(Báo Quảng Ngãi)- Hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là một nội dung quan trọng trong dự án 3, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.
[links()]
Vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức hội nghị giới thiệu thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tại đây, đã có nhiều dự án đầu tư, mô hình khởi nghiệp phù hợp với vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh được giới thiệu. Như dự án Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trồng tre lấy măng giai đoạn 2022 - 2024, dự kiến phát triển vùng nguyên liệu 20 nghìn héc ta tre tại các huyện miền núi của tỉnh. Dự án chọn và hợp tác với 10 hợp tác xã (HTX) tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, HTX góp công và đất, Nhà nước đầu tư giống, phân bón lần đầu, còn doanh nghiệp sẽ đầu tư nhà xưởng, thiết bị và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Đại diện Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ giới thiệu dự án Xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng bền vững. |
Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều địa phương miền núi trong tỉnh có tiềm năng để xây dựng các điểm du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, đơn cử như thác Lụa (Sơn Tây)...
Ngoài ra, Trường Đại học Phạm Văn Đồng và Câu lạc bộ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh cũng giới thiệu dự án khởi nghiệp kiến tạo tương lai với đối tượng hỗ trợ là cá nhân, hộ kinh doanh là người DTTS, người kinh doanh ở khu vực miền núi đặc biệt khó khăn.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trần Văn Mẫn cho rằng, hiện nay, việc khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và các dự án đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh còn nhiều khó khăn; quy mô nhỏ lẻ, chưa tận dụng được các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Việc giới thiệu các dự án đầu tư, mô hình khởi nghiệp lần này nhằm đem lại những dự án hay, mô hình hiệu quả để thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS. Từ đó, thay đổi tư duy, nhận thức của người dân và lan tỏa tinh thần lập thân, lập nghiệp, làm giàu và phát triển trên chính mảnh đất quê hương, tận dụng được những lợi thế khác biệt và đặc trưng của mỗi địa phương, mỗi cá nhân, gia đình vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh.
“Để có được các dự án đầu tư, mô hình khởi nghiệp hiệu quả, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị để đồng hành, tập trung hỗ trợ đồng bào DTTS xây dựng các mô hình khởi nghiệp; đẩy mạnh kết nối các kênh tư vấn, hỗ trợ cùng người dân khởi nghiệp; bồi dưỡng kiến thức về kinh tế nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, kỹ năng về ứng dụng chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kỹ năng tiếp thị và bán sản phẩm. Đồng thời, tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư, hội chợ, triển khai thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi, giới thiệu hình ảnh, các sản phẩm, món ăn đặc sản và quảng bá đến du khách trong và ngoài tỉnh", Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trần Văn Mẫn nhấn mạnh.
Bài, ảnh:
V.YẾN