(Báo Quảng Ngãi)- Vượt qua những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để lại, năm 2022, Quảng Ngãi đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT- XH), quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội.
[links()]
Thành tựu to lớn, toàn diện nhất của tỉnh trong năm 2022 là hoàn thành 25/25 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra, trong đó có 14 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm 7 chỉ tiêu về kinh tế, 6 chỉ tiêu về văn hóa- xã hội và 1 chỉ tiêu về tài nguyên môi trường. Nổi bật là tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,08% so với năm 2021. GRDP bình quân đầu người ước đạt 97,67 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 34,16 nghìn tỷ đồng, tăng 44,7% so với năm 2021, vượt 77,6% dự toán trung ương giao; là năm đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi thu trên 30 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33,2 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021...
Quyết tâm cao, nỗ lực lớn...
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm (2021 - 2025) đã đặt ra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tỉnh ta phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Nhất là những khó khăn, tồn tại kéo dài từ nhiệm kỳ trước để lại. Trong đó có việc hụt thu ngân sách trong 2 năm 2019, 2020; hậu quả bão số 9 năm 2020 để lại rất nặng nề và đặc biệt là sự ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, khiến KT - XH của tỉnh, cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
|
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. ẢNH: BSR |
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh khẳng định, với ý chí, sự tự tin, bản lĩnh, tinh thần dám nghĩ, dám làm; sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, khoa học, hiệu quả của lãnh đạo tỉnh, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, năm 2022, KT - XH của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực, toàn diện trên các mặt và được lãnh đạo trung ương đánh giá là một trong những điểm sáng nổi bật của cả nước.
Không chỉ hoàn thành thắng lợi 25/25 chỉ tiêu chủ yếu đề ra năm 2022, điều đáng mừng nữa là, đến thời điểm này, Quảng Ngãi đã hoàn thành việc xử lý đối với phần hụt thu năm 2019, 2020 (khoảng 6.000 tỷ đồng). “Đây là một sự nỗ lực, cố gắng cực kỳ lớn của lãnh đạo tỉnh trong giai đoạn tỉnh ta bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ và có nhiều nhiệm vụ chi cần thiết phải thực hiện. Điều này thể hiện sự chỉ đạo, điều hành tài chính ngân sách linh hoạt, hợp lý, khoa học của lãnh đạo tỉnh. Đồng thời tạo thuận lợi rất lớn cho quá trình điều hành tài chính ngân sách của tỉnh trong thời gian đến”, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh chia sẻ.
Những năm gần đây, quy mô nền kinh tế của Quảng Ngãi không ngừng tăng lên và hiện đã vào tốp 20 tỉnh, thành phố có quy mô nền kinh tế lớn nhất cả nước. Quy mô GRDP của tỉnh hiện tại đứng thứ 2/5 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thứ 4/14 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế miền Trung. GRDP bình quân đầu người đứng thứ 2/14 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế miền Trung, chỉ xếp sau TP.Đà Nẵng. Thu ngân sách nhà nước đứng đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đứng thứ 2 trong khu vực miền Trung.
Một kết quả nổi bật của tỉnh trong năm 2022 nữa là công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến ngày 30/11/2022, giá trị giải ngân đạt hơn 4.676 tỷ đồng, bằng 103,9% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 76,4% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao; nằm trong 10 tỉnh, thành phố giải ngân vốn cao nhất cả nước. Đến ngày 31/12/2022, giải ngân ước đạt 129,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 95% kế hoạch vốn được HĐND tỉnh giao; nếu không tính kế hoạch vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, thì giải ngân đạt 100% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Bên cạnh đó, đến nay tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 (đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn qua địa bàn tỉnh được thực hiện quyết liệt và bàn giao mặt bằng theo đúng kế hoạch...
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành
Năm 2023, tỉnh đề ra 25 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT - XH, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân âm 3,5% đến âm 3%; GRDP bình quân đầu người khoảng 3.780 USD. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt khoảng 33 - 34 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 31%. Phấn đấu thu ngân sách vượt chỉ tiêu trung ương giao trên 5%. Có thêm 7 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 62,95%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1 - 1,5%... |
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái nhận định, kết quả đạt được của tỉnh năm 2022 là “bức tranh” KT - XH sáng nhất thời gian qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, trong những chỉ tiêu đã đạt, vẫn còn một số chỉ tiêu phát triển nhưng chưa bền vững, chưa đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực. Giá trị sản xuất công nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào giá trị của sản phẩm lọc hóa dầu và thép. Nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước chưa được tháo gỡ vướng mắc do sự chồng chéo giữa các quy định của pháp luật nên “điểm nghẽn” trong đầu tư ngoài ngân sách vẫn chưa được khơi thông. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, vướng mắc kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của nhiều dự án. Vì vậy, trong năm 2023, các ngành, địa phương cần đề ra những giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra một cách hiệu quả.
Năm 2023 là năm tăng tốc để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm (2021 - 2025). Để tổ chức triển khai đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2023, cả hệ thống chính trị cần phải quyết tâm và nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp: Thực hiện nhất quán, đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”; tranh thủ các gói kích thích, phục hồi kinh tế của trung ương để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT - XH; tạo đột phá trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng thu hút đầu tư của tỉnh. Giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
“Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, yêu cầu các cấp, ngành trong hệ thống các cơ quan hành chính tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành; đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách thức làm việc, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Khuyến khích tư duy đột phá, hiến kế, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; không ngại khó, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tỉnh cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và nhân dân tỉnh nhà hãy chung sức, đồng lòng, sát cánh, ủng hộ và giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KT - XH. Đồng thời, với tinh thần cầu thị, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các tầng lớp nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà”, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh.
PHẠM DANH