Công nghiệp Quảng Ngãi sang trang mới

12:01, 16/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Có một thời, người dân Quảng Ngãi khi nhìn những vùng cát trắng hoang vu, cằn cỗi, không ai nghĩ rằng có một ngày sẽ mọc lên những công trình, nhà máy mang tầm quốc gia. Còn với người dân cả nước, khi nói đến Quảng Ngãi liền nghĩ mảnh đất này chỉ có mía đường... Nhưng đến nay, Quảng Ngãi đã khác, ngành công nghiệp đã phát triển lên tầm cao mới. 
[links()]
 
Quảng Ngãi hôm nay tuy chưa phải là đầu tàu công nghiệp của khu vực hay quốc gia, nhưng là địa phương có nhiều nhà máy được xếp vào hàng số 1 Việt Nam. Quảng Ngãi đã và đang hiện thực hóa khát vọng phát triển công nghiệp, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, là niềm tự hào của quê hương.
 
Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi.             Ảnh: Bùi Trung
Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi. Ảnh: Bùi Trung
Niềm tự hào Dung Quất
 
Trước thềm xuân mới, chúng tôi được TS.Nguyễn Kim Hiệu - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, dành cho buổi trò chuyện thú vị về ngành công nghiệp Quảng Ngãi, bắt đầu từ công trình Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ông bảo, trước khi có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công nghiệp Quảng Ngãi chậm phát triển. Quảng Ngãi khi ấy là tỉnh nghèo. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Lúc ấy, Quảng Ngãi chỉ có hai công trình lớn là thủy lợi Thạch Nham và Nhà máy Đường Quảng Ngãi. Bài toán làm gì để đưa nền kinh tế của tỉnh đi lên mấy chục năm trời chưa tìm ra lời giải. Cho đến khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định chọn Dung Quất để xây dựng Nhà máy Lọc dầu số 1 Việt Nam thì bài toán ấy mới có lời giải.
 
Công nhân Công ty Hòa Phát Dung Quất đang làm việc.          Ảnh: MINH TOÀN
Công nhân Công ty Hòa Phát Dung Quất đang làm việc. Ảnh: MINH TOÀN
Tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu kể rằng, niềm vui nhân đôi cho Quảng Ngãi khi cùng với khởi công xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào năm 2005, Quảng Ngãi  được Chính phủ quyết định thành lập KKT Dung Quất. Tháng 1/2011, khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành thương mại cũng là thời điểm hàng loạt dự án công nghiệp khác đã được thu hút vào đây. Kể từ đó, KKT Dung Quất từng bước phát triển thành KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc dầu - hóa dầu - hóa chất, các ngành công nghiệp có quy mô lớn. Phát triển công nghiệp tại KKT Dung Quất gắn với việc phát triển và khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu Dung Quất, sân bay quốc tế Chu Lai và các đô thị Vạn Tường, đô thị Dốc Sỏi. Cùng với đó, Quảng Ngãi không ngừng quan tâm phát triển công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, thực phẩm... 
 
Chặng đường phát triển công nghiệp hơn 25 năm ở vùng đất cằn cỗi Dung Quất thuở nào, tính ra cũng bằng với độ thanh xuân tươi đẹp của đời người. Sự tươi đẹp trên mảnh đất này không tự nhiên mà đến, mà nó là cả một chuỗi ngày dài miệt mài lao động của hàng chục nghìn khối óc, con tim. Hiện nay, KKT Dung Quất và các KCN trên địa bàn tỉnh đang chiếm giữ vị trí chủ lực trong tăng trưởng, thu ngân sách của Quảng Ngãi. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của KKT Dung Quất và các KCN tỉnh ước đạt 257 nghìn tỷ đồng, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 142,8% kế hoạch năm. Đến nay, KKT Dung Quất giải quyết việc làm cho khoảng 50 nghìn lao động.
 
Vững vàng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam
 
Phát triển công nghiệp quy mô lớn, phù hợp xu thế của quốc gia và hội nhập, nhưng cho đến hôm nay, “niềm tự hào mía đường Quảng Ngãi” vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu khoác trên mình trọng trách là ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Nhớ lại hành trình của mấy chục năm về trước, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi Võ Thành Đàng cho biết, Công ty CP Đường Quảng Ngãi tiền thân là Công ty Đường Quảng Ngãi thuộc Bộ NN&PTNT. Lúc mới thành lập, công ty chỉ có 2 sản phẩm chính là đường RS và cồn, với số lao động khoảng 650 người. Năm 2005, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty và chuyển thành Công ty CP Đường Quảng Ngãi, đến năm 2007 công ty chính thức được công nhận là công ty đại chúng.
 
Đóng gói sản phẩm sữa đậu nành Vinasoy tại Nhà máy Sữa đậu nành Vinasoy (Công ty CP Đường Quảng Ngãi).                                     Ảnh: My Na
Đóng gói sản phẩm sữa đậu nành Vinasoy tại Nhà máy Sữa đậu nành Vinasoy (Công ty CP Đường Quảng Ngãi). Ảnh: My Na
Trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, hiện nay Công ty CP Đường Quảng Ngãi là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống. Công ty có 17 đơn vị thành viên và các chi nhánh, văn phòng đại diện đặt tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các sản phẩm của công ty không chỉ có mặt khắp 63 tỉnh, thành phố mà còn xuất khẩu sang Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và các nước Đông Nam Á...
 
 Sản phẩm của công ty có nhiều chủng loại, gồm đường, sữa đậu nành Vinasoy, nước khoáng Thạch Bích, bánh kẹo Biscafun, bia Dung Quất, nha công nghiệp. Các sản phẩm của công ty đã từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường, góp phần đưa Công ty CP Đường Quảng Ngãi trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam, với 5 lần liên tiếp có sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia (2014, 2016, 2018, 2020, 2022). Liên tục trong nhiều năm, công ty được xếp thứ hạng cao trong tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, tốp 500 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất Việt Nam và tốp 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
 
Chặng đường “từ không đến có”
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, so với cả nước, ngành công nghiệp Quảng Ngãi chưa thật sự bằng với một số tỉnh, thành phố, song nhìn lại chặng đường đi "từ không đến có" thì rất đáng để tự hào. Mỗi một thời kỳ, mục tiêu  phát triển công nghiệp sẽ thay đổi, nhưng phát triển hài hòa công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, tạo việc làm, ổn định thu nhập cho người dân là quan điểm xuyên suốt của tỉnh. Một khi có khát vọng phát triển công nghiệp bền vững thì sẽ tạo ra giá trị to lớn về nhiều mặt cho cả cộng đồng.
 
MY NA
 
 

.