó bị đày ra Côn Đảo. Giữa năm 1973, ông được địch trao trả tại Lộc Ninh. Sau ngày thống nhất đất nước, ông nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh.
 
Theo Sự kiện và nhân chứng

.