Đầu tư hạ tầng cảng cá: Thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững

02:01, 11/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có 4.552 tàu khai thác, đánh bắt thủy sản, trong đó có 3.214 tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Để tạo thuận lợi cho việc khai thác thủy sản, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tàu cá, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững. 
[links()]
Đầu tư nâng cấp các cảng cá  
 
Những ngày đầu năm 2023, không khí tại cảng neo đậu tàu thuyền Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) trở nên nhộn nhịp. Ngư dân Huỳnh Tấn Phê, ở phường Phổ Quang cho biết, hai trụ neo tàu bị gãy đã được trục vớt, luồng lạch thông thoáng hơn, tàu thuyền ra vào cửa biển vì thế thuận lợi, ngư dân yên tâm. Ngư dân đã sẵn sàng chờ thời tiết thuận lợi tàu thuyền lại vươn khơi. 
 
Nếu được đầu tư đồng bộ, ngư dân sẽ không còn cảnh dùng thúng để trung chuyển sản phẩm từ cửa biển vào cảng cá Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ).
Nếu được đầu tư đồng bộ, ngư dân sẽ không còn cảnh dùng thúng để trung chuyển sản phẩm từ cửa biển vào cảng cá Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ).
Trong mùa mưa bão năm 2020, hai trụ neo thuộc tuyến neo đậu số II tại vũng neo đậu tàu thuyền Mỹ Á bị gãy đổ, một phần trôi dạt trong khu vực vũng neo đậu, còn phần chân bị chìm trong nước khiến ngư dân gặp nguy hiểm mỗi khi điều khiển phương tiện ra vào cảng. Đã có hàng chục tàu cá của ngư dân phường Phổ Quang bị hư hỏng chân vịt, ngư lưới cụ vì va vào trụ neo. Năm 2022, Ban Quản lý các cảng cá tỉnh tiến hành trục vớt 2 trụ neo bị gãy, với kinh phí hơn 700 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
 
Ngư dân có tàu công suất lớn trên địa bàn TX.Đức Phổ cũng phấn khởi khi hay tin cảng cá Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) sẽ được đầu tư đồng bộ, bài bản. Ngư dân Hành Văn Hóa, ở phường Phổ Quang cho biết, mỗi lần đưa tàu cập cảng Sa Huỳnh, ngư dân rất vất vả, phập phồng lo tàu bị mắc cạn gãy chân vịt. Nhiều chuyến biển tôi mất 3 - 4 giờ để “canh” con nước nhưng tàu vẫn không vào cảng được, đành phải neo ngoài cửa biển rồi thuê thúng trung chuyển hải sản vào cảng để bán, rất tốn kém. "Tôi mong dự án khắc phục cảng cá Sa Huỳnh sớm được triển khai, hoàn thành đúng tiến độ để tàu thuyền ra vào cảng được thuận lợi, ngư dân yên tâm vươn khơi", ông Hóa nói.
 
Nhiều năm qua, hạ tầng cảng cá Sa Huỳnh vừa thiếu vừa yếu, cộng với luồng tuyến thường xuyên bị bồi bấp, không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện mỗi khi ra vào. Vì vậy, thay vì đáp ứng mục tiêu neo đậu cho 500 chiếc tàu, công suất dưới 400CV/chiếc, thực tế chỉ có 30 chiếc tàu công suất nhỏ, khai thác gần bờ cập bến mỗi ngày. Điều này dẫn đến nghề cá và dịch vụ hậu cần trầm lắng, đời sống ngư dân và người dân trong khu vực ngày càng khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đê chắn cát, giảm sóng và nạo vét thông luồng vào khu neo đậu tránh bão cảng cá Sa Huỳnh, với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh; thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2025.
 
Ngư dân trong tỉnh cũng đón nhận tin vui khi Bộ NN&PTNT vừa phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Tịnh Hòa, thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2026. Với quy mô đầu tư 460 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương do Bộ NN&PTNT quản lý là 400 tỷ đồng), dự án sẽ xây mới bến cảng cá có công suất phục vụ 15 nghìn tấn hàng thủy sản mỗi năm; khu cảng và hệ thống kè bảo vệ, đảm bảo cho 1.500 tàu cá neo đậu tránh trú bão... Ngoài ra, dự án cũng xây dựng các hạng mục công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật cảng cá và nạo vét các tuyến luồng đảm bảo tàu thuận lợi ra vào, neo đậu tránh trú. 
 
Dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) còn thủ công, chưa đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh và tỷ lệ cơ giới hóa.
Dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) còn thủ công, chưa đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh và tỷ lệ cơ giới hóa.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai thực hiện dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi). Theo đó, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Cổ Lũy được quy hoạch theo hướng đồng bộ, với các dịch vụ cầu cảng; phân loại, thu mua, sơ chế, chế biến và vận chuyển thủy sản sau thu hoạch; các dịch vụ hậu cần nghề cá, cung ứng kho lạnh và nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động nghề cá. Giai đoạn 1 của dự án đang triển khai thực hiện các hạng mục xây dựng đê chắn sóng, ngăn cát phía bắc, phía nam và kè bảo vệ chống xói lở gốc đê phía nam. Tổng mức đầu tư dự án là 157 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2022 - 2023.
 
Năm 2022, UBND tỉnh bố trí 32 tỷ đồng để mở rộng cầu cảng Mỹ Á và đầu tư hạng mục phòng cháy, chữa cháy, xử lý nước thải tại 4 cảng cá và cảng neo đậu tàu thuyền là Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ, Sa Huỳnh và Lý Sơn. Qua đó, từng bước khắc phục tình trạng “3 không”: Không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, không có hệ thống thu gom xử lý nước thải, không có trang thiết bị tự động phục vụ bốc dỡ và vận chuyển hàng hóa tại các cảng cá.
 
Hướng đến hiệu quả, bền vững
 
Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành đã quan tâm đầu tư, nhưng hạ tầng nghề cá vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, luồng vào các cảng và khu neo đậu liên tục bị sa bồi nên các bến cá, khu neo gặp nhiều khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc hải sản, chưa đáp ứng các yêu cầu trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bến cá vẫn chưa được quan tâm xử lý triệt để.
 
Dịch vụ hầu cần nghề cá tại cảng cá Sa Huỳnh vừa thiếu vừa yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Dịch vụ hầu cần nghề cá tại cảng cá Sa Huỳnh vừa thiếu vừa yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Toàn tỉnh có 3.214 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, nhưng có chưa đến 1/3 tàu cập vào 4 cảng chỉ định gồm Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) và Mỹ Á, Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) để bán sản phẩm. Nhiều tàu cập cảng ngoài tỉnh, hoặc về bến tư nhân để bán cá, nạp tổn sau đó đến cảng cá chỉ định để làm thủ tục xuất, nhập bến.
 
Theo Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn, hạ tầng vừa thiếu vừa yếu dẫn đến các cảng cá và cảng neo đậu tàu cá trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển nghề cá. Việc đầu tư nâng cấp và mở rộng cảng cá, cảng neo đậu tàu thuyền trên địa bàn tỉnh không chỉ tạo thuận lợi cho ngư dân, thúc đẩy phát triển nghề cá mà còn giúp công tác quản lý tàu thuyền chặt chẽ, hiệu quả hơn. Do đó, về lâu dài, tỉnh và ngành chức năng cần rà soát và quy hoạch cảng cá, khu neo đậu gắn với đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá theo hướng công nghiệp, hiện đại trên cơ sở nâng cấp, mở rộng cảng cá hiện có. Tập trung đầu tư các hạng mục dịch vụ hậu cần nghề cá, cơ sở hạ tầng và hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa... nhằm đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, lâu nay việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá cũng như nạo vét các luồng lạch cần nguồn vốn khá lớn, nhưng chưa được chính quyền các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực. Vì vậy, thời gian đến, trên cơ sở quy hoạch ngành thủy sản, hệ thống cảng cá, các địa phương cần ưu tiên bố trí kinh phí, chú trọng lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng nghề cá. Đối với ngành nông nghiệp, sẽ tập trung xây dựng hoàn thành các cảng cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc gỡ “thẻ vàng” thủy sản, đáp ứng được mục tiêu phát triển nghề cá hiện đại, trách nhiệm và bền vững.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.